Thursday, August 28, 2014

Chỉ toàn là trẻ con

Mẹ đang lúi húi băm rau bèo chợt thấy Than đạp xe về, nước chảy ròng ròng từ áo xuống. "Ơ hay, mày bị làm sao thế." "Con bị ngã xuống mương" - Than trả lời. "Mày thay rồi đi học ngay cho tao. Con với cái, đi cái xe đạp cũng không xong". Bị mẹ mắng nhưng Than chỉ lặng lẽ đi vào nhà trong, miệng vẫn tủm tỉm cười. Chả là nó đạp xe đi học qua quán nước đầu làng, đi qua một đoạn nhưng vẫn nghe được mấy người chỉ trỏ: "Đấy thằng Than đấy, cả làng này không ai gặp được nhiều người nổi tiếng như nó đâu". Nghe xong mà sướng cái bụng, đang nhe răng cười thì thấy loạng choạng rồi ùm một cái cả người và xe đều phi xuống mương.

Nó sướng là phải, ở làng này nó cứ luôn phải so đo độ danh tiếng với thằng Đáy - chuyên gia leo trèo và đánh cắp những câu chuyện từ trên nóc nhà. Thằng Đáy thì suốt ngày chỉ quanh quẩn với cây cối, đỉnh nóc, còn nó, nó đã có biết bao lần được gặp những người nổi tiếng bằng da bằng thịt nên tự hào là phải. Tự hào kiểu như:

" Anh Than, hôm qua anh gặp ca sĩ Mỹ Linh hử?"
" Ờ thì sao, cả Hồng Nhung với Huy Tuấn nữa !"
" Trông ở ngoài thế nào anh. "
" Thì cũng thường thôi, tao đi ngang qua Nhà Hát Lớn thì thấy cái ô tô xịch trước cổng, rồi Huy Tuấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung bước xuống. Mỹ Linh, Hồng Nhung trông bé như cái kẹo, còn Huy Tuấn trông đầu gấu phết. Tao định chào câu nhưng có việc nên phải đi ngay."
" Thế mà anh không bắt tay một cái. "
" Hơi đâu, rỗi việc chắc."
" Anh Than thích thật, còn đi công tác ở Nhà Hát Lớn nữa."

Đấy, kiểu như thế, nhưng tuyệt nhiên không có một chút hư cấu. Nó lên Hà Nội chơi với chị Thơm, tối đi mua sách rồi tình cờ gặp, bận đến nỗi còn không kịp chào ba người ấy.

Và cái duyên với người nổi tiếng của nó cũng thật li kỳ. Lần đầu tiên nó gặp một người nổi tiếng là năm 7 tuổi, trường cấp 3 huyện mời nhà thơ Trần Đăng Khoa về nói chuyện, nó theo đuôi mấy anh chị học cấp 3 cùng làng đến xem. 7 tuổi, nó nhớ lắm mấy câu "Sao không về hở chó, Vàng ơi là Vàng ơi", vì nó cũng có một con chó Vàng bị bọn trộm bắt mất. Cái thời ông Trần Đăng Khoa, chắc người ta cũng thích ăn thịt chó, thời nào cũng vậy nhỉ, chỉ tội cho mấy đứa trẻ cứ phải chờ vàng mắt thổn thức "Sao không về hở chó..." mà thôi.

Lúc nhìn thấy Trần Đăng Khoa nó cũng phải dụi mắt vài cái. Nhà thơ nổi tiếng, thần đồng đây sao, trông chả khác nào bác Nông cạnh nhà nó chuyên đi cất vó, da đen sạm, thấp và phần thân thì to bè ra. Nhưng nhà thơ nói chuyện có khác, nó chẳng hiểu gì, chỉ biết cả một sân trường gần nghìn học sinh im phăng phắc, nhà thơ vừa dứt lời, tiếng vỗ tay rần rần nổi lên, các thầy cô giáo mặt đỏ tưng bừng, có cô giáo trẻ còn lấy khăn mùi xoa lau lau nước mắt. Cuối buổi nhà thơ ra câu đố, đố em học sinh nào đọc được bài thơ 2 khổ mà mỗi khổ nằm trong một bài thơ khác nhau của một tác giả khác nhau, em nào đọc được nhà thơ sẽ thưởng cho hai trăm đô la Mĩ. Hồi đó nó bảo với mấy chị ngồi cạnh, đô la mà cũng thưởng, em đi đánh thắng bọn nó đầy nhà đây này. Mấy chị cười rũ rượi "Than ơi là than, không phải đô la giấy đâu. Một đô la Mỹ mua được 20 quyển vở cho em cơ." Ơ, hay nhỉ, lần đầu tiên nó biết làm nhà thơ cũng không nghèo lắm, đọc thơ cũng có tiền, và thế là từ đấy nhờ người nổi tiếng - tức nhà thơ Trần Đăng Khoa, thằng Than cũng bắt đầu tập toẹ làm thơ.

Kiểu như
" Trai tài đánh dậm đùi đen kít
 Gái đảm mò cua háng mốc meo  "

"Toàn mấy câu nhố nhăng bậy bạ" - đó là câu cửa miệng của mẹ nó mỗi khi nó nổi hứng đọc thơ.

Sau lần đó, duyên của nó bắt đầu phát, lúc thì gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo  thăm bạn cũ, lúc thì gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, lúc gặp anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ, ca sĩ Quang Linh,..và có lần còn được bắt tay cả bộ trưởng nữa, ghê không?

Đó là lần nó lên nhận thưởng ở tỉnh, giải to lắm, to đến nỗi bố nó phải đi khao cả xóm. Trước hôm đi mấy hôm, mẹ dẫn nó lên phố huyện may cho cái áo mới trắng tinh, sắm một đôi dép tổ ong cũng trắng tinh còn thơm mùi nhựa. Nó chẳng dám mặc, thỉnh thoảng đem ra gấp rồi vuốt ve chờ ngày diện lên người lĩnh thưởng. Và ngày ấy cũng đến, lúc lên nhận giải, nó rút từ trong cặp ra đôi dép mới rồi xỏ vào thay đôi cũ, nó tự hào lắm, áo trắng tinh, dép tổ ong cũng trắng tinh, chỉ có khăn quàng là đỏ thắm. Người ta gọi tên, nó bước lên trước, ông bộ trưởng chậm rãi bước sau, rồi bắt tay, rồi trao bằng, hồ hởi mặt sáng bừng. Đột nhiên nó cúi đầu xuống nhìn đôi dép tổ ong, một vệt đen quệt lên viền dép trắng, đứng bên cạnh là đôi giày đen bóng của ông bộ trưởng đang vỗ tay cười tươi. Nó nhìn xuống dưới thấy ở đây có rất nhiều người lớn đang vỗ tay, đang cười, ai cũng đi giày đen bóng chả thấy có ai đi dép tổ ong cả. Nó buồn lắm và nghĩ, cả làng mình ai cũng đi dép tổ ong, vậy sẽ chẳng có ai thành người nổi tiếng sao?

Mà thôi, nhắc chuyện dép tổ ong và đôi giày của ông bộ trưởng làm gì, chuyện đó đã rất lâu rồi. Hôm nay mẹ thằng Than còn thấy chuyện lạ hơn. Than đi học về nhà chìa ra cho mẹ xem tấm ảnh hỏi:

" Mẹ có biết ai đây không?"
" Ai, thầy giáo cắm bản với bọn trẻ con chứ ai?"
" Không, giáo sư Ngô Bảo Châu đấy mẹ ạ"
" Ông Ngô Bảo Châu đạt giải gì to lắm mà bố mày mua bia về đãi hàng xóm đấy hử?"
" Vâng!"
" Thế ông ấy làm gì ở trên miền núi"
" Mẹ thì biết sao được."

Nói rồi Than lặng lẽ vào trong buồng ngồi bên bàn học, nó nhìn mãi bức ảnh ông giáo sư toán học dạy đếm cho mấy đứa lít nhít chỉ mong mỗi bữa cơm có một miếng thịt. Điều đặc biệt hơn, ông giáo sư ấy không giống như ông bộ trưởng với đôi giày đen bóng kia, ông giáo sư đi đôi dép tổ ong trắng tinh, như thằng Than ngày nào. Thế rồi, nó ngồi viết câu chuyện này nước mắt lã chã rơi, câu đầu tiên mà nó viết lên giấy là:

TRỜI SINH RA TRƯỚC NHẤT
CHỈ TOÀN LÀ TRẺ CON...

Và đây là nguồn gốc bức ảnh mà thằng Than lên tận phố huyện in về cho mẹ xem
https://www.facebook.com/comcothit

Tokyo. 2014.08.28







Truyện ngắn tũn (3)

Viết những câu chuyện dài rất khó vì phải viết sao cho logic, cho thật nhất. Ngược lại viết những câu chuyện ngắn "tũn" dễ hơn vì ta thường thấy hàng ngày, có khi chỉ là một cái cười ý nhị, một cái quắc mắt, một chiếc quang gánh ... cũng thành câu chuyện. Và luyện thói quen viết càng ngắn càng tốt càng dễ đọc và nhớ lâu...

1. Vàng ơi là Vàng ơi...

"Lão Hạc đứng nhìn con Vàng bị người ta tóm lấy hai cẳng và dốc ngược lên. Vàng khôn lắm, nó cứ nằm im và ư ử như trách lão, như cam chịu cho số phận của mình. Trong xã hội thực dân phong kiến đó, những người như lão Hạc đã bị dồn xuống đáy của xã hội, bị cướp đi phần hồn của một con người. Ta xót thương cho thân phận lão Hạc, xót thương cho thân phận Vàng - con vật trung thành với con người ngay cả khi sinh mệnh của nó bị đe doạ".

Cô vừa dứt lời thì tiếng trống điểm tiết học kết thúc. Cho học sinh ra về, cô cũng vội vã bước nhanh ra khỏi lớp. Dưới sân trường đã thấy vài thầy cô khác đứng đợi sẵn ở đó. Chả là hôm qua đại hội công đoàn nhưng về muộn quá cả trường chưa kịp liên hoan. Vừa nhìn thấy thầy hiệu trưởng cô vồn vã: "Hôm nay sếp cho đi liên hoan ở quán anh Tư là chuẩn nhất đấy ạ. Trời mát thế này ăn thịt chó là hợp nhất rồi." Nói rồi cô cười rất tươi, chẳng để ý đến đám học sinh gần đó đang quay lại nhìn...

2. Ở chùa

Sư thầy về chùa xã đã được hơn 5 năm. Trong 5 năm ấy, nghe đâu sư thầy vận động được nhiều người giàu có máu mặt đồ tiền vào công đức nên diện mạo của chùa thay đổi chóng mặt, khang trang, hoành tráng hơn hẳn. Hồi mới về sư thầy chỉ có con wave tàu, nay đã có ô tô và lái xe riêng cho nhà chùa. Thỉnh thoảng sư thầy bảo lái xe chở về quê, lúc thì đám cưới em trai, lúc thì giỗ họ, khánh thành nhà thờ, trọng vọng lắm.

Có lần thằng Than vào xin bát hương của ông nó, thấy sư thầy đang ngồi ăn cơm với một thằng bé lạ hoắc khoảng 7-8 tuổi. Than đánh bạo hỏi "Đứa bé này là ai vậy thầy?". Sư thầy bảo: "Đây là chú tiểu nhỏ của chùa ta".

Từ đó Than thấy thằng bé thường xuyên hơn, sư thầy đã xin chính quyền cho nó được ở chùa và học tiếp. Sáng nào nó cũng dậy sớm quét lá, thỉnh thoảng đọc to mấy câu kinh, sư thầy thấy thế thì mừng lắm cho là thằng bé đã "giác ngộ”.

Đột nhiên có một hôm có ba bốn anh công an vào đưa thầy đi đâu đó, một tháng sau người ta lại đưa một sư thầy khác về làm trụ trì. Dân trong xã bắt đầu xì xào, sư cũng tham ô, tham ô thế này thì Phật quật cho chết. Sư thầy mới ban đầu đi dream nhưng nghe xì xào về trụ trì cũ đành đổi sang wave tàu đi cho thanh bạch. Chùa lại đông đúc phật tử máu mặt như xưa.

Có điều không ai biết thằng bé kia đã đi đâu, thằng Than đành dò hỏi bà cụ đun nước trong chùa. Cụ bảo hôm bị đưa đi, sư thầy chỉ xoa đầu thằng bé và gật đầu. Đêm đó bà cụ nghe trong điện lầm rầm có tiếng đọc kinh, sáng ra thì không thấy thằng bé đâu nữa.

Dân trong xã còn ối việc để bàn tán huống chi chỉ là một thằng bé quét lá trong chùa nên chả ai để ý đến. Riêng Than, nó chỉ nhớ mãi lần nhìn thấy sư thầy và thằng bé ngồi thiền, ánh chiều vàng phủ xuống kỳ quái. Trong đầu Than chợt vẳng lên tiếng sư thầy “Đây là chú tiểu nhỏ của chùa ta”.

Có ai biết ở đâu có còn ngôi chùa cho chú tiểu nhỏ nương nhờ cửa Phật hay không?

3. Làm anh

“Mày làm anh mà còn ngu thế hả Tít. Mày đâu rồi về ngay đây” - Tít nghe tiếng mẹ vội chạy vội ra nấp ở đống rạ sau vườn. Khổ thật, từ khi có đứa em nó bị mắng cũng nhiều hơn. Lúc nào bố mẹ cũng lôi lý do “lớn rồi, làm anh không được thế” mà bắt tội nó. Ở trường cũng vậy, cô giáo  bắt quả tang nó quay bài cái Hạ ngồi cạnh cũng bắt nó viết bản kiểm điểm và mắng nó có em rồi mà không gương mẫu trong học tập. Tự nhiên nó thấy cái ông gì viết bài “Làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa” sao đúng thế. Tít tự thấy mình làm anh thật thiệt thòi, làm anh thật chết tiệt.

Thế rồi Tít mang đủ cái thiệt thòi và chết tiệt đó lên cấp 2, cấp 3, rồi vào đại học. Thỉnh thoảng Tít phải chạy đôn chạy đáo vì việc đứa em, và vì bố mẹ bảo “Mày lớn rồi phải lo cho em” là nó lại lầm bầm: “Làm anh thật chết tiệt”.

Tít ra trường, đi làm rồi lấy vợ, lên chức, cũng lâu rồi người ta không gọi nó là “thằng Tít” nữa, mà luôn là “anh” rất ngọt và nhẹ. Có lần đối tác làm ăn chiêu đãi nó ở nhà hàng rất sang, bắt tay nó rất chặt với phong bì dày cộp kèm theo câu nói “nhờ cả vào anh". Nó tần ngần rồi cầm cái phong bì ném xoẹt xuống bàn, buông ra một câu hằn học  “Anh cái chết tiệt nhà ông”. Rồi nó đùng đùng bỏ về, để lại đối tác ngẩn tò te chẳng hiểu đã xưng hô phạm huý gì.

Trên đường về Tít nghĩ bụng không biết kể chuyện này có bị mẹ nó mắng “mày làm anh mà còn ngu thế hả Tít” không. Rồi nó cười, “Làm anh thật khó, nhưng mà thật vui…”. Chả biết nó nói "làm anh” nào…!

4. Kịch đời

Trong phim Hoa cỏ may có đoạn cô con dâu có chồng chết, bà mẹ chồng ngày thường cay nghiệt nhưng nhìn cảnh con dâu vò võ cũng mủi lòng. Bà đành bịa ra câu chuyện từng có ý định trốn khỏi nhà chồng để cô con dâu thêm dũng cảm mà bỏ đi với người cô yêu.

Tóm tắt là như vậy, và các khán giả đều khen bà mẹ già biết hi sinh, ai cũng cầu chúc cho cô con dâu được hạnh phúc như là cái kết có hậu của một câu chuyện nhân văn. Nhưng tiếc thay, phim thì vẫn chưa hết, đoạn sau đó là cảnh hai bà cháu rau cháo nuôi nhau, thằng con dáo dác đi tìm mẹ, bà nội già đổ bệnh, dân làng xì xào hắt hủi nhà có đứa theo giai, làm nó phải bươn chải lên thành phố kiếm sống.

