Thursday, August 28, 2014

Chỉ toàn là trẻ con

Mẹ đang lúi húi băm rau bèo chợt thấy Than đạp xe về, nước chảy ròng ròng từ áo xuống. "Ơ hay, mày bị làm sao thế." "Con bị ngã xuống mương" - Than trả lời. "Mày thay rồi đi học ngay cho tao. Con với cái, đi cái xe đạp cũng không xong". Bị mẹ mắng nhưng Than chỉ lặng lẽ đi vào nhà trong, miệng vẫn tủm tỉm cười. Chả là nó đạp xe đi học qua quán nước đầu làng, đi qua một đoạn nhưng vẫn nghe được mấy người chỉ trỏ: "Đấy thằng Than đấy, cả làng này không ai gặp được nhiều người nổi tiếng như nó đâu". Nghe xong mà sướng cái bụng, đang nhe răng cười thì thấy loạng choạng rồi ùm một cái cả người và xe đều phi xuống mương.

Nó sướng là phải, ở làng này nó cứ luôn phải so đo độ danh tiếng với thằng Đáy - chuyên gia leo trèo và đánh cắp những câu chuyện từ trên nóc nhà. Thằng Đáy thì suốt ngày chỉ quanh quẩn với cây cối, đỉnh nóc, còn nó, nó đã có biết bao lần được gặp những người nổi tiếng bằng da bằng thịt nên tự hào là phải. Tự hào kiểu như:

" Anh Than, hôm qua anh gặp ca sĩ Mỹ Linh hử?"
" Ờ thì sao, cả Hồng Nhung với Huy Tuấn nữa !"
" Trông ở ngoài thế nào anh. "
" Thì cũng thường thôi, tao đi ngang qua Nhà Hát Lớn thì thấy cái ô tô xịch trước cổng, rồi Huy Tuấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung bước xuống. Mỹ Linh, Hồng Nhung trông bé như cái kẹo, còn Huy Tuấn trông đầu gấu phết. Tao định chào câu nhưng có việc nên phải đi ngay."
" Thế mà anh không bắt tay một cái. "
" Hơi đâu, rỗi việc chắc."
" Anh Than thích thật, còn đi công tác ở Nhà Hát Lớn nữa."

Đấy, kiểu như thế, nhưng tuyệt nhiên không có một chút hư cấu. Nó lên Hà Nội chơi với chị Thơm, tối đi mua sách rồi tình cờ gặp, bận đến nỗi còn không kịp chào ba người ấy.

Và cái duyên với người nổi tiếng của nó cũng thật li kỳ. Lần đầu tiên nó gặp một người nổi tiếng là năm 7 tuổi, trường cấp 3 huyện mời nhà thơ Trần Đăng Khoa về nói chuyện, nó theo đuôi mấy anh chị học cấp 3 cùng làng đến xem. 7 tuổi, nó nhớ lắm mấy câu "Sao không về hở chó, Vàng ơi là Vàng ơi", vì nó cũng có một con chó Vàng bị bọn trộm bắt mất. Cái thời ông Trần Đăng Khoa, chắc người ta cũng thích ăn thịt chó, thời nào cũng vậy nhỉ, chỉ tội cho mấy đứa trẻ cứ phải chờ vàng mắt thổn thức "Sao không về hở chó..." mà thôi.

Lúc nhìn thấy Trần Đăng Khoa nó cũng phải dụi mắt vài cái. Nhà thơ nổi tiếng, thần đồng đây sao, trông chả khác nào bác Nông cạnh nhà nó chuyên đi cất vó, da đen sạm, thấp và phần thân thì to bè ra. Nhưng nhà thơ nói chuyện có khác, nó chẳng hiểu gì, chỉ biết cả một sân trường gần nghìn học sinh im phăng phắc, nhà thơ vừa dứt lời, tiếng vỗ tay rần rần nổi lên, các thầy cô giáo mặt đỏ tưng bừng, có cô giáo trẻ còn lấy khăn mùi xoa lau lau nước mắt. Cuối buổi nhà thơ ra câu đố, đố em học sinh nào đọc được bài thơ 2 khổ mà mỗi khổ nằm trong một bài thơ khác nhau của một tác giả khác nhau, em nào đọc được nhà thơ sẽ thưởng cho hai trăm đô la Mĩ. Hồi đó nó bảo với mấy chị ngồi cạnh, đô la mà cũng thưởng, em đi đánh thắng bọn nó đầy nhà đây này. Mấy chị cười rũ rượi "Than ơi là than, không phải đô la giấy đâu. Một đô la Mỹ mua được 20 quyển vở cho em cơ." Ơ, hay nhỉ, lần đầu tiên nó biết làm nhà thơ cũng không nghèo lắm, đọc thơ cũng có tiền, và thế là từ đấy nhờ người nổi tiếng - tức nhà thơ Trần Đăng Khoa, thằng Than cũng bắt đầu tập toẹ làm thơ.

