Saturday, January 4, 2014

Trên nóc nhà có tiếng chân người (phần 2) - Bao giờ cho đến tháng Mười

Tôi có thói quen viết những câu chuyện lúc mình bận rộn nhất. Cơm áo gạo tiền, học hành, việc này việc nọ, thôi thì tạm dẹp sang một bên. Đã bao lần vì viện cớ không có thời gian mà những câu chuyện cứ lần lượt đến rồi lại đi trong đầu. Viết cho ai, viết để làm gì, viết lúc nào - mà thời buổi này những câu chuyện đó sẽ tồn tại được bao lâu, thây kệ. Viết để cho thấy rằng trong đầu mình và trên đời này vẫn còn có những điều tốt đẹp. Không, đúng hơn là vẫn còn có nhiều điều tốt đẹp...

Hà Phương. 2013.11.19

Có lẽ bạn vẫn nhớ tôi là một cậu bé thích trèo lên nóc nhà người khác. Nếu nói tôi là tên trộm thì cũng đúng một phần, tôi trộm những câu chuyện của người khác để thành ký ức của mình. Và phần lớn những mảng ký ức ấy đều đến từ ngôi làng nhỏ xíu của tôi.

Có ai đó nói với tôi rằng: "Một ngôi làng là một đất nước thu nhỏ", tôi vặc lại "Không, đúng hơn đất nước là một cái làng phóng to". Làng nước - làng là khái niệm xuất hiện trước, có trải nghiệm những năm tháng ở cái đơn vị nhỏ bé, ngày ngày chạm mặt nhau ấy ta mới hiểu sự gắn bó nhiều khi không đến từ máu mủ ruột rà. Ai đó than "Phép vua thua lệ làng", ai đó hét lên "Tao phải đi khỏi cái làng này", ai đó lắc đầu "Cái làng mê muội lạc hậu" có lẽ cũng chỉ biểu hiện của sự "đau đáu" mà thôi. Trên đời này mấy khi người ta đau đáu về những cái to lớn đâu, người ta đau đáu về những cái nhỏ xíu bên cạnh mình, ngày ngày gặm nhấm mình.

Và chủ đề đau đáu của làng tôi dạo ấy là "chị Năm". Đó là một người phụ nữ "đẹp", các bà các chị trong làng thêm vào hai từ "lẳng lơ", “phò". Tôi là một đứa trẻ, sao hiểu được thế nào là "lẳng lơ" nhưng tôi biết từ còn lại, đó là một điều gì đó rất xấu xa với một người đàn bà, tôi nghe mẹ nói vậy. 

Ừ thì xấu xa nhưng chẳng ai có thể phủ nhận được chị Năm đẹp, cái đẹp mềm mại nhẫn nhịn và cam chịu. Nhà chị ở đầu làng, trồng hoa và cứ đến cuối tuần chị lại mang hoa lên thị trấn bán. Chị không có bà con thân thích ở làng tôi, và hình như chị là người miền Nam. Nói hình như là vì chẳng có ai biết rõ nguồn gốc của chị, chỉ biết chị đến làng ở, giọng nói nhẹ nhàng và ngọt ngào khác hẳn với những người phụ nữ quê tôi quanh năm chạy đôn chạy đáo làng trên xóm dưới cho nên giọng nói cũng đanh quánh và ráo hoảnh. Sau này gặp nhiều người con gái miền Nam, tôi biết chẳng phải họ không lo toan, chẳng phải họ không chạy đôn chạy đáo, chính sự mênh mông dàn trải của miệt vườn, của sông nước đã cho họ sự điềm tĩnh, ngọt ngào đến như vậy.

Bà tôi gọi đó là "sự ngọt ngào chết người”. Đáng chết người lắm, vì đàn ông trong làng cũng bị hút theo cái sự chết chóc ấy. Rồi chòng ghẹo, rồi lời ra tiếng vào, rồi vợ chồng hục hặc, rồi người ta xúi giục những đứa trẻ con như bọn tôi gieo rắc những lời độc địa và còn chết chóc hơn cả sự ngọt ngào. Mà trẻ con thì ham vui, chúng nó hò reo và cười nắc nẻ khi chế giễu người khác đâu cần biết nguyên nhân. 