Vẫn biết chỉ là trên phim người ta cố tạo dựng cái tình huống cay nghiệt như vậy để tăng tính hấp dẫn nhưng trong cuộc sống người ta cũng rất hay chọn những tình huống hấp dẫn để dựng phim cuộc đời mình.

Nhưng giả dụ như đoạn phim kia người xem có ca tụng và thấy hấp dẫn đi chăng nữa thì những nhân vật trong bộ phim đó sẽ nghĩ gì. Cô con dâu bỏ đi rồi liệu có sống yên ổn mà không canh cánh về đứa con và bà mẹ chồng cô bỏ lại. Bà mẹ chồng già kia liệu có thấy an lòng khi để con dâu của bà ra đi, bỏ mặc đứa cháu bà bơ vơ không mẹ. Và đứa con, khi lớn lên nó sẽ nghĩ thế nào về mẹ nó, người đã bỏ nó lại, coi thường thứ mà bà ta vẫn luôn nói là quý giá nhất trong đời.

Nếu bạn đã từng nghe ai nói cuộc sống là một vở kịch, một bộ phim thì bạn có thể thẳng thừng mà bác lại “Không, cuộc sống của tôi không phải để cho ai xem, tôi không phải cố tạo ra tình huống hấp dẫn nào đó để cho người ta ca ngợi”.

Nếu trả lời như vậy thì có lẽ tôi sẽ rất vui mừng gửi cho bạn những câu chuyện “ngắn tũn” như thế này. Và bạn cũng có thể như tôi, có thể viết những câu chuyện “ngắn tũn” cho mình chứ không phải cho ai khác.

Hà Phương
Tokyo. 2014/8/12 

Monday, May 12, 2014

Đất nước những năm không còn buồn?

Trong tuần vừa qua cả dân tộc hướng về biển Đông, nơi đầu sóng ngọn gió với chủ quyền dân tộc thiêng liêng đang bị xâm phạm. Có thể nói Việt Nam đang bị mắc kẹt trong mưu mô xảo quyệt của Trung Quốc. Kế hoạch gặm nhấm hao mòn đang chuyển sang bước ngoặt mới đánh dấu một thời điểm nhạy cảm cho không chỉ vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà là sự thay đổi tự thân bên trong lòng đất nước ta. Vậy lối thoát nào cho chúng ta ? 

Việt Nam đang bị lâm vào thế yếu?

Trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc hiện nay chúng ta đều đang lâm vào thế bị động, thế yếu. Kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (thương mại với Trung Quốc chiếm gần 1/5 tổng thương mại của Việt Nam) trong khi Việt Nam chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 1%) trong  số gần 4 nghìn tỉ đô thương mại của Trung Quốc. Những con số đó đã nói lên một điều, bất kỳ một biện pháp nào về kinh tế nhằm ngăn chặn Trung Quốc thì bên chịu thiệt sẽ là Việt Nam.

Kinh tế là vậy, về mặt quân sự đã tỏ ra quá chênh lệch. Hãy nhìn chiếc tàu 12 tỉ mới bàn giao cho cảnh sát biển VN, có lẽ chỉ bẳng khoảng 1/3 so với tàu coast guard của Trung Quốc. Thời đại bây giờ không giống như cách đây 35 năm trong cuộc chiến tranh biên giới khi chúng ta dùng sức người để chặn bước xâm lược của Trung Quốc, giờ là thời đại của sức mạnh quân sự hạng nặng, cuộc chiến không cân sức này sẽ còn đem lại tổn hại nặng nề hơn cả cuộc chiến tranh biên giới xưa kia. Còn đàm phán ư? Chúng ta liệu có gì để hấp dẫn Trung Quốc hơn biển Đông?

Cộng đồng thế giới có thật sự ủng hộ Việt Nam?

Trước sự căng thẳng ở biển Đông, cộng đồng thế giới ít nhiều đã có những lên phát biểu quan trọng trực diện vào tình hình hiện nay. Tuy nhiên duy nhất chỉ có Nhật Bản là lên án mạnh mẽ nhất hành động trắng trợn của Trung Quốc (có lẽ do họ cũng lâm vào cảnh giống ta), Nga và EU thì im lặng (họ còn đang đau đầu với Ukraine) , Hàn Quốc vào hùa với Trung Quốc, Mĩ và LHQ thì bày tỏ "quan ngại sâu sắc" nhưng những phát biểu của họ chỉ vừa đủ để không làm "phật lòng" Trung Quốc. Còn Asean thì sao, ngoại trừ Philipine đang trực tiếp xung đột với Trung Quốc thì không một nước nào "dại dột" gây mếch lòng "anh bạn lớn" đấy cả. Thậm chí ngay khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, Trung Quốc còn hứa hẹn giúp đỡ hiện đại hoá quân đội Campuchia - đất nước ngay sát nách Việt Nam đang chuyển sang nương nhờ "anh bạn lớn".

Nếu nói VN được sự ủng hộ, có lẽ sự ủng hộ lớn nhất đó đến từ nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, lên án trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó không đem lại một sức ép đáng kể nào tới Trung Quốc.

Nếu cần một thế lực có thể tương trợ Việt Nam, trong thời điểm này chỉ có thể là Nga hoặc Mĩ. Nhưng hãy nhìn cách mà Nga im lặng trong bối cảnh cần sự ủng hộ và "lơ" đi của Trung Quốc tại Ukraine, hay sự "quan ngại sâu sắc" và những tiếng nói không mấy trọng lượng của các nghị sĩ Mĩ. Rõ ràng tuy Việt Nam là con bài chiến lược của Mĩ trong sự ổn định và lãnh đạo châu Á nhưng chưa đủ để hy sinh mối lợi ích và thăng bằng với Trung Quốc.

Tại sao Việt Nam đang bị cô lập ?

Chúng ta đang bị cô lập vì hai lý do. Lý do thứ nhất đến từ những phản ứng của Việt Nam với các xung đột trong khu vực liên quan đến Trung Quốc. Bãi cạn Scarborough, quần đảo Senkaku, ... những phản ứng chỉ dừng ở mức độ "kêu gọi các bên kiềm chế" hay "quan ngại sâu sắc" mà chưa kịp tính đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ nhận được các phản ứng tương tự như thế khi vấn đề nổi lên ở biển Đông.

Lý do thứ hai, đó là chúng ta "đã, đang và vẫn" được coi là "đồng minh" của Trung Quốc. Mĩ, EU
và Nhật không bao giờ coi Việt Nam là đồng minh khi còn những mâu thuẫn về vấn đề nhân quyền, sự khác biệt về thể chế chính chị và ý thức hệ. Nó giống như chuyện dân trong một ngôi làng đánh nhau, dân làng khác ngó vào và xuýt xoa nhưng họ không can thiệp vì đó không phải là chuyện làng mình. Buộc phải chung ý thức hệ và tư tưởng với Trung Quốc vô hình chung khiến Việt Nam đang bị cô lập với thế giới.

Trung Quốc "muốn" và "sợ" gì ở Việt Nam?

Với sự phát triển mạnh về công nghiệp và quá trình đô thị hoá nhanh chóng, Trung Quốc đang đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng, nhất là khí đốt. Để có thể cân bằng với nguồn khí đốt dồi dào của Nga và Mĩ, Trung Quốc buộc phải tìm mọi cách khai thác và mở rộng lãnh thổ mình một cách triệt để. Và rõ ràng Việt Nam không nằm ngoài mà là quan trọng bậc nhất trong kế hoạch bành trướng đó.

Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định về kinh tế nhưng phải là một cậu em ngoan biết phục tùng và nghe lời. Trị được Việt Nam đồng nghĩa với việc cả Đông Nam Á sẽ nằm trong tay cờ của Trung Quốc. Trung Quốc không muốn Việt Nam trở thành "sân sau" của một nước lớn khác cho nên sẽ không bao giờ làm quá tay. Thủ đoạn của Trung Quốc là khiến Việt Nam phải mệt mỏi đối phó mà buông biển Đông. 

Vậy Trung Quốc đang "sợ" gì ở Việt Nam? Thứ nhất Trung Quốc đang sợ một cuộc chiến, dù đó là một cuộc chiến không cân sức nhưng nó sẽ góp phần đẩy Việt Nam ra xa Trung Quốc, gây sự bất ổn trong khu vực và nội địa, sẽ làm giảm sút vị thế của Trung Quốc tại thế giới. Tuy nhiên có lẽ nỗi sợ này chỉ dừng ở mức độ "e ngại" mà thôi.

Thứ hai, Trung Quốc đang sợ Việt Nam thay đổi về thể chế. Một khi Việt Nam thay đổi thế chế chính trị và cơ chế quản lý, đó sẽ là tiền đề đề Việt Nam thoát khỏi thế cô lập, có thêm đồng minh trên thế giới và trực tiếp gây nguy hiểm đến ý thức hệ mà Trung Quốc đang cố gắng mở rộng. 

Lối thoát nào cho chúng ta?

Hãy tạm lắng xuống một quá khứ hào hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bởi vì bắt đầu một cuộc chiến thì luôn dễ dàng hơn kết thúc nó (điều đó không có nghĩa chúng ta không sử dụng biện pháp cuối cùng này). Nhưng điều quan trọng hơn bây giờ là tăng cường nội lực để đủ sức chống chọi với bất kỳ thế lực nào. Những tấm gương về sự tự thân vận động tăng cường nội lực như Nhật Bản (cải cách Minh Trị), Israel ( thời kỳ phục quốc sau thế chiến ) có lẽ sẽ đem lại bài học lớn cho chúng ta. Hãy xem cái cách cả thế giới Ả rập phải dè chừng Isarel, hay sự tự do tự tại của Nhật ở châu Á, đó mới chính là đích đến của một nhà nước Việt Nam vững mạnh.

Để đạt được điều đó, trước hết thể chế và cơ chế quản lý phải thay đổi. Không còn những con người rệu rã ăn bám vào cơ chế, không còn sự bòn rút ăn bớt chỗ này chỗ kia, không còn cảnh ụ nổi mua về ngâm cho han gỉ mà cảnh sát biển không có tàu tuần tra, cũng không có những bài thơ của quan chức được đọc trong tù nhưng vẫn được tán dương mà không có một chút xấu hổ.

Đó sẽ là một đất nước mà buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường thấy mọi người tươi vui không sợ tai hoạ trên "trời" giáng xuống, trẻ em đến trường không làm cho tâm hồn thêm vẩn đục, vào bênh viện không phải nằm ra sàn, bộ trưởng không phải rơi nước mắt năm lần bảy lượt, nhà khoa học không phải kiện nhau vì miếng cơm manh áo. Sức mạnh của đất nước không nằm ở vị thế giả tạo hão huyền, nó nằm trong nội lực về kinh tế, sự chân thành trong các mối quan hệ,  sự chia sẻ của cộng động và nỗ lực của từng cá nhân.

Đã sinh ra là người Việt Nam, chịu sự o ép của ngoại bang thì phải biết cách nỗ lực gấp 3, gấp 5 các dân tộc khác. Để đến đời con cháu chúng ta sống một cuộc đời ung dung tự tại, ngước mắt tin yêu mọi người và những giọt nước mắt nhỏ xuống vì hạnh phúc chứ không phải vì xấu hổ!!!

Đất nước những năm không còn buồn

Đất nước những năm không còn buồn
Nửa đêm thức dậy
Ngày mai sẽ là một ngày mai tốt lành
Mỉm cười nhớ con cá hanh ngày nào bơi trên sông vắng
Nay đã gặp một đàn cá hanh khác
Không còn bơi trong vội vàng và sợ hãi
Chợt nhớ mùa đông không còn hoa sữa
Nhưng những ngọn lửa vô hình chưa kịp đặt tên
Chưa bao giờ biết nhạt phai

Em có yêu chốn này không
Ngã tư xà cừ rụng lá
Gió thổi xào xạc trong rặng tre
Con gà gáy hiên ngang ban sớm
Em hứng những giọt sương
Gánh hàng hoa ra giữa chợ
Bỏ đông lại bơ vơ
Có cô bé nhỏ nhà bên
Thương mùa đông loáng ánh nhìn

Ngủ đi ta
Đêm mơ những giấc mơ an lành
Những vết thương liền da
Những ban mai xanh biếc
Dắt con đi trên cánh đồng cổ tích 
Đến chân trời hôm nay mới biết
Thơm ngát hương lúa
Hương biển
Phù sa
Đàn cò trắng bay về trong hoàng hôn tối sẫm
Tiếng ai đùa, ai hát và khói bay
À ơi mẹ gọi ta về
Ngủ đi con
Ngày mai
Đất nước mình
Không còn buồn như ngày hôm qua...

Hà Phương. Tokyo. 2014.05.13

Saturday, March 15, 2014

Ngày xưa trong mắt ai

Trường xưa
Người ta không thể có mọi thứ…

Có một câu chuyện đọc trên blog, trong đó kể một chàng trai và cô gái vô tình lạc đến một thác nước thật đẹp. Chàng trai muốn tắm ở thác nước đó, còn cô gái thì muốn tìm về khách sạn, mau chóng về nhà. Cô nói cô còn bận ôn thi đại học, một trường đại học rất nổi tiếng ai cũng muốn thi vào. Và chàng trai  nói với cô: “Cậu có biết một năm có bao nhiêu người thi đỗ vào trường đó không? Nhiều, nhiều lắm. Nhưng nhìn thấy cái thác nước này bây giờ thì chỉ có hai chúng ta mà thôi.”

Chẳng thể ước mình đi hết thế gian, càng không thể ước mình có mọi thứ. Có những đêm giật mình tỉnh giấc, nhớ lại ký ức thời áo trắng, những khuôn mặt xưa cũ và mọi chuyện tưởng như mới hôm qua.  Cái thời mắt còn long lanh, chỉ biết nói chuyện trong giờ, trêu bọn con gái và đá bóng. Thật may là mình và lũ bạn không ai bị biến thành con mọt sách, nếu không bây giờ sẽ lại ngồi ước ao đủ thứ cho những tháng năm xưa. 

Cãi nhau rồi lại làm lành đến chục lần chẳng ít, bị nó tát cho, đánh cho suốt, mắng đến phát khóc đến mức cô giáo cũng không dỗ được. Nghĩ lại cũng thấy buồn cười, ấy vậy mà chẳng bao giờ giận nó được lúc nào. Lại còn vẫn phải gọi bằng "chị". Cũng vì cô chị này mà mình bị hút dí dị vào cục nam châm trong góc. Ba năm cấp 3, ngồi cạnh tớ, nam châm có thấy chán không?

A dua với bọn kí túc, nào là đi bắt cá, đi chơi cơ, uống bia còn rủ thầy vào uống, ăn xong mới bảo là: "thầy ơi, cá này bọn em bắt trộm đó". Thầy chỉ đưa tiền đi mua thêm bia. 

Chả hiểu anh em từ đâu sáng lập một hội còn giả vờ cắt máu ăn thề, mục đích chỉ là đóng quỹ hội ăn kem với nhau, tên rõ kêu, lại còn có cương lĩnh có họp hành đàng hoàng. Bây giờ mỗi thằng một phương, cũng chưa thằng nào leo Phan Xi Păng thì phải.

Đua xe đạp chán chê với nó, đánh nhau cãi nhau với nó mà cứ ngỡ đang nói chuyện với một thằng con trai. Ấy vậy mà bây giờ nó cũng có con rồi, ai đó khen nó xinh, mình thì mãi vẫn chỉ nghĩ nó là một đứa bạn trai...của riêng mình thôi.

Là thằng bạn đầu têu những lần trốn ngủ trưa đi đá bóng, cũng là hắn dụ dỗ mình Q&S, thay vào đó mình phải làm quân sư cho những mối tình đơn phương của hắn, có lẽ vì thế nên hắn không bao giờ thành công chăng?

