Monday, May 12, 2014

Đất nước những năm không còn buồn?

Trong tuần vừa qua cả dân tộc hướng về biển Đông, nơi đầu sóng ngọn gió với chủ quyền dân tộc thiêng liêng đang bị xâm phạm. Có thể nói Việt Nam đang bị mắc kẹt trong mưu mô xảo quyệt của Trung Quốc. Kế hoạch gặm nhấm hao mòn đang chuyển sang bước ngoặt mới đánh dấu một thời điểm nhạy cảm cho không chỉ vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà là sự thay đổi tự thân bên trong lòng đất nước ta. Vậy lối thoát nào cho chúng ta ? 

Việt Nam đang bị lâm vào thế yếu?

Trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc hiện nay chúng ta đều đang lâm vào thế bị động, thế yếu. Kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (thương mại với Trung Quốc chiếm gần 1/5 tổng thương mại của Việt Nam) trong khi Việt Nam chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 1%) trong  số gần 4 nghìn tỉ đô thương mại của Trung Quốc. Những con số đó đã nói lên một điều, bất kỳ một biện pháp nào về kinh tế nhằm ngăn chặn Trung Quốc thì bên chịu thiệt sẽ là Việt Nam.

Kinh tế là vậy, về mặt quân sự đã tỏ ra quá chênh lệch. Hãy nhìn chiếc tàu 12 tỉ mới bàn giao cho cảnh sát biển VN, có lẽ chỉ bẳng khoảng 1/3 so với tàu coast guard của Trung Quốc. Thời đại bây giờ không giống như cách đây 35 năm trong cuộc chiến tranh biên giới khi chúng ta dùng sức người để chặn bước xâm lược của Trung Quốc, giờ là thời đại của sức mạnh quân sự hạng nặng, cuộc chiến không cân sức này sẽ còn đem lại tổn hại nặng nề hơn cả cuộc chiến tranh biên giới xưa kia. Còn đàm phán ư? Chúng ta liệu có gì để hấp dẫn Trung Quốc hơn biển Đông?

Cộng đồng thế giới có thật sự ủng hộ Việt Nam?

Trước sự căng thẳng ở biển Đông, cộng đồng thế giới ít nhiều đã có những lên phát biểu quan trọng trực diện vào tình hình hiện nay. Tuy nhiên duy nhất chỉ có Nhật Bản là lên án mạnh mẽ nhất hành động trắng trợn của Trung Quốc (có lẽ do họ cũng lâm vào cảnh giống ta), Nga và EU thì im lặng (họ còn đang đau đầu với Ukraine) , Hàn Quốc vào hùa với Trung Quốc, Mĩ và LHQ thì bày tỏ "quan ngại sâu sắc" nhưng những phát biểu của họ chỉ vừa đủ để không làm "phật lòng" Trung Quốc. Còn Asean thì sao, ngoại trừ Philipine đang trực tiếp xung đột với Trung Quốc thì không một nước nào "dại dột" gây mếch lòng "anh bạn lớn" đấy cả. Thậm chí ngay khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, Trung Quốc còn hứa hẹn giúp đỡ hiện đại hoá quân đội Campuchia - đất nước ngay sát nách Việt Nam đang chuyển sang nương nhờ "anh bạn lớn".

Nếu nói VN được sự ủng hộ, có lẽ sự ủng hộ lớn nhất đó đến từ nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, lên án trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó không đem lại một sức ép đáng kể nào tới Trung Quốc.

Nếu cần một thế lực có thể tương trợ Việt Nam, trong thời điểm này chỉ có thể là Nga hoặc Mĩ. Nhưng hãy nhìn cách mà Nga im lặng trong bối cảnh cần sự ủng hộ và "lơ" đi của Trung Quốc tại Ukraine, hay sự "quan ngại sâu sắc" và những tiếng nói không mấy trọng lượng của các nghị sĩ Mĩ. Rõ ràng tuy Việt Nam là con bài chiến lược của Mĩ trong sự ổn định và lãnh đạo châu Á nhưng chưa đủ để hy sinh mối lợi ích và thăng bằng với Trung Quốc.

Tại sao Việt Nam đang bị cô lập ?

Chúng ta đang bị cô lập vì hai lý do. Lý do thứ nhất đến từ những phản ứng của Việt Nam với các xung đột trong khu vực liên quan đến Trung Quốc. Bãi cạn Scarborough, quần đảo Senkaku, ... những phản ứng chỉ dừng ở mức độ "kêu gọi các bên kiềm chế" hay "quan ngại sâu sắc" mà chưa kịp tính đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ nhận được các phản ứng tương tự như thế khi vấn đề nổi lên ở biển Đông.

Lý do thứ hai, đó là chúng ta "đã, đang và vẫn" được coi là "đồng minh" của Trung Quốc. Mĩ, EU
và Nhật không bao giờ coi Việt Nam là đồng minh khi còn những mâu thuẫn về vấn đề nhân quyền, sự khác biệt về thể chế chính chị và ý thức hệ. Nó giống như chuyện dân trong một ngôi làng đánh nhau, dân làng khác ngó vào và xuýt xoa nhưng họ không can thiệp vì đó không phải là chuyện làng mình. Buộc phải chung ý thức hệ và tư tưởng với Trung Quốc vô hình chung khiến Việt Nam đang bị cô lập với thế giới.

Trung Quốc "muốn" và "sợ" gì ở Việt Nam?