Có lần chị bắt gặp tôi trong đám trẻ hát đồng dao ấy, chị chỉ nhìn tôi và nhẹ nhàng “Sao Đáy nỡ nói chị thế!” - câu nói ấy làm tôi rùng mình đến tận bây giờ khi nghĩ lại cái dáng người mảnh mai, đôi mắt cụp xuống, môi mấp máy và cổ họng như uất nghẹn khi gọi tên tôi. Trong đám trẻ con trong xóm chị biết tôi vì chị và mẹ hay nói chuyện ngoài chợ. Cũng có lẽ vì bố đi bộ đội xa nên mẹ mới “vô tư” mà nói chuyện với chị, vô tư mà bỏ qua bao con mắt dè bỉu của bao người đàn bà khác.

Có lần tôi thấy người ta lôi xềnh xệch chị ngoài chợ, mấy người đàn bà họ xúm vào cấu xé, còn chị  thì khóc lóc van xin. Mẹ tôi phải dùng đến hai cái đòn gánh mới dẹp được đám đông hỗn loạn ấy. Người mẹ mạnh mẽ của tôi đưa chị về nhà, lau rửa những vết thương, xếp lại đống hoa bị dập nát. Chị chỉ khóc, bà tôi ngồi cạnh chép miệng “Đàn bà đẹp khổ lắm con ơi!” 

Dần dần những người đàn ông trong làng cũng thôi không chòng ghẹo chị nữa, duy chỉ có một người hay qua lại ngôi nhà của chị. Đó là chú Phong, chú là thương binh của cuộc chiến tranh Tây Nam, và nếu như theo cách gọi của các chú bên xã thì đó là “phần tử bất trị”. Bất trị theo nghĩa chú ghét phải nói về chiến tranh, ghét phải tham gia kỷ niệm những ngày chiến thắng, ghét phải tham gia bất cứ tổ chức nào. Chú bảo với người khác, chiến tranh bản thân nó đã là tội ác, các ông đừng bắt tôi lôi nỗi đau của minh ra để tự hào.

Vậy mà chú Phong không ghét chị Năm, chí ít là không ghét đến nhà của chị, cuốc xới mấy luống hoa, sửa lại hàng rào, bậu cửa. Có lần về khuya tôi trèo lên nóc nhà chị, nghe thấy giọng nói của chú: “Năm hát cho anh nghe đi!”. 

“...Đường dù say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu…"

Tôi đoán không chỉ có tôi nghe thấy giọng hát của chị Năm. Mấy hôm sau người ta gọi chú Phong ra xã, kêu mất lập trường, chú đập bàn kêu “Lập trường cái m. các ông, cứ giỏi thì xông vào, các ông không để cho Năm yên đừng trách tôi.” Đấy là tôi nghe thằng Long kể lại vì bố nó làm bảo vệ ở xã, nó thêu dệt hay không tôi cũng chịu.

Nhưng có một điều hoàn toàn không thêu dệt là bụng chị Năm ngày càng to lên, tiếng bàn tán ngày càng nhiều. Chú Năm cũng không thấy qua nhà chị nữa. Làng tôi lại râm ran câu chuyện ai là bố đứa trẻ, những tiếng cãi vã và đập phá lại nổi lên, vài người hiền hơn thì nghe ngóng chờ đợi đứa trẻ ra đời sẽ giống ai.

Đứa trẻ ấy ra đời chỉ có bà, mẹ, tôi và chú Phong chào đón nó. Tôi không còn nhớ rõ cảm giác bế trên tay một sinh linh bé bỏng mới chào đời, vì tôi quá bất ngờ, bất ngờ vì đứa trẻ, bất ngờ vì ở bên chú Phong gục trên vai mẹ tôi mà khóc. Hệt như cái đêm chị Năm hát mấy câu lạ lùng.

Lạ lùng hôm nữa là vài hôm sau ở nhà chị Năm xuất hiện đám người lạ, họ đi xe con đời mới, có cả bác sĩ lẫn y tá mặc áo blouse trắng, có cả đám đông bặm trợn mà thằng Long bấm tay tôi “Xã hội đen đấy mày đừng đụng vào”. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy có một người đàn bà ăn mặc sang trọng, dúi vào tay chị một bọc gì lớn lắm, rồi giằng đứa bé đưa cho cô y tá. Chị tần ngần rồi quẳng bọc đó đi, gào thét điên dại giành lại đứa bé. Chẳng mất mấy công sức người ta có thể đẩy chị ra, nhưng tiếng thét của chị khiến người trong làng đổ đến rất nhanh mặc dù không ai dám vào can ngăn vì cái đám đông bặm trợn ấy đang án ngữ ở sân. 