Lại còn cái trò nhận chồng vợ loạn hết cả lên, mình cũng có cô vợ lần nào về cũng đòi ôm nhưng toàn bị mình xua đuổi, cũng muốn ôm lắm nhưng sợ ôm rồi về lại nhớ thêm. Thêm cô bạn ngồi đằng sau, suốt ngày tên hai đứa bị ghi vào sổ đầu bài vì tội nói chuyện riêng, hắn luôn nhận mình là "xinh gái" và bị anh em xì cho một tiếng. Bây giờ biết chăng đã là gái xinh của một thằng nào đấy rồi. Tội nghiệp hắn ta heng!

Cậu bạn cao như cái sào của mình, sao cậu lại có thể nghe tất cả những lời tớ ba hoa và tốt với tớ như vậy. Tớ chả làm gì được cho cậu, ngoại trừ cái lần hai đứa lai nhau ra nghĩa trang chơi, tớ vẫn ba hoa và cậu như mọi khi nghe tất cả mọi điều tớ nói. 

Hai cô bạn ngồi bàn đầu, sao mỗi lần nhìn ra cửa sổ các bạn nhìn tớ với con mắt lạ thế, bộ tớ là người điên hử. Còn hai thằng bạn cùng quê nữa chứ, mỗi thằng một tính, nhưng chả hiểu sao ở bên cạnh bọn mày tao thấy chả phải nghĩ ngợi gì nhiều - giống gia đình ấy.

Và cảm hứng của mình, cho một thời sổ thơ được ưu tiên hơn sổ toán, cho cái sự điên điên dở dở được nhân đôi nhân ba và cũng được thăng hoa, tô hồng lên vào thời học sinh trong sáng. Bao giờ bạn ấy lấy chồng đây, không biết mình phải cho vào phong bì bao nhiêu thì vừa nhỉ? Tặng bạn cả sự lãng mạn thời cấp 3 nhé! Sau này bạn tặng lại con mình…! 

Những phút giận hờn, những khi ôm bụng cười như nắc nẻ, những biệt danh “Khoa Nở, Trung Bô, Trung Trạc, Đức Khèo, Dưỡng Bí, Mai Ghẻ, Thanh Lác, Mai Mèo, Chuyên Tưởi, Khang Thiếu gia, Đạt Baby, Linh Cuồng, Hưng Cao, chị Dũng, Phương Thanh, Oanh B, Quân Râu, Hoàn Lại, Huy Hoàng…” là những ngày xưa trong mắt tớ. Tớ đã có những ngày xưa trong mắt mình, nên không còn cần có tất cả mọi thứ nữa, chỉ mong một lần được ngồi ba hoa, được nhìn các bạn qua con mắt long lanh ngày nào...

Rồi mùa hè đã qua, trở lại mái trường xưa

Nhìn lên phía hàng cây, xanh bao la nhớ nhung...

Thursday, February 6, 2014

Đau đầu

Tản mạn một ngày đầu năm 2011 (Chuyện của ông bạn Noa Tharn)

Cả nhà mình đau đầu, ông đau đầu vì việc làm gia phả, bà đau đầu vì gió mùa lạnh, mẹ đau đầu vì cái Tết sắp tới, chị Thơm đau đầu vì thi cử, còn bố, đau đầu vì kí ức của những người bạn không trở về. Ngày còn bé mình hay được bố đọc cho bài thơ của Trần Lê Văn:

Gió rét buốt dọc đường mưa bụi
Trường Sơn xa cây đã đâm chồi
Không gặp được bạn ơi xa ngái
Mời bạn về bạn lặng lẽ thôi

Con đường cũ ngày ta đi học
Cây xanh hơn và sông nước trong hơn
Gió vẫn hát về mùa màng mơ ước
Cánh đồng làng vắng những bàn chân

Thôi bạn ạ thêm một xuân xa vắng
Thêm một xuân bạn chẳng thể về
Không có pháo chỉ có thơ và rượu
Hoa cuối vườn hương gửi người xa

Còn một khổ nữa nhưng viết ra sợ ai đọc lại kêu là dài, ai thấy hay thì họ tự đi tìm hiểu. Đấy là chuyện đau đầu của bố cũng chẳng liên quan gì đến chuyện đau đầu của mình gì cả. Chiều nay thấy đau đầu ghê gớm, đúng hơn là cảm tưởng như cái đầu không còn chỉ đạo được gì, nói ngắn gọn là "đơ".

Ông bảo học trò nghèo ngày xưa có chí lắm, ăn mắm nằm rơm nhưng cũng phấn đấu thi cử để ra làm quan. Mình thì mình nghĩ, thằng nào giỏi cũng mong được đi làm quan thì lấy ai làm dân. Tuy nhiên, việc học cũng không phải cái làm mình đau đầu. Dù sao mức độ quan tâm của mình cũng không cao lắm.

Bà bảo tầm tuổi mày ông mày nhìn thấy bà là đỏ hết mặt lên chứ đâu như bọn trẻ con bây giờ, sao chúng nó bạo thế. Lại nhớ đến chuyện trưa qua, ra bờ đê nằm dưới lũy tre hưởng gió Bấc phơi phới lòng đang hí hửng rằng chẳng có thằng nào ngông như ông, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy mấy cặp đang ưỡn ẹo cách đó không xa. Ô nhiễm cả bụi tre làng!

Mẹ bảo Tết này giá cả lên cao quá, nhà có khi phải tính kế làm ăn khác chứ cứ trông mãi vào cây, con, củ thì qua một mùa thất bát cũng đủ để cả nhà lao đao. Đi học qua phố huyện, nhà nhà nhao ra đường giành giật, chặt chém, nông dân như bố mẹ mình có lên sắm Tết thì cũng lại tần ngần đứng nhìn. Khổ!

Chị bảo đang bận ôn thi lắm! Cũng chẳng biết có phải không, thấy gọi điện về bảo đi chơi Noel cũng vui, rồi có khi phải đi học thêm tiếng Anh cho đỡ tụt hậu. Mình lạ gì, lại dạy thêm đến rộc người ra, lần nào về bố mẹ cho tiền cũng bớt lại một nửa.Lúc nào cũng bảo, bố mẹ phải giữ lại cho thằng Than.

Xem ra đau đầu không phải do lỗi của ai cả, đau đầu vì mình nghĩ là đau đầu.
Làm thằng con trai mà, thỉnh thoảng cũng phải đau đầu cho nó người lớn.

Saturday, January 4, 2014

Trên nóc nhà có tiếng chân người (phần 2) - Bao giờ cho đến tháng Mười

Tôi có thói quen viết những câu chuyện lúc mình bận rộn nhất. Cơm áo gạo tiền, học hành, việc này việc nọ, thôi thì tạm dẹp sang một bên. Đã bao lần vì viện cớ không có thời gian mà những câu chuyện cứ lần lượt đến rồi lại đi trong đầu. Viết cho ai, viết để làm gì, viết lúc nào - mà thời buổi này những câu chuyện đó sẽ tồn tại được bao lâu, thây kệ. Viết để cho thấy rằng trong đầu mình và trên đời này vẫn còn có những điều tốt đẹp. Không, đúng hơn là vẫn còn có nhiều điều tốt đẹp...

Hà Phương. 2013.11.19

Có lẽ bạn vẫn nhớ tôi là một cậu bé thích trèo lên nóc nhà người khác. Nếu nói tôi là tên trộm thì cũng đúng một phần, tôi trộm những câu chuyện của người khác để thành ký ức của mình. Và phần lớn những mảng ký ức ấy đều đến từ ngôi làng nhỏ xíu của tôi.

Có ai đó nói với tôi rằng: "Một ngôi làng là một đất nước thu nhỏ", tôi vặc lại "Không, đúng hơn đất nước là một cái làng phóng to". Làng nước - làng là khái niệm xuất hiện trước, có trải nghiệm những năm tháng ở cái đơn vị nhỏ bé, ngày ngày chạm mặt nhau ấy ta mới hiểu sự gắn bó nhiều khi không đến từ máu mủ ruột rà. Ai đó than "Phép vua thua lệ làng", ai đó hét lên "Tao phải đi khỏi cái làng này", ai đó lắc đầu "Cái làng mê muội lạc hậu" có lẽ cũng chỉ biểu hiện của sự "đau đáu" mà thôi. Trên đời này mấy khi người ta đau đáu về những cái to lớn đâu, người ta đau đáu về những cái nhỏ xíu bên cạnh mình, ngày ngày gặm nhấm mình.

Và chủ đề đau đáu của làng tôi dạo ấy là "chị Năm". Đó là một người phụ nữ "đẹp", các bà các chị trong làng thêm vào hai từ "lẳng lơ", “phò". Tôi là một đứa trẻ, sao hiểu được thế nào là "lẳng lơ" nhưng tôi biết từ còn lại, đó là một điều gì đó rất xấu xa với một người đàn bà, tôi nghe mẹ nói vậy. 

Ừ thì xấu xa nhưng chẳng ai có thể phủ nhận được chị Năm đẹp, cái đẹp mềm mại nhẫn nhịn và cam chịu. Nhà chị ở đầu làng, trồng hoa và cứ đến cuối tuần chị lại mang hoa lên thị trấn bán. Chị không có bà con thân thích ở làng tôi, và hình như chị là người miền Nam. Nói hình như là vì chẳng có ai biết rõ nguồn gốc của chị, chỉ biết chị đến làng ở, giọng nói nhẹ nhàng và ngọt ngào khác hẳn với những người phụ nữ quê tôi quanh năm chạy đôn chạy đáo làng trên xóm dưới cho nên giọng nói cũng đanh quánh và ráo hoảnh. Sau này gặp nhiều người con gái miền Nam, tôi biết chẳng phải họ không lo toan, chẳng phải họ không chạy đôn chạy đáo, chính sự mênh mông dàn trải của miệt vườn, của sông nước đã cho họ sự điềm tĩnh, ngọt ngào đến như vậy.

Bà tôi gọi đó là "sự ngọt ngào chết người”. Đáng chết người lắm, vì đàn ông trong làng cũng bị hút theo cái sự chết chóc ấy. Rồi chòng ghẹo, rồi lời ra tiếng vào, rồi vợ chồng hục hặc, rồi người ta xúi giục những đứa trẻ con như bọn tôi gieo rắc những lời độc địa và còn chết chóc hơn cả sự ngọt ngào. Mà trẻ con thì ham vui, chúng nó hò reo và cười nắc nẻ khi chế giễu người khác đâu cần biết nguyên nhân. 

Có lần chị bắt gặp tôi trong đám trẻ hát đồng dao ấy, chị chỉ nhìn tôi và nhẹ nhàng “Sao Đáy nỡ nói chị thế!” - câu nói ấy làm tôi rùng mình đến tận bây giờ khi nghĩ lại cái dáng người mảnh mai, đôi mắt cụp xuống, môi mấp máy và cổ họng như uất nghẹn khi gọi tên tôi. Trong đám trẻ con trong xóm chị biết tôi vì chị và mẹ hay nói chuyện ngoài chợ. Cũng có lẽ vì bố đi bộ đội xa nên mẹ mới “vô tư” mà nói chuyện với chị, vô tư mà bỏ qua bao con mắt dè bỉu của bao người đàn bà khác.

Có lần tôi thấy người ta lôi xềnh xệch chị ngoài chợ, mấy người đàn bà họ xúm vào cấu xé, còn chị  thì khóc lóc van xin. Mẹ tôi phải dùng đến hai cái đòn gánh mới dẹp được đám đông hỗn loạn ấy. Người mẹ mạnh mẽ của tôi đưa chị về nhà, lau rửa những vết thương, xếp lại đống hoa bị dập nát. Chị chỉ khóc, bà tôi ngồi cạnh chép miệng “Đàn bà đẹp khổ lắm con ơi!” 

Dần dần những người đàn ông trong làng cũng thôi không chòng ghẹo chị nữa, duy chỉ có một người hay qua lại ngôi nhà của chị. Đó là chú Phong, chú là thương binh của cuộc chiến tranh Tây Nam, và nếu như theo cách gọi của các chú bên xã thì đó là “phần tử bất trị”. Bất trị theo nghĩa chú ghét phải nói về chiến tranh, ghét phải tham gia kỷ niệm những ngày chiến thắng, ghét phải tham gia bất cứ tổ chức nào. Chú bảo với người khác, chiến tranh bản thân nó đã là tội ác, các ông đừng bắt tôi lôi nỗi đau của minh ra để tự hào.

Vậy mà chú Phong không ghét chị Năm, chí ít là không ghét đến nhà của chị, cuốc xới mấy luống hoa, sửa lại hàng rào, bậu cửa. Có lần về khuya tôi trèo lên nóc nhà chị, nghe thấy giọng nói của chú: “Năm hát cho anh nghe đi!”. 

“...Đường dù say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu…"

Tôi đoán không chỉ có tôi nghe thấy giọng hát của chị Năm. Mấy hôm sau người ta gọi chú Phong ra xã, kêu mất lập trường, chú đập bàn kêu “Lập trường cái m. các ông, cứ giỏi thì xông vào, các ông không để cho Năm yên đừng trách tôi.” Đấy là tôi nghe thằng Long kể lại vì bố nó làm bảo vệ ở xã, nó thêu dệt hay không tôi cũng chịu.

Nhưng có một điều hoàn toàn không thêu dệt là bụng chị Năm ngày càng to lên, tiếng bàn tán ngày càng nhiều. Chú Năm cũng không thấy qua nhà chị nữa. Làng tôi lại râm ran câu chuyện ai là bố đứa trẻ, những tiếng cãi vã và đập phá lại nổi lên, vài người hiền hơn thì nghe ngóng chờ đợi đứa trẻ ra đời sẽ giống ai.

Đứa trẻ ấy ra đời chỉ có bà, mẹ, tôi và chú Phong chào đón nó. Tôi không còn nhớ rõ cảm giác bế trên tay một sinh linh bé bỏng mới chào đời, vì tôi quá bất ngờ, bất ngờ vì đứa trẻ, bất ngờ vì ở bên chú Phong gục trên vai mẹ tôi mà khóc. Hệt như cái đêm chị Năm hát mấy câu lạ lùng.

Lạ lùng hôm nữa là vài hôm sau ở nhà chị Năm xuất hiện đám người lạ, họ đi xe con đời mới, có cả bác sĩ lẫn y tá mặc áo blouse trắng, có cả đám đông bặm trợn mà thằng Long bấm tay tôi “Xã hội đen đấy mày đừng đụng vào”. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy có một người đàn bà ăn mặc sang trọng, dúi vào tay chị một bọc gì lớn lắm, rồi giằng đứa bé đưa cho cô y tá. Chị tần ngần rồi quẳng bọc đó đi, gào thét điên dại giành lại đứa bé. Chẳng mất mấy công sức người ta có thể đẩy chị ra, nhưng tiếng thét của chị khiến người trong làng đổ đến rất nhanh mặc dù không ai dám vào can ngăn vì cái đám đông bặm trợn ấy đang án ngữ ở sân. 

Tôi chạy đi gọi chú Phong, chú nghe tin nhảy bổ ra xông thẳng vào kêu lên “Bỏ con tao ra ngay”. Đám đông bặm trợn xông vào, chú đá văng từng thằng một. Duy có tên đầu sỏ râu quai nón nãy giờ đứng ngoài quan sát giờ mới nhảy ra, hắn ém người lại hai bàn tay chụm lại như giống hổ vồ mồi đi vòng quanh. Chú Phong vén tay áo lên để lộ vết sẹo sâu hoắm nơi bả vai chuẩn bị thủ thế thì đột nhiên đối phương của chú khựng lại: “Trời ơi, anh Phong, em Tư bèm đây” - hắn kêu lên bằng giọng miền Tây đặc sệt. Chú Phong cũng lắp bắp: “Tư bèm, sao..sao… mày ở đây”. “Em sẽ kể sau, em đã đành, sao anh giờ cũng đến nông nỗi này, em đã ngờ ngợ nhưng nếu không có vết sẹo em đã bị anh đánh chết rồi”. Dân làng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Tư bèm - tên đầu sỏ vội ngoắc tay ra hiệu đàn em rút lui, quay lại gằn giọng với người đàn bà sang trọng kia “Tui không làm việc này đâu, để lại đứa trẻ và về ngay không thì đừng trách thằng Tư này”.