Với sự phát triển mạnh về công nghiệp và quá trình đô thị hoá nhanh chóng, Trung Quốc đang đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng, nhất là khí đốt. Để có thể cân bằng với nguồn khí đốt dồi dào của Nga và Mĩ, Trung Quốc buộc phải tìm mọi cách khai thác và mở rộng lãnh thổ mình một cách triệt để. Và rõ ràng Việt Nam không nằm ngoài mà là quan trọng bậc nhất trong kế hoạch bành trướng đó.

Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định về kinh tế nhưng phải là một cậu em ngoan biết phục tùng và nghe lời. Trị được Việt Nam đồng nghĩa với việc cả Đông Nam Á sẽ nằm trong tay cờ của Trung Quốc. Trung Quốc không muốn Việt Nam trở thành "sân sau" của một nước lớn khác cho nên sẽ không bao giờ làm quá tay. Thủ đoạn của Trung Quốc là khiến Việt Nam phải mệt mỏi đối phó mà buông biển Đông. 

Vậy Trung Quốc đang "sợ" gì ở Việt Nam? Thứ nhất Trung Quốc đang sợ một cuộc chiến, dù đó là một cuộc chiến không cân sức nhưng nó sẽ góp phần đẩy Việt Nam ra xa Trung Quốc, gây sự bất ổn trong khu vực và nội địa, sẽ làm giảm sút vị thế của Trung Quốc tại thế giới. Tuy nhiên có lẽ nỗi sợ này chỉ dừng ở mức độ "e ngại" mà thôi.

Thứ hai, Trung Quốc đang sợ Việt Nam thay đổi về thể chế. Một khi Việt Nam thay đổi thế chế chính trị và cơ chế quản lý, đó sẽ là tiền đề đề Việt Nam thoát khỏi thế cô lập, có thêm đồng minh trên thế giới và trực tiếp gây nguy hiểm đến ý thức hệ mà Trung Quốc đang cố gắng mở rộng. 

Lối thoát nào cho chúng ta?

Hãy tạm lắng xuống một quá khứ hào hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bởi vì bắt đầu một cuộc chiến thì luôn dễ dàng hơn kết thúc nó (điều đó không có nghĩa chúng ta không sử dụng biện pháp cuối cùng này). Nhưng điều quan trọng hơn bây giờ là tăng cường nội lực để đủ sức chống chọi với bất kỳ thế lực nào. Những tấm gương về sự tự thân vận động tăng cường nội lực như Nhật Bản (cải cách Minh Trị), Israel ( thời kỳ phục quốc sau thế chiến ) có lẽ sẽ đem lại bài học lớn cho chúng ta. Hãy xem cái cách cả thế giới Ả rập phải dè chừng Isarel, hay sự tự do tự tại của Nhật ở châu Á, đó mới chính là đích đến của một nhà nước Việt Nam vững mạnh.

Để đạt được điều đó, trước hết thể chế và cơ chế quản lý phải thay đổi. Không còn những con người rệu rã ăn bám vào cơ chế, không còn sự bòn rút ăn bớt chỗ này chỗ kia, không còn cảnh ụ nổi mua về ngâm cho han gỉ mà cảnh sát biển không có tàu tuần tra, cũng không có những bài thơ của quan chức được đọc trong tù nhưng vẫn được tán dương mà không có một chút xấu hổ.

Đó sẽ là một đất nước mà buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường thấy mọi người tươi vui không sợ tai hoạ trên "trời" giáng xuống, trẻ em đến trường không làm cho tâm hồn thêm vẩn đục, vào bênh viện không phải nằm ra sàn, bộ trưởng không phải rơi nước mắt năm lần bảy lượt, nhà khoa học không phải kiện nhau vì miếng cơm manh áo. Sức mạnh của đất nước không nằm ở vị thế giả tạo hão huyền, nó nằm trong nội lực về kinh tế, sự chân thành trong các mối quan hệ,  sự chia sẻ của cộng động và nỗ lực của từng cá nhân.

Đã sinh ra là người Việt Nam, chịu sự o ép của ngoại bang thì phải biết cách nỗ lực gấp 3, gấp 5 các dân tộc khác. Để đến đời con cháu chúng ta sống một cuộc đời ung dung tự tại, ngước mắt tin yêu mọi người và những giọt nước mắt nhỏ xuống vì hạnh phúc chứ không phải vì xấu hổ!!!

Đất nước những năm không còn buồn

Đất nước những năm không còn buồn
Nửa đêm thức dậy
Ngày mai sẽ là một ngày mai tốt lành
Mỉm cười nhớ con cá hanh ngày nào bơi trên sông vắng
Nay đã gặp một đàn cá hanh khác
Không còn bơi trong vội vàng và sợ hãi
Chợt nhớ mùa đông không còn hoa sữa
Nhưng những ngọn lửa vô hình chưa kịp đặt tên
Chưa bao giờ biết nhạt phai

Em có yêu chốn này không
Ngã tư xà cừ rụng lá
Gió thổi xào xạc trong rặng tre
Con gà gáy hiên ngang ban sớm
Em hứng những giọt sương
Gánh hàng hoa ra giữa chợ
Bỏ đông lại bơ vơ
Có cô bé nhỏ nhà bên
Thương mùa đông loáng ánh nhìn

Ngủ đi ta
Đêm mơ những giấc mơ an lành
Những vết thương liền da
Những ban mai xanh biếc
Dắt con đi trên cánh đồng cổ tích 
Đến chân trời hôm nay mới biết
Thơm ngát hương lúa
Hương biển
Phù sa
Đàn cò trắng bay về trong hoàng hôn tối sẫm
Tiếng ai đùa, ai hát và khói bay
À ơi mẹ gọi ta về
Ngủ đi con
Ngày mai
Đất nước mình
Không còn buồn như ngày hôm qua...

Hà Phương. Tokyo. 2014.05.13