Tôi chạy đi gọi chú Phong, chú nghe tin nhảy bổ ra xông thẳng vào kêu lên “Bỏ con tao ra ngay”. Đám đông bặm trợn xông vào, chú đá văng từng thằng một. Duy có tên đầu sỏ râu quai nón nãy giờ đứng ngoài quan sát giờ mới nhảy ra, hắn ém người lại hai bàn tay chụm lại như giống hổ vồ mồi đi vòng quanh. Chú Phong vén tay áo lên để lộ vết sẹo sâu hoắm nơi bả vai chuẩn bị thủ thế thì đột nhiên đối phương của chú khựng lại: “Trời ơi, anh Phong, em Tư bèm đây” - hắn kêu lên bằng giọng miền Tây đặc sệt. Chú Phong cũng lắp bắp: “Tư bèm, sao..sao… mày ở đây”. “Em sẽ kể sau, em đã đành, sao anh giờ cũng đến nông nỗi này, em đã ngờ ngợ nhưng nếu không có vết sẹo em đã bị anh đánh chết rồi”. Dân làng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Tư bèm - tên đầu sỏ vội ngoắc tay ra hiệu đàn em rút lui, quay lại gằn giọng với người đàn bà sang trọng kia “Tui không làm việc này đâu, để lại đứa trẻ và về ngay không thì đừng trách thằng Tư này”.

Đám đông vội kéo đi nhanh như họ đến, và cũng chỉ còn lại bà, mẹ, tôi và chú Phong ở nhà chị Năm. Chị Năm ôm đứa trẻ khóc, chú Phong ngồi bậu cửa ưu tư, mẹ tôi chửi đổng quân mất dạy nào đó, còn bà tôi chép miệng: “Đàn bà đẹp khổ lắm con ơi!”

Đêm đó tôi lại leo lên nóc nhà chị, thấy ánh đèn le lói và chú Phong ngồi như hoá đá ở giữa nhà. 

- Phải đi thôi Năm
- Nhưng đi đâu bây giờ anh Phong.
- Đi vào trong kia, chỗ nào có thể nuôi được đứa trẻ.

Sự im lặng đáng sợ bao trùm một lúc lâu. Chợt chị Năm nói nhỏ: “Anh có nghe thấy trên nóc nhà có tiếng chi không? “ - “Ừ có, nghe như có tiếng chân người”

Bị phát hiện, tôi trườn xuống và chạy một mạch về nhà đắp chăn ngủ dù trong đầu còn một mớ hỗn độn. Sau đêm đó tôi bị sốt li bì, trong cơn mê thấy có ai như chị Năm rờ tay lên đầu, bàn tay mát lạnh. Chú Phong đứng cạnh cười, mẹ tôi ôm đứa trẻ sụt sịt, bà tôi thì cầm tay chị chép miệng “Tay lạnh thì ấm lòng”. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe thấy tiếng của chị Năm và chú Phong. Khi ốm dậy mẹ tôi bảo chú Phong và chị Năm đã đi từ tối hôm đầu tiên tôi đổ bệnh.

…......

Những năm về sau khi đã là một chàng trai trưởng thành,  vào Sài Gòn tôi tình cờ gặp lại chú Tư “bèm”, mà cái sự tình cờ với cuộc đời của chú cũng là một câu chuyện dài. Tôi hỏi có biết gì về chú Phong và chị Năm không. Chú bảo biết rõ, rất rõ là đằng khác. Đứa trẻ cũng sắp thành thiếu nữ rồi, đẹp y mẹ nó. Tôi đánh bạo hỏi có giống chú Phong không. Chú nhìn tôi và hỏi lại “Vậy cả làng mi không biết chiến tranh lấy đi của anh Phong cái gì sao.” Vậy sao, tôi nhờ chú nhắn cho chú Phong và chị Năm, rằng hãy liên lạc với thằng Đáy này, rằng hãy một lần về thăm quê, rằng làng mình khác xưa rồi, rằng bà và mẹ vẫn mong 3 người như xưa, rằng ngày xưa thăng Đáy thường nghe trộm “Dạ cổ Hoài Lang” của chị Năm mà đến giờ nó mới biết dư chừng như thế.

Rằng còn nhiều chuyện trên nóc nhà lắm…!

…….

Hôm nọ tôi nhận được thư của chú Phong, trong đó có câu thơ như thế này, mạn phép chú lấy làm tựa đề cho câu chuyện của tôi:

Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão

Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát hi sinh, khổ đau, chịu đựng


Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu…

Chẳng biết thơ của chú hay của ai nữa.

Tokyo. 2014. 01. 04





No comments:

Post a Comment