Đám đông vội kéo đi nhanh như họ đến, và cũng chỉ còn lại bà, mẹ, tôi và chú Phong ở nhà chị Năm. Chị Năm ôm đứa trẻ khóc, chú Phong ngồi bậu cửa ưu tư, mẹ tôi chửi đổng quân mất dạy nào đó, còn bà tôi chép miệng: “Đàn bà đẹp khổ lắm con ơi!”

Đêm đó tôi lại leo lên nóc nhà chị, thấy ánh đèn le lói và chú Phong ngồi như hoá đá ở giữa nhà. 

- Phải đi thôi Năm
- Nhưng đi đâu bây giờ anh Phong.
- Đi vào trong kia, chỗ nào có thể nuôi được đứa trẻ.

Sự im lặng đáng sợ bao trùm một lúc lâu. Chợt chị Năm nói nhỏ: “Anh có nghe thấy trên nóc nhà có tiếng chi không? “ - “Ừ có, nghe như có tiếng chân người”

Bị phát hiện, tôi trườn xuống và chạy một mạch về nhà đắp chăn ngủ dù trong đầu còn một mớ hỗn độn. Sau đêm đó tôi bị sốt li bì, trong cơn mê thấy có ai như chị Năm rờ tay lên đầu, bàn tay mát lạnh. Chú Phong đứng cạnh cười, mẹ tôi ôm đứa trẻ sụt sịt, bà tôi thì cầm tay chị chép miệng “Tay lạnh thì ấm lòng”. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe thấy tiếng của chị Năm và chú Phong. Khi ốm dậy mẹ tôi bảo chú Phong và chị Năm đã đi từ tối hôm đầu tiên tôi đổ bệnh.

…......

Những năm về sau khi đã là một chàng trai trưởng thành,  vào Sài Gòn tôi tình cờ gặp lại chú Tư “bèm”, mà cái sự tình cờ với cuộc đời của chú cũng là một câu chuyện dài. Tôi hỏi có biết gì về chú Phong và chị Năm không. Chú bảo biết rõ, rất rõ là đằng khác. Đứa trẻ cũng sắp thành thiếu nữ rồi, đẹp y mẹ nó. Tôi đánh bạo hỏi có giống chú Phong không. Chú nhìn tôi và hỏi lại “Vậy cả làng mi không biết chiến tranh lấy đi của anh Phong cái gì sao.” Vậy sao, tôi nhờ chú nhắn cho chú Phong và chị Năm, rằng hãy liên lạc với thằng Đáy này, rằng hãy một lần về thăm quê, rằng làng mình khác xưa rồi, rằng bà và mẹ vẫn mong 3 người như xưa, rằng ngày xưa thăng Đáy thường nghe trộm “Dạ cổ Hoài Lang” của chị Năm mà đến giờ nó mới biết dư chừng như thế.

Rằng còn nhiều chuyện trên nóc nhà lắm…!

…….

Hôm nọ tôi nhận được thư của chú Phong, trong đó có câu thơ như thế này, mạn phép chú lấy làm tựa đề cho câu chuyện của tôi:

Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão

Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát hi sinh, khổ đau, chịu đựng


Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu…

Chẳng biết thơ của chú hay của ai nữa.

Tokyo. 2014. 01. 04





Friday, January 3, 2014

Trên nóc nhà có tiếng chân người (phần 1)

Mở đầu: Tôi thích những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư vì ngòi bút thật, chân thành,  nhưng vẫn sắc nhọn của chị, đến nỗi gập cuốn truyện lại rồi vẫn thấy gì đó dai dẳng, nửa đau nửa hi vọng, thôi thúc cồn cào ta phải nghĩ, phải bắt tay vào làm. Tôi không muốn mình bắt chước cách viết nào đó, nhưng có điều gì đó khiến tôi đặt bút viết trong một căn phòng cao ốc với máy tính với những con số nhảy múa xung quanh.

Chỉ để viết tiếp câu chuyện đầu tay thời thơ ấu còn dang dở. Những câu chuyện về tình yêu thương mà tôi ấp ủ bấy lâu.  Bạn đừng vội phán xét nhé, đó chỉ là một cuộc hành trình của một cậu nhóc mà thôi. Hành trình đó mang tên: "Trên nóc nhà có tiếng chân người".

Hà Phương. 2013-08-09

Kỳ 1:  Người lái tàu và những lời nói dối


Tôi là một thằng nhóc thích độ cao, thích đến nỗi tôi mong muốn cái tên của mình cũng phải thể hiện sự yêu thích đó kiểu như: Đỉnh, Vươn, Nhất, hay đại loại là cái gì đó cao hơn những thứ khác. Vậy mà tên cúng cơm của tôi lại đi ngược lại hoàn toàn với những yêu thích đó: "Đáy".

Mẹ tôi kể rằng hồi mẹ mang thai tôi đúng mùa mưa bão, bố đi bộ đội xa, nhà chỉ có bà nội và mẹ. Năm ấy căn nhà có tuổi thọ mấy chục năm mà các cụ để lại gồng mình lên chống đỡ những trận mưa rào nặng hạt, những trận bão gió quật không thương tiếc như muốn thổi bay tất cả. Sau cơn bão, nóc nhà nào nhà nấy tơi tả, mẹ tôi là người xốc vác càng không thể để căn nhà chất đấy xô chậu hứng nước mưa rơi lộp độp,và dù cho mang thai tháng thứ chín, mẹ vẫn trèo lên lợp lại những viên ngói vỡ mặc cho bà can ngăn hết lời.

Và mẹ đau đẻ tôi ngay trên nóc nhà mình. Mẹ kể khoảnh khắc đó chỉ muốn xuống thật nhanh, lo cho mẹ thì ít mà lo cho tôi có thể chui ra bất cứ lúc nào ngay trên nóc nhà ấy. Và để minh chứng cho cái sự lo lắng đó, bố mẹ đã đặt tên tôi là "Đáy" - đối lập với nơi tôi định nhao ra - "nóc".

Thằng Đáy sinh ra, lớn lên theo đúng mong ước của nó lúc mới chào đời. Địa điểm đóng quân của tôi luôn là một nơi có độ cao đặc biệt, đặc biệt đến mức bà nội hay mắng yêu tôi: "muốn tìm được thằng Đáy lúc nào cũng phải ngửa mặt lên trời, mỏi hết cả cổ". Đúng vậy, vừa thấy tôi trên đỉnh đồi, thoáng một cái đã leo chót vót lên ngọn cây dừa, hay chồm hỗm trên nóc nhà ai đó nhai nhồm nhoàm mấy quả xoài xanh vặt trộm.

Làng tôi nghèo, cái sự nghèo dở dở ương ương - kiểu như trẻ em vẫn có dép nhựa để đi nhưng cả làng không có nhà nào hai tầng cũng chả có ai có công nông. Và thế là nóc nhà thành nơi lý tưởng với một đứa thích độ cao như tôi. Tôi thích cái cảm giác đứng trên nóc nhà chông chênh, dụi dụi chân vào mái ngói toàn rêu trơn tuột. Tôi cũng thích cả cảm giác nằm ép mình xuống trụ giữa giữ thăng bằng, hai chân quàng ra hai bên mái và lim dim ngủ, chỉ có mình, trời và cái nóc ấy, đến cơn gió cũng không nỡ vô tình thổi mạnh làm ngã.

Làng tôi chỉ cách đường tàu có vài chục mét, thế nên lũ trẻ chúng tôi nghe tiếng còi tàu để thức dậy, để về ăn cơm trưa, hay để kết thúc cho một ngày lấm lem lăn lộn ngoài đồi. Nếu bạn là người yêu thích những con tàu, và nếu bạn có thói quen nhìn qua cửa sổ ngắm những vùng đất bạn đang đi qua, có khi nào bạn bật cười khi nhìn thấy một lũ trẻ ngồi trên lưng trâu tay cầm đống cỏ lau phất phất và hò reo ầm ĩ, có khi nào bạn để ý đến một cậu bé đứng trên nóc nhà, người gầy nhẳng, hai tay giơ cao hươ loạn xạ và rú lên như điện dại khi tiếng còi tàu nổi lên. Nếu chỉ một lần thôi bạn nhìn thấy những cảnh tượng đó, biết đâu bạn đã đi qua ngôi làng của tôi.

Lũ trẻ chúng tôi ngưỡng mộ những con tàu, và vì thế thần tượng những người lái tàu, đồng nghĩa với việc yêu quí anh em thằng Tí. Bố Tí - chú Dân - một người lái tàu vĩ đại đáng mến, là thần tượng của bọn trẻ trong làng chúng tôi. Mỗi lần chú về làng, bọn trẻ con lại có quà, mỗi lần một khác đến nỗi chúng tôi không còn nhớ mùi vị các loại bánh kẹo như thế nào nữa. Câu quen thuộc của chú khi gặp trẻ con là "Ngoan nhé, lớn lên chú cho theo đi tàu!"

"Lớn lên được đi tàu" - ước mơ cao cả đó mà bây giờ nói ra có lẽ sẽ bị bọn trẻ con hếch mũi lên cười, ít ai biết với chúng tôi đó là mục tiêu, là chuẩn mực của việc "lớn lên", đến nỗi chúng tôi hay đe nhau "mày còn thế tao bảo chú Dân không cho mày đi tàu đâu". Và như lẽ đương nhiên, chúng tôi và cả làng yêu quí, nâng niu anh em thằng Tí hết mực. Tí 5 tuổi, và cái Là em nó mới có 3 tuổi, hai anh em nó dễ thương đến nỗi ngay cả không phải chú Dân là lái tàu cũng chả ai nỡ bắt nạt bọn nó. Đánh trận giả bên nào cũng tranh giành thằng Tí cái Là về bên mình, có lần trận giả chưa đánh mà vì giành anh em Tí bọn tôi đã tương nhau sứt đầu mẻ trán.

Trong những nóc nhà, tôi thích được leo lên nhóc nhà thằng Tí nhất, vì đó là nóc nhà của "người lái tàu vĩ đại". Nhưng một hôm, từ khi khám phá ra "bí mật" của người lái tàu vĩ đại, tôi đã từ bỏ địa điểm yêu thích đó.

Hôm ấy, như thường lệ đang nằm thiu thiu ngủ trên nóc nhà Tí, tôi chợt nghe thấy tiếng Tí nói chuyện với mẹ:
- Mẹ ơi, hôm nay anh Tèo con bác Hoan mang cho con mang cho con 10 cuốn vở. Anh ấy bảo để con tập viết chữ đi học.
- Chết! Cô Hoa - mẹ Tí ngạc nhiên, sao không bảo mẹ sớm, để mai mẹ gửi tiền bác ấy.
- Nhưng anh ấy bảo bố gửi tiền rồi. Hôm nọ, ra chợ bác Hiền cũng bảo từ nay sáng cứ ra chỗ bác ăn quà sáng, bố gửi tiền cả rồi. Sao bố tài thế hở mẹ, ở tít xa mà vẫn gửi được tiền về.
- Ừ, tiếng cô Hoa ngập ngừng, bố thương hai đứa lắm, giờ hai đứa ngủ sớm đi kẻo bố giận nhé.
- Vâng ạ!

- Hoa ơi, ngủ chưa em! tiếng ai như tiếng bác Lanh làm máy xát trong làng.
- Dạ chị Lanh ạ, em chưa, chị đợi em lát.
- Để bọn trẻ ngủ, ra đây chị bảo.
- Vâng, có việc gì đấy chị.

- Bọn trẻ ngủ chưa, bác Lanh thì thầm.
- Rồi chị ạ, cả ngày chạy nhảy, tối đặt lưng xuống là ngủ luôn.
- Vậy à, này chị có hai bộ quần áo này cho thằng Tí với cái Là, hôm nay may cho hai đứa nhà chị, tiện công may cho hai cháu nhà cô luôn. Cô cầm lấy cho chúng nó mặc, không phải tiền nong gì đâu.
- Không, em không nhận đâu, bác may cho cháu thì để em gửi tiền.
- Yên, cho bọn trẻ ngủ, tiền nong gì ở đây. Chú Dân tốt với cả làng, làng không tốt được với vợ con chú ấy hay sao.
- Vâng, nhưng..
- Không nhưng gì cả, cầm lấy không mai tôi không cho nhà cô xát thóc đâu. Thế cô không định đưa chú ấy về à, còn giấu bọn trẻ đến bao giờ.
- Vâng, nhưng bọn trẻ còn bé quá chị ạ.
- Rõ khổ, bác Lanh thở dài. Chú ấy cứu cả đoàn tàu còn mình thì không cứu được. Người như chú ấy sao lại đi sớm thế chứ. Mà này, sao trên nóc nhà nghe như có tiếng chân người nhỉ?

Nghe đến đây, tôi bàng hoàng chợt hiểu ra tất cả. Thì ra đã nửa năm nay chú Dân không về nhà là vì điều đó, tôi cũng loáng thoáng nghe mẹ nói về vụ tai nạn tàu ở đâu đó nhưng không thể ngờ được người đó lại là chú Dân. Trong đầu tôi là một mớ hỗn độn, không để ai phát hiện, tôi từ từ trườn xuống rồi lặng lẽ đi về nhà. Chú Dân mất đi, nếu biết chuyện anh em thằng Tí sẽ ra sao, bọn trẻ trong làng sẽ ra sao. Tôi cũng lờ mờ nhận ra ý nghĩa của câu "bố gửi tiền về rồi" và những điều yêu thương cay xè nước mắt mà những người lớn đang dành cho anh em Tí. "Bọn trẻ còn bé quá!" - tôi nhớ lại lời cô Hoa, và sau đêm đó quyết định chôn chặt "bí mật" mà mình phát hiện. Sáng tinh mơ, mắt còn sưng vù vì một đêm không ngủ, tôi chạy sang nhà Tí đưa cho nó tất cả các chiến lợi phẩm mà từ trước tới nay tôi có được. "Bố em gửi về đấy?" - tôi nói vội một câu rồi chạy về, không nhận ra thằng bé đứng như trời trồng do mới ngủ dậy hay quá đỗi ngạc nhiên như một điều kỳ lạ từ trên nóc nhà rơi xuống.

Sau này, khi "lớn lên" thực thụ, khi lần đầu tiên được đi tàu hỏa, tôi đã kể câu chuyện đêm đó cho thằng Long - một trong những chiến hữu của mình hồi nhỏ, cũng cùng trên chuyến tàu với tôi. Nghe xong, nó trầm ngâm và bảo: "Hồi đó tao cũng nghe lén được bố mẹ tao nói chuyện với nhau, cũng đau lắm nhưng tao cũng quyết định như mày, không nói với ai. Tao cũng bắt chước người lớn, lén đem tiền mừng tuổi mua cho thằng Tí cái cặp rồi bảo là chú Dân gửi về. Tao vẫn còn nhớ lúc nó nhảy cẫng lên vì sướng, còn tao thì rớt nước mắt."

"Uh, bây giờ thì ai cũng lớn và cũng biết hết chuyện rồi. Có điều, người lớn làng mình đểu quá, toàn nói dối trẻ con"
"Uh," Long khẽ cười như khẳng định. "Làng mình đểu thật đất mày nhỉ!"

Không ai bảo ai, tôi với nó đều nhìn ra cửa sổ, chợt nhận ra con tàu đang đi qua ngôi làng của mình.
"U u u....."

Kìa, trên nóc nhà có tiếng chân người...

Tokyo. 2013-11-06

Nếu chưa đặt xuống thì xin đừng buông tay

Hồi nhỏ mỗi lần múc nước ở giếng mình rất tham cứ phải múc cho thật đầy rồi lặc lè kéo lên nhấc qua khỏi miệng giếng đặt phịch xuống đất một cái làm nước bắn tung tóe có khi vơi đi một phần ba. Có lần bố nhìn thấy thế nghiêm mặt lại nói rằng: "Đã mất công xách gầu nước lên thì phải đặt xuống cho tử tế. Nếu chưa đặt xuống thì đừng buông tay ra. ". Mình vâng vâng dạ dạ nhưng rồi chứng nào tật nấy, hả hê kéo được thùng nước lên là phải cộp một cái rõ to vào sân giếng đã, rồi  ngồi thờ hổn hển mặc nước có sóng sánh ra ngoài bao nhiêu đi chăng nữa.

Cũng hồi nhỏ, mình bê đồ nóng rất kém, mấy lần bê canh cho mẹ từ bếp lên nhà, vì không chịu được nóng đã buông tay ra, đi đời mấy cái bát liền. Bố thấy vậy chỉ lắc đầu bảo: "Ẩu quá, thấy nóng sao không đặt tạm xuống đâu đó."

Mình cũng có cái tập dựng chân chống xe không cẩn thận, trụ còn chưa vững đã nhanh nhanh chóng chóng buông tay làm con chiến mã màu mận chín không biết bao nhiêu lần lăn kềnh, mình mẩy sứt sẹo, ốc vít cứ gọi là long sòng sọc. Mỗi lần sửa xe, bố lại mắng "Sao người ta đi bao nhiêu năm không sao mà thằng này đi có mấy ngày mà hết méo cái này vẹo cái kia thế hả?".

Nhà nội trồng vải, mùa hè đến là mình lại vác quần áo về nội, tung hoành ở vườn, leo trèo chạy nhảy chán chê. Thường thì vải thu hoạch được ông bà sẽ gọi người đến mua tận nhà nhưng thỉnh thoảng bà cũng trảy một hai thúng đem ra chợ sớm bán để lấy tiền đi chợ, mua quà sáng cho cả nhà. Mình nhớ có hôm, sáng dậy cùng bà sốt sắng xếp vải vào thúng để bà đi chợ, rồi đánh răng rửa mặt ung dung đợi bà về vòi quà sáng. Lần ấy chả hiểu sao bà về sớm lắm, quà sáng vẫn có nhưng thúng vải thì còn hơn nửa. Mình chả hiểu lý do làm sao, chạy ra hỏi bà: "Bà ơi, sao hôm nay bà về sớm thế, hôm nay không có người mua vải ạ?". "Có nhiều người lắm" – giọng bà buồn buồn, "nhưng vải bị dập nhiều lắm cháu ạ, họ không mua". Mình nhìn vào thúng vải, đúng là còn lại những tùm bị dập, bị nứt, nhựa vẫn chảy và cùi vải trắng lộ ra chứng tỏ nó chỉ vừa bị dập mới đây thôi. Mình giật mình, có lẽ nào, tại lúc xếp vào thúng quăng mạnh tay quá chăng, bèn quay lại bảo bà "Bà ơi, chắc tại lúc nãy cháu xếp vào thúng quăng mạnh tay quá". "Không sao đâu cháu ạ, chắc tại cháu chưa quen, với lại nứt một chút thì mình để ăn cũng được. Chỉ thương cho mấy quả vải, mới sinh ra lành lặn đẹp đẽ mà giờ nứt vỡ bị người ta chê." Nhà nhiều vải, có nứt một ít thì cũng chả có gì là ghê gớm, nhưng nghe bà nói vậy, tự dưng mình nhớ tới câu nói của bố và lặng đi suy nghĩ: "Nếu chưa đặt xuống thì đừng buông tay ra". Sau lần ấy, mình rất cẩn thận khi cầm hay đặt vật gì đó, trước khi buông tay ra bao giờ cũng tìm cho nó một chỗ tựa hay nơi để vững chắc.

Lớn lên, câu chuyện chả dừng ở việc bê đồ hay khuân vác, ra ngoài xã hội càng thấy bài học đó trở nên có giá trị. Thỉnh thoảng người ta vẫn buông tay nhiều thứ trước khi đặt chúng xuống chắc chắn và hậu quả là sẽ là rơi vãi, thiếu hụt hoặc có thể đổ vỡ tan tành.

Có những đứa trẻ được đưa đến trường và trước khi chúng được ngồi ngay ngắn cẩn thận ở cái ghế trong lớp học, chúng đã bị buông tay ra phó mặc cho bàn tay nhào nặn của một vài cá nhân, có khi của cả xã hội chay đua thời thượng, kết cục chúng bị hoang mang, bị khuyết tật tâm hồn và sống vì bề nổi. Nặng hơn là đánh rơi một phần nhân cách trong suốt cuộc đời.

Có những con đường trước khi yên bình nằm trên đất mẹ cũng bị buông tay cho bao thứ đè nén để chẳng mấy chốc chúng bị trồi lên sống sượng, gồ ghề, xấu xí. Cũng có thể sẽ nứt toác, tan vỡ, xù xì. Có những tình yêu trước những khó khăn thử thách, hạnh phúc chưa đặt vào tay nhau đã vội buông tay ra, dù chỉ cần cố gắng một chút thôi, chờ đợi một chút thôi. Nếu muốn buông tay, hãy để hạnh phúc chạm tay đã, như thế dù có buông tay, hạnh phúc vẫn sẽ ở lại bền vững. Lúc ấy thì chẳng cần tay giữ hạnh phúc nữa, hạnh phúc đã thành của chung rồi.

Có những niềm tin, gửi cho ai đó và khi niềm tin còn bơ vơ tìm bến đỗ người lại buông nó ra, niềm tin sẽ lại trôi đi mất. Khi niềm tin của ta nằm bình yên trong tâm hồn ai ta mới đi nắm tay một niềm tin khác, dắt nó đi và đặt nó ở một tâm hồn khác. Có như thế ta mới tin được nhiều người! Và ngược lại trước khi buông tay hãy để niềm tin của ai đó đặt chân trong tâm hồn ta, có như thế ta mới có được nhiều niềm tin từ người khác.

"Nếu chưa đặt xuống thì xin đừng buông tay". Sau này mình sẽ dậy con mình như thế và bây giờ mình cũng đang sống như thế. Chừng nào hạnh phúc chưa nằm trong tay nhau, chưa là điều thiêng liêng chung của nhau mình sẽ không buông tay hay nản bước. Nếu khi nào buông tay, đó không phải là cái buông đổ vỡ hay rơi rớt, nó sẽ là cái buông để nhìn ngắm hạnh phúc đang có được trước khi ôm lấy nhau. Như vậy nếu theo đúng thứ tự thì sẽ là: "Đặt xuống, buông tay và ôm lấy nhau!"

Rốt cuộc, mọi câu chuyện đều quay lại với tình yêu.


Từ trên cao nhìn xuống

Từ trên cao nhìn xuống

Japan. 28/02/2009
Tặng Bách và chị Trang

Cuộc sống dưới những con mắt

Từ lâu rồi tôi đã quen với cảm giác có một ai đó ở trên cao quan sát, để ý đến từng hành động, từng cử chỉ, từng lời nói của mình. Cảm giác đó không đem lại một sự sợ sệt, dè chừng mà trái lại nó giúp tôi thận trọng trước mọi quyết định, giúp tôi thêm kiềm chế, thêm yêu thương, thêm cả phản kháng và giận dữ.

Khi tôi đem điều đó nói với một người bạn. Cậu ấy nói rằng không thích sống như thế. Không thích phải sống tốt vì sợ ai đó trừng phạt, không thích phải sống tốt vì hi vọng sau này mình sẽ được đền đáp, không thích phải gồng mình trong một vỏ bọc nào đó. Cậu ấy thích sống tốt theo tự do, theo bản chất, theo những gì thật nhất của con người - điều đó mới thực đáng trân trọng.

Nhiều khi tôi cũng băn khoăn vì có những vỏ bọc mình đã tạo ra, băn khoăn vì những phút giây giả dối, không thật như đúng bản chất của mình. Tôi cũng băn khoăn vì những gì bạn tôi nói, rằng có thật mình đang gò bó, có thật mình đang sợ sệt, có thật mình đang lo lắng cho tương lai, cho hậu quả của những hành động hôm nay.

Tôi biết có những giây phút mình như thế nhưng chưa bao giờ do lỗi của những con mắt từ trên cao cả. Đó không phải là con mắt của sự trừng phạt, giận dữ, càng không phải con mắt của vị Phật nào đó soi xét hành động kiếp này để ban cho một kết cục tốt đẹp kiếp sau. Đơn giản chỉ là những con mắt chờ đợi và hi vọng, trông mong một điều gì đó nơi tôi, trông mong một điều gì đó nơi tôi,...

Lúc nào tôi cũng khắc khoải vì những con mắt từ trên cao nhìn xuống!

Người trẻ tuổi

Có một cụm từ mà những người lớn tuổi hay nói "cái tôi của tuổi trẻ". Tất nhiên không phải tự dưng mà có cụm từ ấy, có lẽ từ lâu rồi, "tuổi trẻ" thường được gắn với sự thâu tóm thế giới trong một con người. Nó hình thành cái tôi cá nhân, - cái tôi đáng trân trọng và có những lúc đáng ghét mà Xuân Diệu từng thốt lên:

"Ta là một là riêng, là thứ nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta".

Người trẻ tuổi có lý khi tôn sùng cái "tôi" của mình, nếu không có cái "tôi" thì những khái niệm "trẻ" - "già" có lẽ chỉ dừng ở sự phân biệt tuổi tác. Người tuổi trẻ khao khát in dấu vết tất cả mọi thực tại vào tư tưởng của mình, đem vào trong tâm hồn mình những cội nguồn của hạnh phúc. Ước muốn của người tuổi trẻ đặt cơ thể yếu ớt và non nớt của họ vào trạng thái bình tĩnh vĩnh viễn nhưng cũng có thể thiêu đốt và hủy diệt chính họ. Người trẻ tuổi lao vào những cuộc đấu tranh nhưng không phải vì vinh quang rẻ rúng, đơn giản là người trẻ tuổi không cần đến nó. Người trẻ tuổi gắn đấu tranh với bản thân mình như một cách để duy trì sự sống.

Nếu như những người già thường ngước mắt sáng suốt nhìn lại dĩ vãng thì người trẻ tuổi lại dát ngọc cho hiện tại bằng quá khứ, thông thường họ nhiều ước mơ, hoài bão nhưng không thiếu những ảo tưởng, những ước vọng viển vông tựa hồ như đang leo lên một quả khí cầu mà không biết nó bay về đâu, không biết bao giờ nó rơi xuống. Vì thế người trẻ tuổi dễ lâm vào cảm giác tuyệt vọng, có khi chỉ đơn giản khi họ đứng trước một bức tường sừng sững, đi vào tận cùng con đường, vào những ngõ cụt cũng có thể gây ra một sự thất vọng, chán chường nào đó.

Nếu ai đã từng đọc "Chiến tranh và hòa bình" có lẽ không quên hình ảnh một Pie ngơ ngác ở Petecbua, một Andrei với những thất vọng tràn trề. Đó là những người trẻ tuổi. Không, đó là những người trẻ tuổi không có những con mắt từ trên cao nhìn xuống.

Những câu hỏi

Từ khi những con mắt trên cao chưa đến, tôi là một người trẻ tuổi cô đơn. Đầy hoài bão, đầy ước mơ, đầy yêu thương nhưng những thứ đó phần lớn từ trong sách vở, lúc nào cũng canh cánh một điều to tác, lúc nào cũng nhìn những người xung quanh mình với một thái độ đối lập, nghĩ rằng họ khác mình, họ không hiểu được những gì mình suy nghĩ.

Người trẻ tuổi đi đâu cũng vậy, đi đâu cũng có cụm từ "tôi và phần còn lại của thế giới". Người trẻ tuổi không biết một điều đơn giản là những người khác cũng như vậy. Một anh chàng mọt sách, một cô nàng son phấn đỏng đảnh, một cậu công tử đàn đúm ăn chơi,...ai cũng nghĩ mình thật khác biệt, ai cũng nghĩ rằng chẳng hai hiểu mình. Và cảm giác ấy làm người trẻ tuổi dễ lâm vào hố sâu của sự thất vọng.

Tôi đi hỏi những vị đã thành đạt, hỏi về tuổi trẻ của họ, hỏi về điều gì khiến họ có thể vượt qua những giây phút lung lay nhất của tuổi trẻ và nhận được những câu trả lời như bao cuộc phỏng vấn khác: đam mê, lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Chẳng có điều gì khác người tuổi trẻ chúng tôi cả.

Và vẫn như thế, không có câu trả lời, đâu đó ở những góc phố vẫn có người trẻ tuổi đập đầu vào tường, đâu đó trên sân thượng vẫn có người trẻ tuổi gào thét, đâu đó trong những ngôi nhà vẫn có người trẻ tuổi lăn lộn bên những trang sách, bên những dòng chữ "sống" - "chết", đâu đó trên những con đường vẫn có những người trẻ tuổi lao mình vào cuộc sống vội vàng, chơi vội vàng, học cũng vội vàng, suy nghĩ cũng vội vàng.

Người trẻ tuổi có những quãng thời gian sống giống nhau!
  Người trẻ tuổi tìm câu trả lời cho những câu hỏi giống nhau!


Những con mắt từ trên cao

 Một buổi chiều tối đầu tháng 4 năm 2006, tôi có mặt trên chuyến tàu đến Đà Nẵng tham dự một kì thi cùng thầy giáo và các anh chị sinh viên khác của trường. Lần đầu tiên đi tàu, lần đầu tiên đi một quãng đường xa như thế, lần đầu tiên có cảm giác của một cuộc hành trình thực thụ thoát khỏi thế giới nhỏ, điều này làm tôi rất háo hức, không phải vì kì thi, mà là vì những cuộc gặp gỡ, những đối thoại, những cảnh sắc mà bấu lâu tôi mong chờ giây phúc được tai nghe mắt thấy.

Phòng tôi có 4 người, tôi, thầy Hoàng, một thầy giáo ở Vinh, một chị quê Hà Nội nhưng làm việc cho Viettel ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng toàn người lớn nên cũng ít rôm rả, chẳng bù cho phòng bên cạnh, vừa giải quyết xong bữa tối đã bắt đầu khai trương chiếu bài. Cảnh tượng như bao cảnh khác chơi bời của sinh viên, hai chị con gái ngồi túm tụm lại với nhau, mắt nhìn chằm chằm vào chồng bài trước mặt, mặt đăm đăm không biết nên đánh quân nào đi, một anh khác vừa đọc sách vừa đợi đối phương ra tín hiệu, thằng bạn tôi cận nặng thì dí sát mặt vào mấy quân bài khiến tôi có cảm tưởng những quân bài ấy được dán sẵn vào mặt nó. Một thằng bạn khác thì ư ử đoạn nhạc trong bản giao hưởng số 9, lúc ồn ào rộ lên, lúc thều thào, phù phù vì hết hơi. Tôi làm quân sư cho thằng bạn này, có lẽ vì thích Beethoven nên tôi chọn làm quân sư cho nó, và cũng có thể chẳng vì lý do gì cả. Chỉ là một cuộc chơi, một chỗ ngồi - ngồi đâu mà chả được.

Một lát thầy giáo tôi cũng sang, chiếu bài thêm phần rôm rả, có lẽ phần lớn bởi những câu chuyện của thầy. Những câu chuyện về tuổi trẻ nơi xứ người, về những ngày dạy học ở Vinh, về những ngày bôn ba nơi đất Hà Nội, về những điều chưa biết ở đại học của chúng tôi. Cả câu chuyện thầy đi dạy thêm tiếng Anh, dạy thêm Văn, những bí kíp khi thi đại học, cách làm một bài Văn thế nào để được điểm cao, cách kiểm tra bài tiếng Anh như thế nào cho kĩ lưỡng, cách làm thế nào để sống khi trong túi không một có một xu, về sự thật cuộc đại chiến chống 20 vạn quân Thanh của Nguyễn Huệ, rất nhiều rất nhiều .... có những thứ hài hước ngây ngô ở thời đại hiện nay, nhưng có những thứ sâu sắc triết lý chỉ người từng trải mới có thể quan sát và nhận định được. Tôi không phủ nhận rằng đó là những câu chuyện rất hay, rất bổ ích nhưng không hiểu sao nó lại khiến tôi buồn ngủ,  nhất là khi không khí rôm rả ở những câu chuyện đầu tiên đã trùng xuống. Tôi quay sang nhìn thằng bạn mình, cặp kính cận không che được ánh mắt lờ đờ, hai chị con gái thì mắt nhắm mắt mở, gật gù, dựa vào nhau thỉnh thoảng lại giật thót lên nếu nghe thấy một tiếng động mạnh nào đó.

Thầy tôi vẫn kể chuyện!

Cơn buồn ngủ ngày càng dày vò tôi hơn nhưng rõ ràng là tôi muốn nghe những câu chuyện đó và rõ ràng là thầy cũng muốn kể cho ai nghe những câu chuyện đó. Tôi căng mắt, cố gắng ngồi cho vững để nghe đến hết câu chuyện, và cuối cùng nó cũng kết thúc với câu chuyện về một người thầy của thầy tôi. Mọi người lục tục thu dọn, tôi và thầy trở lại phòng, ai nấy đều đã tắt điện đi ngủ từ bao giờ. Chúc thầy ngủ ngon, tôi trèo lên giường tầng 2, nhăn mũi vì mùi chăn chiếu lạ, đặt mình nằm xuống thấy thật dễ chịu và thoải mái khi được nghỉ ngơi. Tiếng tàu lăn bánh xình xịch trên đường ray là âm thanh duy nhất còn tồn tại nơi đây, vậy mà nó không hề gây một cảm giác khó chịu hay ồn ào nào, thậm chí nếu không có nó sẽ chẳng có cảm giác đi tàu nữa. Ngay từ lần đầu tiên tôi đã yêu tiếng tàu chạy, không phải tiếng tàu điện êm ru thần tốc ở Nhật, mà nhất định phải là tiếng tàu hỏa Việt, tiếng tàu hỏa chạy chát chát, xình xịch trong đêm tĩnh mịch.

Tôi nhìn ra cửa sổ những mong một dấu vết cho biết mình đang ở đâu. Chỉ có bóng tối, bóng tối tràn vào căn phòng từ lúc nhìn ra cửa sổ ấy, cảm nhận hương vị của bóng tối, cảm nhận cảm giác căng mắt nhìn, một màu đen tuyền, hư vô, trống trải, bế tắc.

Chợt nghe có tiếng thở dài! Không phải tiếng thở dài của tôi!

Đêm ấy có lẽ vì mệt nên tôi ngủ rất ngon.

Tôi thức dậy từ rất sớm, có lẽ vì lạnh. Tháng Tư bắt đầu một chu kì thời gian mới: ngày kéo dài hơn đêm. Tháng Tư, trong cái oi nồng của thời khắc chuẩn bị sang hè, mọi người sẽ được hưởng những ngày duyên dáng, dịu dàng hiếm hoi nhất trong năm. Tháng Tư, 5h, trời đã sáng, với những cô, những bác đi chợ là bắt đầu một ngày với cả núi công việc, với những bông loa kèn là bắt đầu của một ngày rong ruổi trên những chiếc xe, mang theo sự trong trắng tinh khiết tràn ùa về trên phố phường. Tháng Tư, lẫn trong ngàn chiếc lá nõn nà, những nụ bằng lăng căng mọng, chờ ngày bừng nở trên các ngả đường. Tháng Tư, lắng nghe tiếng chim ríu rít chuyền cành, đậu trên cành cây trước hiên nhà buổi sớm. Tháng Tư với hàng ngàn bướm trắng về bên những nhụy hoa khoe sắc, trên những cánh đồng cỏ xanh mướt trải dài vô tận.

Đấy là những gì tôi đọc về tháng Tư. Đến hôm ấy tôi chưa bao giờ cảm nhận được một tháng Tư như trong sách vở viết. Chỉ có điều tôi thích cái se lạnh của buổi sáng sớm, cũng có thể đó là một trong những điều duyên dáng nhất xuân ban tặng cho tháng Tư. Nhìn ra ngoài cửa kính, đoán mình đang ở Hà Tĩnh, chẳng có lý do gì cả chỉ vì cảm nhận mình đang ở Hà Tĩnh. Không thấy những "cánh đồng muối trắng", càng chẳng thấy "con đò mái cắm sào đứng đợi", bầu trời và những cánh đồng chẳng khác quê mình là mấy, có chăng chỉ một khung cảnh nhạt nhòa qua những giọt sương đọng trên mặt kính, có chăng chỉ là một bầu không khí trong lành, mặn mòi khác hẳn với những gì ngột ngạt, hỗn tạp nơi Hà thành xô bồ.

7h, mọi người trên tàu có lẽ đã dậy gần hết. Nhiều người lục tục xuống ga Đồng Hới, phòng tôi thì chẳng ai xuống. Bữa sáng bắt đầu với những câu hỏi xã giao đêm qua có ngủ ngon không. Thầy giáo ở Vinh chiêu đãi cả phòng món cơm ống tre, chị Viettel mang ra mấy hộp bánh cốm, thầy Hoàng có một chai rượu nhỏ làm bữa sáng thêm giàu hương vị và màu sắc. Trời sáng tôi mới có dịp quan sát đầy đủ hai người cùng phòng với mình. Thầy giáo ở Vinh nước da ngăm đen, đôi mắt sáng, lông mày rậm mở đầu câu chuyện về đại học Vinh với thầy Hoàng. Chị Viettel trên giường tầng 2, tóc dài, cao ráo, khuôn mặt không có vẻ gì đặc trưng lắm, giọng Bắc nhưng không phải là giọng Hà Nội như người ta thường ca ngợi. Có lẽ chị khoảng 28 tuổi, cũng chẳng phải vì tôi nhìn thấy dấu hiệu nào của tuổi 28 - đơn giản vì tôi cảm nhận như thế. Câu chuyện của chị Viettel nối tiếp câu chuyện của hai thầy giáo, về cuộc sống, làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Những câu chuyện của 3 người cứ nối tiếp nhau, không có sự liên kết nhưng vẫn cứ nối tiếp như vậy, lan man dàn trải.

Tàu đến Quảng Trị, thầy tôi bảo thế. Tôi không nhìn thấy dấu vết của những năm tháng chiến tranh ác liệt, với những người trẻ tuổi như chúng tôi, ấn tượng qua phim ảnh không sâu sắc đến nỗi nhận ra ngay được những dấu vết sau mấy chục năm. Chỉ có một điều, những cồn cát đập vào mắt, cát trắng xóa, lấp đầy những bụi cây thưa thớt, cả những mái nhà cũng thưa thớt như thế. Thầy tôi nói: "Cát như thế chẳng cây to nào mọc lên được, có chăng chỉ những bụi rậm và con người mới tồn tại được thôi. Đất cằn cỗi nên đứa trẻ nào lớn lên cũng mơ ước thoát khỏi vùng đất ấy.". Tôi và chị Viettel quay ra nhìn nhau, thầy ở Vinh cũng nhìn qua cửa sổ, mắt thầy tôi rưng rưng.

Tôi đã được nghe kể về một câu chuyện 3 chị em mồ côi cha mẹ nơi cồn cát, được một nhà báo đón về Hà Nội nhờ những tổ chức từ thiện giúp đỡ và cả 3 người hiện nay đều đã thành đạt. Người đi nước ngoài, người ở lại Hà Nội làm việc cho một công ty lớn, người định cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Cả 3 người đều là học sinh thầy tôi, hơn nữa thầy biết họ từ khi họ ra Hà Nội. Thầy kể về ý chí, về lòng ham học, về cả sự hoang dã, lạ lẫm ban đầu nơi thành phố, nhưng lúc nào cũng quyết tâm vượt lên của 3 chị em. Họ thực sự muốn thoát khỏi vùng đất đó, nhưng vì sao, họ vẫn có thể tồn tại như bố mẹ, ông bà bao đời nay của họ, họ cũng có thể buông xuôi bỏ mặc như bao con người khác trên những miền đất khác của tổ quốc. Thẩy tôi bảo rằng, người chị không thể đành lòng khi nhìn thấy những đứa em mình chịu khổ, người em không thể rời bỏ ước mơ của bố mẹ, rời bỏ ước mơ của bao người khác nơi mảnh đất cằn cỗi. Họ ra đi là để quay về thỏa nguyện những ước mơ ấy.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Có một đôi mắt đang nhìn tôi. Một bé gái trên nóc nhà đang nhìn tôi. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao em lại ở trên nóc nhà, và tại sao tôi không thể nhớ được hình ảnh em nhưng lại chẳng thể quên được đôi mắt của em dù cách xa hàng chục mét. Sau này khi có dịp nhớ lại tôi còn đặt ra giả thuyết đó là ảo ảnh, không thể có chuyện nhìn rõ đôi mắt với một khoảng cách như thế được. Nhưng cảm giác đôi mắt ấy nhìn là một cảm giác thật, đôi mắt ấy nhìn trông mong, chờ đợi, hi vọng....

Chúng tôi chia tay thầy giáo Vinh ở Huế, rồi chẳng mấy lâu sau đến đèo Hải Vân. Hồi bấy giờ, chưa có hầm Hải Vân nên vẫn còn được thưởng thức cái thú "qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi". Cả lũ sinh viên chúng tôi đổ xô ra xem, chị Viettel cũng đứng cạnh tôi. "Giá có một lần nhảy từ đỉnh đèo xuống nhỉ?". Tôi quay sang há hốc mồm vì ngạc nhiên. Chị Viettel cười, quay trở lại phòng leo lên chiếc giường tầng hai và đọc sách. Một lát sau tôi cũng bước vào, câu đầu tiên tôi hỏi là "Tại sao chị không làm việc ở Hà Nội mà lại đến tận thành phố Hồ Chí Minh" - "Vì có người cần chị ở đó nhóc ạ!". Chị gấp quyển sách lại, quay mặt nhìn tôi, cái nhìn khiến tôi rùng mình, cái nhìn như chứa đựng sự chất vấn - "chả lẽ không có ai cần em hay sao?".

Có ai cần tôi không nhỉ?

Bốn ngày sau, vào một buổi tối, tôi lại có mặt trên một con tàu trở về Hà Nội. Lần này trong phòng chỉ có tôi, Bách và Hùng. Mọi người đã sang hết phòng bên với những chiếu bài. Có các bạn Bách khoa đi cùng nên rôm rả hơn rất nhiều, Hùng và Bách cũng là những người bạn tôi mới quen ở Bách Khoa. Hùng - với thân hình bệ vệ của nó, chấp nhận từ bỏ chiếu bài để dành thời gian gọi điện cho một cô bạn. Chán chê với cái điện thoại cộng thêm với việc đè nén, chèn ép tôi vào một góc, nó cũng đứng dậy đi theo tiếng gọi của cờ bạc. Chỉ còn lại tôi và Bách.

Bách có nụ cười khiến người ta mến ngay từ lần gặp đầu tiên, cộng thêm tình yêu toán và nhạc cổ điển, lối nói chuyện nhẹ nhàng như con gái. Những điều đó đủ để khiến chúng tôi trở thành một đôi bạn thân chỉ sau mấy ngày. Những câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những chủ đề toán học, những nhà phát minh, những nhạc sĩ, những bản nhạc cổ điển, những câu chuyện lịch sử,.... Chúng tôi bàn luận về định lý không hoàn hảo của Godel, về bản nhạc Beethoven đề tặng Napoleon, về bài thơ Hà Nội phố của Phan Vũ,...tuyệt nhiên không có một câu chuyện về việc sau này sẽ làm gì, tương lai sẽ ra sao, không có một câu chuyện về những thắc mắc, những câu hỏi trăn trở thường thấy của người trẻ tuổi. Tôi không muốn hỏi Bách những câu hỏi như thế và dường như ngược lại, chúng tôi đang tìm câu trả lời cho bản thân mà không cần đặt câu hỏi.

"Bố tớ bị ung thư, Hoàn ạ".
Tôi im lặng, Bách mân mê cây sáo, mắt nhìn ra cửa sổ: "Nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu, tớ cũng vậy!".

Bách quay lại nhìn tôi, cũng là một điều kì lạ, trong ánh đèn ngủ mờ ảo tôi vẫn nhìn rõ đôi mắt Bách, trìu mến, thân thương, ánh lên những tia hi vọng, chờ đợi,....Bạn tôi cất tiếng hát trong đêm, bài đầu tiên chúng tôi hát là "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", bên núi Hồng Lĩnh, dòng sông La, đường Đồng Lộc, ....chúng tôi trở về "Hà Nội phố", ngắm nhìn "những ánh sao đêm", đón mùa xuân "làng lúa làng hoa",.....Đêm tĩnh mịch, tiếng tàu chạy đều đều, hai thằng con trai ngồi hát đối diện với nhau, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

Đêm đen tuyền, hư vô, trống trải nhưng không bế tắc.

Vĩ thanh

Buổi sáng khi đặt chân đến Hà Nội, lần đấu tiên trong đời tôi cảm nhận có những đôi mắt phía trên cao đang nhìn mình, cũng là lần đầu tiên những câu hỏi của người trẻ tuổi không còn làm tôi trăn trở. Những đôi mắt của thầy tôi, của bé gái nọ, của chị Viettel, của Bách, và có lẽ của cả bố mẹ, bạn bè, của rất nhiều người tôi chưa gặp trên mọi miền tổ quốc này đã cho tôi câu trả lời. Ở đâu đó, có đôi mắt chờ đợi hi vọng, có đôi mắt đang cần tôi, không phải hoải bão, đam mê, lý tưởng mà chính những đôi mắt nhiều góc độ ấy đã thôi thúc tôi sống tốt hơn mỗi ngày, thôi thúc tôi trở thành một người trẻ tuổi không tuyệt vọng, thôi thúc tôi biết quan tâm, sẻ chia, biết học được lòng bao dung từ sự ích kỷ, biết cố gắng mỗi ngày, biết khát vọng gắn với thực tế, biết nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

.....
Tháng 7 năm 2006, bố bạn tôi mất. Bạn tôi nói với tôi rằng: "Lúc nào cũng cảm thấy có bố đang nhìn mình".
 ......

Đã bao giờ bạn ngước nhìn lên và bắt gặp một đôi mắt đang nhìn bạn chưa?


4h sáng 01/03/2009


Nghe kohai đánh đàn – luận bàn về âm nhạc của tôi

Một bài đã viết được 4 năm. Nay đem ra đọc lại. 2013.12.14

 Cái tựa đề này nghe giống như tựa đề một chương trong “Dế mèn phiêu lưu kí”, có một chút gì đó kì cục, ngang ngang làm người đọc cảm thấy tò mò, xen lẫn khó chịu. Thôi đành chấp nhận vậy, vì người viết đâu có muốn đếm xỉa gì đến ai sẽ đọc đâu, người ta rào đón, khen chê, bình phầm gì  (hoặc xảy ra trường hợp là chả “ma” nào thèm ngó đến) thì cũng mặc. Oh, no problem. Thì cố nhân cũng đã nói rồi, ai chả muốn khẳng định cái cá biệt của mình, tôi và phần còn lại của thế giới. Như Vũ Hoàng Chương viết “Tôi: thù nhân của số nhiều”, hay Trần Huyền Trân “Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân”, quen thuộc hơn nữa là Xuân Diệu “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, Huy Cận “Suốt một đời như núi đứng riêng tây”, rồi đến nhạc sĩ họ Trịnh “Bỏ lại ta buồn giữa cuộc vui”, ai cũng như ai, cũng “mâu thuẫn”, cũng “lớn lao và cô đơn” .

Lạ nhỉ, sao cứ những câu thơ “cô độc” như vậy ta lại nhớ dai đến vậy, dai dẳng đến nỗi vận vào bản thân làm ta phải gồng mình để đối phó, để che giấu, để lấp liếm nó. Ngàn năm qua, người cô độc thì đời nào chả có, cũng có 3 loại, người cô độc cao cả, người cô độc bình thường và người cô độc tầm thường. Ta có cả 3 trong 3 loại đấy.

Hay chưa, ta viết đến đây rồi mới nhận ra nó chẳng ăn nhập gì với “cái chủ đề” mà ta khúc khích cười thầm khi nghĩ ra, cũng chẳng ăn nhập gì với những gì đang diễn ra trong đầu của người đang đọc bài viết, như là phút ngẫu hứng, “điên” hay cố tình “làm hàng” đây. Đến ta cũng chẳng biết!

 Có lẽ cũng tại cái thằng kohai biết chơi piano, làm mất cả buổi trưa nghe hắn đánh đàn. Hắn chơi hay, tuy có nhiều lỗi và cũng chưa thật nhập tâm lắm trong một hai bài. Số còn lại thì vẫn có lỗi, vẫn có một chút lơ là nhưng lại dụ dỗ được ta. Than ôi, New Age, đó là lý do mà ta trở thành con người khác như bây giờ đây, không, ta về lại với chính mình chứ.

Cậu bé bốn tuổi và “khát vọng mùa xuân”

 Ta bắt đầu ý thức được giá trị của âm nhạc nhờ Mozart, đúng hơn là nhờ bản nhạc “Khát vọng mùa xuân”. Ngày ấy vào khoảng giữa 6h45 và 7:00 có một bản nhạc được phát đi phát lại cùng với màn hình chờ trên ti vi. Ngày nào cũng vậy ta háo hức chờ “Bông hoa nhỏ” phát sóng đến nỗi thuộc lòng  bản nhạc ấy. Hỏi bố thì bố bảo đó là “Khát vọng mùa xuân” của Mozart, được sáng tác khi ông 4 tuổi. Sau này ta mới biết đó chỉ là lời đồn đại ở VN, thực ra 5 tuổi Mozart mới bắt đầu soạn nhạc, và bản nhạc “Khát vọng mùa xuân” được viết trước khi ông mất chỉ 11 tháng (năm 1791). Thế nhưng, hồi ấy con số “4” gây một ấn tượng mạnh ghê gớm. Bốn tuổi, cái tuổi mà ta không biết tới một nốt nhạc, cái tuổi mà Mozart đã thông hiểu âm nhạc đến độ nổi tiếng khắp Salzburg, cái tuổi mà ta bắt đầu bi bô đọc, cái tuổi mà Mozart đã chơi được dương cầm. Đâu có ý so sánh với Mozart!

  “Khát vọng mùa xuân” theo ta mấy năm liền khi ta vào cấp 1, nó làm cho ta bớt kiêu ngạo, bớt đứng một mình nhìn phần còn lại với con mắt khinh khỉnh, bớt cặm cụi, bớt lầm lì, và bớt cả ngủ gật nữa. Bản nhạc xuân ấy reo rắc trong tâm hồn ta những âm thanh tươi vui, những tiếng gọi nồng ấm, khiến ta cười, ta nhảy múa, ta chạy, ta hòa mình vào tất cả. Ta của ngày ấy lúc nào cũng thấy mùa xuân nở rộ hoa bên cạnh.

 Ta thích nhạc cổ điển từ dạo đó, không có băng đĩa, chỉ biết nghe qua chiếc đài con của bố. Fur Elise hay như tiếng Việt có tên là “Thư gửi Elise”,  Bốn mùa - “Four seasons” (sau này mới biết hồi ấy mới chỉ nghe có mỗi “Spring” thôi), hay quen thuộc với khán giả Việt Nam là vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga của Tchaicopvsky,… Đến khi vào cấp 3, những đồng tiền chắt chiu đôi khi được ta bấm bụng mua lấy một cái đĩa nhạc lậu. Lậu, đầy tạp âm và chưa chắc đã play được từ đầu đến cuối nhưng ta vẫn cứ bấm bụng chắt chiu vì cái thú vui đắt đỏ ấy. Chỗ ở cũng đâu có đài đóm gì, phải sang nhà bên cạnh nhờ bật hộ, thế rồi ở bên này ta ngồi nghe. Những đứa bạn của ta cũng nhanh chóng biết được thú vui ấy, thế rồi chiếc đĩa chuyền tay nhau. Đến năm lớp 10, ta vẫn chưa hề biết một nốt nhạc!

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”

 Hồi cấp 3 ta thích một cô bạn, cô bạn ấy lại thích nhạc Trịnh. À không “yêu” mới đúng, “yêu” đến độ nếu ông còn sống thì sẽ sẵn sàng lấy ông – như lời bạn ấy nói. Hồi ấy ta ngạc nhiên tròn mắt, sao lại có người hâm mộ đến mức như thế nhỉ, nhưng bây giờ thì ta thấy chuyện ấy không đến nỗi quá bất ngờ, người yêu nhạc Trịnh không phải là ít, trong số đó người sẵn sàng gửi tâm hồn mình cho nhạc sĩ cũng không phải là ít. Khoan nói nhiều về con người Trịnh Công Sơn, có lẽ nên hẹn dịp sau khi ta được làm bạn với ông. Hãy nói về nhạc Trịnh – nhờ cô bạn ấy mà ta nghe nhạc Trịnh nhiều hơn, thế rồi ta ép mình “không thích nhạc Trịnh”. Ai cũng bảo nhạc của ông buồn nhưng ta còn thấy trên cả nỗi buồn ấy là sự vô vọng. Ông hát lên “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” khiến ta càng chìm đắm trong “tuyệt vọng” hơn, ông tìm niềm vui mỗi ngày lại khiến nỗi buồn của ta mỗi ngày thêm nhiều lên, ông mơ thấy mình là thác đổ ta lại cảm thấy những vạt nước xối xả đè nặng, ông vẽ lên cơn mưa hồng ta lại thấy sau nó là những đám mây xám xịt. Ta không phải là người bi quan nhưng mỗi khi nghe nhạc Trịnh ta luôn cảm thấy bế tắc. Có lẽ nếu trong câu hát, ông gọi ta trở lại về với nguồn cội, về với những kí ức nhớ quên thì chắc chắn ta sẽ không quay trở lại mặc dù ta muốn. Chắc chắn ta sẽ ra đi xa hơn để những kí ức như thế mãi trong lòng ta, không bị hủy hoại, không bị chắp vá sửa sang mà chỉ để nhớ về.

 Ta đã nghe nhiều người hát nhạc Trịnh, nhưng đọng lại trong trí nhớ ta thì không nhiều. Ta thích cái “bất cần”, cái “dùng dằng”, “dửng dưng” khi Khánh Ly hát “Hạ Trắng”, ta thích sự “trong trắng” không vẩn đục, “cam chịu” nhưng xen cả hờn giận, trách móc khi Hồng Nhung hát “Đóa hoa vô thường”, ta thích đong đếm những nỗi buồn qua từng câu hát của em trong “Đêm thấy ta là thác đổ”. Ta cũng không thích khi em hát nhạc Trịnh quá tròn vạnh và trau chuốt, ta chỉ muốn nỗi buồn ấy một mình ta hiểu thôi.

 Khúc nhạc Trịnh miên man trên những con đường bụi đỏ ta đi, ta thấy ông giương cặp kính cũ kĩ dõi theo những vết chân thầm lặng trên cõi đi về, ta thấy bàn tay gầy ấy run run nâng chén rượu, môi mấp máy câu hát. Lúc nào nghĩ về ông, ta cũng thấy ông say nhưng tuyệt nhiên không thấy ông thôi hi vọng. Không giống như khi ta nghe nhạc của ông. Ta còn nhớ ông đã từng viết “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Ta đồng ý với ông nhưng có lẽ ông viết vẫn chưa đủ, ông thấy tuyệt vọng đẹp như một bông hoa nhưng ông cũng thấy hi vọng đẹp như ánh nắng lấp lánh tỏa xuống. Ông có nó, chỉ có điều ông giấu nó đi. Vì sao thì chỉ ông biết được, có lẽ để những thị phi trên đời này không giáng xuống ông chăng. Than ôi có lẽ ông nhầm rồi! Những thị phi đâu có phải vì thế mà biến mất cũng giống như ông, đâu có thể dễ dàng sụp đổ trong trái tim bao người. Ông chỉ cần rong chơi, chỉ cần du ngoạn chốn bình yên nào đó, những chuyện thế gian thì hãy để lại cho thế gian.

 Ta đã ép mình “không thích nhạc Trịnh”, có lẽ đã thành công một nửa. Nửa còn lại ta phải nhờ Phú Quang và Trần Tiến.

Ông “tiểu tư sản” và những góc phố

 Phú Quang - tiểu tư sản của nhạc Việt. Buồn cười thay khi chính ta có lẽ cũng không hiểu rõ cái từ “tiểu tư sản” có ý nghĩa là gì, bản thân ta cũng ghét từ đó. Nhưng ta cứ dùng nó, vì ta thấy Phú Quang thật giống một “tiểu tư sản” mà theo cách giải thích mập mờ của ta là lãng mạn, thanh tao đôi khi viển vông, hư không nhưng ta thích sự viển vông nghệ sĩ ấy.

 Bài hát nổi tiếng nhất của Phú Quang mà ai cũng biết đó là “Em ơi Hà Nội phố”. Chỉ riêng bài thơ của Phan Vũ thôi đã là một câu chuyện dài lãng mạn và cảm động, đủ khiến ta gắn mình với Hà Nội. Nếu như người nghệ sĩ trong thơ Phan Vũ đi dạo khắp ngóc ngách của Hà Nội, vẽ lên từng hàng gạch, từng gốc cây, từng mái ngói những bóng hình, những vết chân, những dấu tích ngàn năm thì Phú Quang lại thổi hồn vào những ngóc ngách ấy để chúng có thể biết níu kéo, biết thở than, biết lưu luyến. Người nghệ sĩ của Phan Vũ đóng vai trò hồi tưởng thì người nghệ sĩ của Phú Quang lại gào thét, sà vào những ngóc ngách để rồi nhớ thương, để rồi quên tất cả, để rồi khiến ký ức chợt nhòa chợt hiện. Phú Quang đã gửi gắm những cảm xúc ấy vào rất nhiều bài hát khác về Hà Nội trong đó có “Hà Nội ngày trở về”. “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, vội vã trở về khi lòng mình xác xơ, muốn tìm lại sự bồi hồi, rung động, muốn tìm lại dáng đứng em nơi quán nhỏ, muốn tìm lại mùa thu nhẹ nhàng như cầm trên tay. Mùa thu hết và lòng ta bình yên. Để rồi, vội vã ra đi khi sự bình yên ấy đang được bao bọc, được níu kéo, có chăng ta đột ngột quá làm ký ức không kịp trở tay?

 Một số người cho rằng nhạc Phú Quang dễ đi vào luẩn quẩn, lặp lại và đôi khi quá dễ dãi trong cảm xúc. Ta thì không nghĩ như thế. Phú Quang là một trong những nhạc sĩ hợp tác tốt nhất với các nhà thơ mà ta từng biết. Dường như ông có mặt tại mọi nơi nhà thơ đi qua, có mặt để đón chờ mọi ngôn từ sắp được tạo thành, ông hiển hiện trong quá trình ấy, để rồi khi nhà thơ từ khi thai nghén đến khi hoàn thành tác phẩm ông đều hiểu rõ. Vì thế, sao có thể nói ông luẩn quẩn và dễ dãi, ông đang đắm chìm trong những cảm xúc vốn có của nhà thơ và sẽ thật có tội nếu bẻ cong hay bóp méo nó. Trong “Khúc mùa thu” thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang ta dễ dàng nhận ra sự hợp tác hoàn hảo ấy.

 Ai yêu thơ mà lại không biết đến Hồng Thanh Quang, đến những câu thơ như “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”  hay “Phơ phất tơ lòng lam khói bay”, đến cả giọng nói khiến người ta nhăn mặt lại khi lần đầu nghe trong những chương trình bình thơ, nhưng nghe quen rồi thì nghiện. Lại xin hẹn câu chuyện về Hồng Thanh Quang vào dịp khác mà hãy nhắc đến sự hợp tác của ông với Phú Quang. Thơ Hồng Thanh Quang như thế rồi, cảm xúc đã ở đó rồi và Phú Quang có mặt biến cái cảm xúc ấy không phải chỉ là của riêng Hồng Thanh Quang nữa mà trở thành của ta, của những ai “quên mình chỉ để nghĩ về em”. Dẫu biết rằng em giấu đêm vào trong tóc, dẫu biết rằng em mải miết đi tìm những hư không ta không hề biết, dẫu biết rằng ta bất lực trước những cô đơn vằng vặc, vậy mà ta vẫn yêu, vẫn thương ai ở mãi cung hằng, vẫn yêu như chết là hạnh phúc. Đây chính là chất lãng mạn anh hùng rơm mà cả Hồng Thanh Quang và Phú Quang đều có. Uh thì anh hùng rơm, nhưng có ai yêu mà không như vậy. Phú Quang biến những điều khó diễn tả thành những cảm xúc rất thật, thật đến mức có thể xé lòng người ta, có thể đẩy người ta vào sự cô đơn muôn kiếp. Nhưng khác với nhạc Trịnh, ta tìm thấy nụ cười, đôi khi là cả hạnh phúc trong sự cô đơn ấy.

 Đến với Phú Quang ta phải quen dần với sự hư ảo, quen với sự không chính xác, lệch lạc, quen với nốt nhạc ở những câu từ có gì đó ngô nghê như “Trời không mưa và anh không đến. Em còn biết làm gì”. Ông luôn phán đoán “Dường như ai đi ngang cửa” để rồi “Chút lá thu vàng đã rụng. Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Ông gieo những nốt nhạc của mình ở những phán đoán đó, ông tự hỏi mình và đôi khi vờ vĩnh ở những câu trả lời. Vậy mà ta lại thấy sự vờ vĩnh ấy rất “thật”!

Người du ca du tình

Có một người còn “thật” hơn cả Phú Quang. Đó là Trần Tiến. Ta hát nhạc của ông từ hồi quần đùi thủng đáy, tay cầm ống cuộn chỉ lang thang khắp xóm biểu diễn “Sao em nỡ vội lấy chồng”, hay lớn lên một chút là mộng mơ những cánh buồm khát vọng với “Mặt trời bé con”. Ta ước gì nhà bên là anh lính để ta có thể trèo cây ngó vào, mắt xoe tròn lắng nghe. Ta cũng là đứa trẻ lẽo đẽo theo vết chân tròn trên cát, háo hức ngồi nhìn anh, thấy mình như đàn chim én bay qua những ngọn núi xa vời, thấy mình là đồng lúa, là giàn hoa, là dòng sông, là ánh lửa hồng, là cao nguyên đầy gió.

 Có thể nói rằng, so sánh với Trịnh Công Sơn hay Phú Quang thì rõ ràng Trần Tiến nhanh nhẹn và gần gũi hơn rất nhiều. Người ta có thể thấy Trịnh Công Sơn chậm rãi xa xăm về những “con đường”, những “cõi”, những “chiếc lá phai”, những “cánh buồm xa”. Người ta cũng có thể thấy Phú Quang bên chiếc dương cầm quen thuộc, hay ông đang ngồi ở góc vecni nhỏ nào đó với li cà phê, nhấm nháp và tận hường một “Hà Nội phố”, tận hưởng “mưa” và đợi chờ “mùa đông” . Có lẽ Trần Tiến lúc đấy đang chui rúc ở xó xỉnh nào đó, hoặc đang lướt bay bay trên đường, hoặc đang ngật ngưỡng dzo dzo giữa bàn nhậu xô bồ. Tuổi thơ nghèo khó và chuỗi nợ đời đeo đuổi ông dai dẳng, nhưng cũng tạo cho ông cơ hội để hóm hỉnh hơn nhiều người, phong trần hơn nhiều người, và cũng đau khổ hơn nhiều người. Vì thế, Trần Tiến là người nghệ sĩ hội tụ được rất nhiều dòng nhạc và phong cách khác nhau. Nghe đâu, vào năm ta sinh ra ông đã lập một ban nhạc rock lấy tên là Đen Trắng lưu diễn dọc đất nước. Nghe đâu người ta gọi ông là “người du ca”, ta thêm vào chữ “du tình” liệu có thất lễ chăng?

 Mùa đông ông hay quàng một chiếc khăn quanh cổ. Khi hát ông rất hay nhắm mắt, ông cười thật hiền nhưng mời mọc ta lên cùng ông, “phiêu du” cùng ông. “Tùy hứng lý qua cầu”, “Tùy hứng lý ngựa ô”, “Ngẫu hứng sông Hồng” hay “Giấc mơ Champi” khiến ta đâu thể ngồi yên được. Ta đã bị xáo động, xáo động vì những câu hò đối đáp, những điệu lý, những vó ngựa, những tiếng vọng núi rừng. Ta muốn chạy đi ngay đón người con gái ta yêu, rước nàng về, vó ngựa rộn rã, ta muốn cùng nàng tự do, tĩnh tại, sống cuộc đời núi non.

 Không có người nhạc sĩ nào hóm hỉnh được như Trần Tiến. Ông tủm tỉm cười khi thấy “Cụ già ngồi trong công viên. Ngắm bà già nhớ tuổi thanh niên” những câu hát quá thật nhưng không hề có chút gì thô tục. Ông châm chọc “Em đi đâu về, mà tóc đầy me. Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế. Mà cười một mình”, ông cũng khiến mình lăn cùng trái bóng, hò hét cùng lũ trẻ con trên phố. Có cô gái nào không thẹn thùng trước những lời châm chọc của ông, có đứa trẻ nào không háo hức xem ông bày trò, có cụ già nào không lẩm bẩm mắng cái ông mắc dịch nhưng hài hước lắm tài. Ta thấy ông bên điếu thuốc lào rít xòng xọc, thấy ông đang bị các cô, các chị vây quanh, thấy ông cầm đầu cả một lũ trẻ nghịch ngợm đi quậy phá, thấy ông dầu máy đầy tay nháy mắt tủm tỉm cười.

 Nỗi buồn của ông cũng thật khác với nhạc sĩ họ Trịnh và Phú Quang. Nó không lẫn với sự hư ảo của Trịnh Công Sơn, không nhầm với một chút sách vở của Phú Quang, nó là đời thường, là những thực tế do ai đó tính toán mà ông là nạn nhân. Nghe Trần Tiến hát về những nỗi buồn, ta không còn muốn giữ mãi trong lòng như khi nghe Trịnh Công Sơn và Phú Quang nữa. Ta muốn trở về, ta muốn tìm lại người con gái chiều mưa năm ấy, dù con thuyền có trôi, dù đóa hoa có lặng lẽ ta vẫn không thể để tóc gió thêm một lần thôi bay. Nghe Trần Tiến hát, ta muốn chạy về bên gia đình nhỏ của ta, ôm chầm lấy mẹ, nắn từng bờ vai gầy ấy, pha trà để cùng cha đàm đạo, những ngọn đèn le lói bớt quạnh hiu. Ta muốn được bên chị ngày chị đi lấy chồng, ta muốn thấy những giọt nước mắt chị rơi vì hạnh phúc hay xa cách. Ta cũng muốn nhìn thấy cô hàng xóm e ấp, mắt đen chờ ta những tháng ngày mỏi mòn. Mối tình long đong ta vẫn một mình.

 Nỗi buồn của ta gần với ai hơn, Trịnh Công Sơn, Phú Quang hay Trần Tiến.

Beethoven bên chiếc đàn bầu

 Đầu năm thứ hai đại học ta đã có một quyết định mà những người xung quanh cho là ngông cuồng “học đàn bầu”. 4 tháng ròng gia sư vừa đủ cho tậu chiếc đàn có giá đỡ, thêm cả cái loa to đùng hệt như một phường kèn trống thực thụ. Ta học đàn không giỏi, kém là đằng khác, theo ai đó nói là “a dua” cũng đúng, cũng là một kiểu tự đánh bóng mình. Điều đó phần nào không sai khi ta làm loạn cả kí túc với loa đàn bầu, rồi cồng kềnh vác đi, gò lưng đạp hơn 10 cây số đi học mà vẫn không đánh được bài nào ra hồn. Đổ lỗi cho thẩm âm, rồi có quá nhiều việc phải làm không thể dành một ngày 2-3 tiếng luyện đàn được. Trước khi đi, đàn bầu bị ta bọc lại ở một góc nhà. Ít ai biết ta học đàn bầu vì cái gì!

 Ta học đàn bầu vì Beethoven của ta, vì người anh, người thầy của ta. Anh dạy ta cách cảm nhận khi con người không thể nhìn thấy, anh dạy ta làm thế nào để hiểu được Beethoven, anh dạy ta biết hòa mình vào quan họ, vào đàn bầu, sáo, nhị - những nhạc cụ dân gian gần gũi muôn đời nay. Anh không nhìn thấy ta, cũng không nhìn thấy nhiều thứ khác nhưng những điều anh dạy ta còn hơn gấp nhiều lần những gì nhiều người sáng mắt đang sa sả nói hàng ngày.

 Ta thích nhạc cổ điển từ lâu nhưng chỉ biết nghe mà thôi, ta thích cách người ta phối hợp những nhạc cụ để tạo thành âm thanh hòa tấu tuyệt vời như vậy. Anh là người đầu tiên dạy ta rằng, mỗi bản nhạc cổ điển là một câu chuyện. Câu chuyện đó do ta tạo ra, ta kể lại chúng trong mỗi bản nhạc ta nghe. Anh cũng dạy ta thế nào là thuyết bình quân luật, để ta biết nhận ra những bản nhạc của Bach miên man như những dòng suối. Ta không thích sự đơn điệu và quá dàn trải vì thế với Bach ta thích những Cello Suite hơn. Anh cũng dạy ta thế nào là symphony, sonata, concerto, prelude, thế nào là sự tranh đấu giữa hai chủ đề trong một bản giao hưởng, thế nào là sự đối thoại giữa một nhạc cụ độc tấu và phần còn lại trong một concerto. Nhờ thế mà trong giao hưởng số 5 “Định mệnh” ta nhìn thấy thần chết đã gõ cửa dồn đập như thế nào, ta cũng thấy Beethoven tranh đấu ngoan cường ra sao, ta đã thấy một cuộc chiến mà vũ khí của Beethoven là những nỗi đau quá khứ và hi vọng cho tương lai. Để rồi ta nhìn thấy đồng quê yên bình, ta nghe thấy tiếng gió êm đềm thổi ở bản giao hưởng số 6 (bản giao hưởng duy nhất có 5 chương của Beethoven), ta thấy vó ngựa mình tung bay, thấy mình xông pha khi giao hưởng số 7 được vang lên. Ta cũng hiểu Beethoven khi ông đề tặng Napoleon ở giao hưởng số 3 “Anh hùng”, ông ngưỡng mộ Napoleon vì đã tiêu diệt chế độ phong kiến bảo thủ đè nặng châu Âu, nhưng cũng xé bỏ lời đề tặng đó tức khắc ngay sau khi vị độc tài tuyên bố lên ngôi hoàng đế. Ta hiểu ông chứ, hiểu cả những ước vọng hòa bình ông gửi gắm vào những bản nhạc, hiểu cả những gánh nặng cuối đời của những kẻ vây quanh ông tạo ra, hiểu nét mặt cương nghị và mái tóc bờm xờm của ông, hiểu rằng ông không tha thứ cho những hời hợt. Ta hiểu lịch sử nhân loại được ông tái hiện, những quằn quại, huy hoàng được ông phơi bày, ta bất ngờ khi lần đầu tiên một ode được đưa vào một bản nhạc. Bản giao hưởng số 9, bản giao hưởng được gửi ra ngoài vũ trụ và ode “Ode to Joy” (Hướng tới niềm vui)  nơi “tất cả mọi người đều là anh em” (Alle Menschen werden Brüder). Ta biết ta mềm yếu như ánh trăng để cần một sonata cho ta chảy mạnh mẽ, cho ta phủ lên tất cả vật cản để ta tràn qua. Ta cũng biết mình hay vương vấn, hay lang thang những đỉnh núi vời vợi sợ ngày trở về. Appassionata cuốn theo cả những dè dặt, những vương vấn, những phiền muộn để tiếp sức mạnh cho ta.

 Beethoven là cầu nối cho thời kỳ cổ điển và thời kỳ lãng mạn để Schubert tiếp bước. Ta muốn nói về Schubert, về bản giao hưởng dang dở, về chiếc áo đuôi tôm và sự tự ái của người nghệ sĩ. Ta cũng muốn kể câu chuyện của Chopin giữa đêm khuya, của Dvorak với “tân thế giới”, của “anh thợ cạo” Rossini. Ta cũng muốn kể câu chuyện về bản giao hưởng 20 năm của Brahms, những concerto nặng nề của Rachmaninov, hay hòn đảo thiên thần của Debussy,... và còn rất nhiều rất nhiều những câu chuyện nữa nhưng episode về classical music sẽ phải dừng tại đây hẹn một dịp khác thích hợp hơn.

 Ngày ấy anh dặn ta mỗi ngày phải nghe một bản nhạc dân gian mà anh giới thiệu, nghe đi nghe lại nhiều lần rồi viết lại cảm tưởng về bản nhạc ấy. Ta cũng như ai, nhớ như in những câu hát mẹ ru ,cánh cò và nhịp võng đưa, cũng thuộc đôi làn quan họ bà hát, nhưng đâu biết rằng trong quan họ ẩn chứa cả nỗi thống khổ, sự ích kỷ và bao dung. Người quan họ ngày xưa đã trót đối đáp thì không được nên duyên với nhau vì thế chữ “duyên” ấy được tô vẽ lên thật đẹp. “Còn duyên là duyên kẻ đón đón người đưa, hết duyên là duyên đi sớm để về trưa ớ trưa mặc lòng”, rồi “Đừng thấy em lắm bạn mà ngờ, tuy rằng là em lắm bạn nhưng em vẫn chờ là chờ người ngoan”, ấy thế mà cô gái ấy cũng sẵn sàng hy sinh người mình yêu thương “Ai hơn mình lấy, ai bằng mình đợi em”. Phải chăng đó là sự bao dung, nỗi khổ đau hay trách móc?

 Ta còn nhớ khi đạp xe trên đường Trường Chinh, bản nhạc ta hay nghe nhất là “Kể chuyện ngày mùa”, một bản hòa tấu của nhị, đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, tam thập lục. Ta thích nhất đoạn nhạc độc tấu của đàn nhị, một đoạn đối thoại buổi sáng sớm, giữa tiếng chim cu gáy kêu, tiếng gà gáy và những âm thanh rộn ràng của những người nông dân ra đồng sớm. Ta cũng thích cái cách những nốt nhạc được dồn lại, thích cái cảnh chiếu chèo được tái hiện, thích cả một buổi chiều quê yên bình nơi ta thấy ông ngồi phe phẩy chiếc quạt mo, bà đang nhai trầu, còn ta nằm khểnh giữa sân ngẩng mặt dõi theo cánh diều vi vu tiếng sáo.

 Từ những bản nhạc ấy, anh đã dạy ta làm thế nào để đưa chất liệu dân gian vào một bản nhạc, anh dạy ta motip quen thuộc khi chơi những nốt nhạc liên tiếp nhau, điều mà sau này ta thấy lại trong “The Butterfly Lovers' Violin Concerto”, anh cũng dạy ta trước khi bắt đầu vào học bất cứ thể loại nhạc nào, trước hết phải yêu chính âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

 Ta thích nghe những câu chuyện qua những chuyến lưu diễn của anh, thích cách anh cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai. Ta cũng đã hứa rất nhiều nhưng chưa làm được điều gì cả. Khi ta bước đi khỏi căn nhà vào buổi học cuối cùng ta vẫn nghe thấy Moon light sonata bên tai mình. Phải chăng anh là Beethoven bên chiếc đàn bầu!

Nổi loạn

 Thật sự bây giờ sẽ hơi vội vàng khi nói về New Age vì ta nghe New Age không nhiều. Có thời gian ta gọi nó là healing music, đó là thời kỳ ta bật Ernesto Cortazar suốt cả ngày khiến mấy anh cùng phòng phải kêu lêu “Sao cái thứ nhạc đều đều thế này em nghe mãi không chán à?”. Ta đã nói rồi, ta không thích những bản nhạc quá dàn trải và miên man nhưng vì là healing nên ta cần những bản nhạc như thế cho ngọn sóng trong lòng bớt hung dữ.

Ông bạn họ Lưu ở Hòa Bình có lần bảo ta “Dạo này tôi chỉ có New Age”. Hồi đấy vẫn nghe “Beethoven’s Silence” hàng đêm nhưng đâu biết New Age là cái gì, ta gọi nó là “Healing Music” mà. Sau này thì đọc đâu đó thấy cái định nghĩa về New Age khá lằng nhằng, bao gồm nhiều lĩnh vực và bộ phận, chỉ nhớ được có mấy chủ đề về không gian và vũ trụ, môi trường và thiên nhiên, tính chân – thiện – mĩ, những giấc mơ, tâm linh và cuộc hành trình của tinh thần.

 Secret Garden là một ban nhạc của New Age mà nhiều người biết. Trong đó “Song from Secret Garden” là bản nhạc nổi tiếng nhất của họ. Đó là cuộc hành trình của tâm linh vào khu vườn bí mật, mỗi lần như vậy ta lại thấy mơ hồ giữa những âm thanh day dứt miên man. Tiếng piano chậm rãi như những chiếc lá vàng rơi xuống, tiếng violon da diết ngân nỗi buồn đến cực điểm, thế rồi bất chợt lại trở về những tiếng khẽ khàng, những bước chân thật nhẹ ở một khu vườn nào đó xa xôi.

 Ta vẫn bình thường cho đến khi nghe “Until the last moment” và “Marching Season” của nhà soạn nhạc tài ba người Hi Lạp Yanni. Nhạc của Yanni hoành tráng và kiêu sa, ông biết cách khai thác tối đa những tinh hoa của những nhạc cụ cổ Hi Lạp, điển hình là Santorini được biểu diễn trong lễ diễu hành ở Olympic Alanta 1996 hay “Acroyali”, “Within attraction” và “Marching Season”. Mặc dù “Until the last moment” và “Marching Season” là hòa tấu nhưng lần đầu ta nghe chỉ với cây đàn piano. Đó cũng là lúc ta nổi loạn, nổi loạn ngay từ “Until the last moment”. Ta cũng không hiểu tại sao, chỉ biết rằng cái tôi trong ta được đẩy lên, ta kiêu sa và thấy mình khác biệt với nhiều người khác. Ta không hề chán nản cuộc sống mà ngược lại ta yêu quí cuộc sống này. Cảm xúc này khiến ta sống với chính ta, với hò hét, vội vã, nóng vội, đôi khi ta trân trọng chị quét rác hàng ngày trò chuyện hơn là một vị tiến sĩ bệ vệ kênh kiệu nhưng rỗng tuếch. Ta trở nên ghét những thú vui tầm thường, ta cao sang nên muốn giấu mình nhưng lại căm phẫn khi thấy những giá trị giả dối được tuyên dương. Ta đã thề sẽ mặc kệ những tầm thường quanh mình nhưng ngược lại ta lại muốn đứng lên quét sạch chúng. Ta căm ghét cả chính ta, vì bản thân ta trong những tầm thường ấy, bản thân ta cũng rỗng tuếch như thế. New Age đã cho ta sự nổi loạn như thế.

Trở về

 Và bây giờ sau 11 tiếng từ lúc nghe kohai đánh đàn ta đã hoàn thành bài viết này. Sự nổi loạn đã nguội đi mấy phần. Ta bỗng nhận ra mình bé nhỏ, gù gật, xấu xí. Ta cũng nhận ra trời rất lạnh và bên ngoài mưa chưa dứt, bụng ta đói meo. Ta cũng nhận ra những án treo lơ lửng trước mặt cho sự lười biếng bấy lâu. Ta cũng nhận ra thật sự mình chẳng hiểu một cái gì cho nên hồn cả. Ta cố biến mình giống Howard Roark mà không nhận ra ta đâu đáng để so sánh với anh.

 Mệt rồi. Luận bàn cũng kết thúc. Ta cũng viết đủ dài để không ai có thể đọc được hết.
 Ngày mai, ngày kia, và sau này nữa ta vẫn sống.
 Như ta mà thôi,…