Kiểu như
" Trai tài đánh dậm đùi đen kít
 Gái đảm mò cua háng mốc meo  "

"Toàn mấy câu nhố nhăng bậy bạ" - đó là câu cửa miệng của mẹ nó mỗi khi nó nổi hứng đọc thơ.

Sau lần đó, duyên của nó bắt đầu phát, lúc thì gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo  thăm bạn cũ, lúc thì gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, lúc gặp anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ, ca sĩ Quang Linh,..và có lần còn được bắt tay cả bộ trưởng nữa, ghê không?

Đó là lần nó lên nhận thưởng ở tỉnh, giải to lắm, to đến nỗi bố nó phải đi khao cả xóm. Trước hôm đi mấy hôm, mẹ dẫn nó lên phố huyện may cho cái áo mới trắng tinh, sắm một đôi dép tổ ong cũng trắng tinh còn thơm mùi nhựa. Nó chẳng dám mặc, thỉnh thoảng đem ra gấp rồi vuốt ve chờ ngày diện lên người lĩnh thưởng. Và ngày ấy cũng đến, lúc lên nhận giải, nó rút từ trong cặp ra đôi dép mới rồi xỏ vào thay đôi cũ, nó tự hào lắm, áo trắng tinh, dép tổ ong cũng trắng tinh, chỉ có khăn quàng là đỏ thắm. Người ta gọi tên, nó bước lên trước, ông bộ trưởng chậm rãi bước sau, rồi bắt tay, rồi trao bằng, hồ hởi mặt sáng bừng. Đột nhiên nó cúi đầu xuống nhìn đôi dép tổ ong, một vệt đen quệt lên viền dép trắng, đứng bên cạnh là đôi giày đen bóng của ông bộ trưởng đang vỗ tay cười tươi. Nó nhìn xuống dưới thấy ở đây có rất nhiều người lớn đang vỗ tay, đang cười, ai cũng đi giày đen bóng chả thấy có ai đi dép tổ ong cả. Nó buồn lắm và nghĩ, cả làng mình ai cũng đi dép tổ ong, vậy sẽ chẳng có ai thành người nổi tiếng sao?

Mà thôi, nhắc chuyện dép tổ ong và đôi giày của ông bộ trưởng làm gì, chuyện đó đã rất lâu rồi. Hôm nay mẹ thằng Than còn thấy chuyện lạ hơn. Than đi học về nhà chìa ra cho mẹ xem tấm ảnh hỏi:

" Mẹ có biết ai đây không?"
" Ai, thầy giáo cắm bản với bọn trẻ con chứ ai?"
" Không, giáo sư Ngô Bảo Châu đấy mẹ ạ"
" Ông Ngô Bảo Châu đạt giải gì to lắm mà bố mày mua bia về đãi hàng xóm đấy hử?"
" Vâng!"
" Thế ông ấy làm gì ở trên miền núi"
" Mẹ thì biết sao được."

Nói rồi Than lặng lẽ vào trong buồng ngồi bên bàn học, nó nhìn mãi bức ảnh ông giáo sư toán học dạy đếm cho mấy đứa lít nhít chỉ mong mỗi bữa cơm có một miếng thịt. Điều đặc biệt hơn, ông giáo sư ấy không giống như ông bộ trưởng với đôi giày đen bóng kia, ông giáo sư đi đôi dép tổ ong trắng tinh, như thằng Than ngày nào. Thế rồi, nó ngồi viết câu chuyện này nước mắt lã chã rơi, câu đầu tiên mà nó viết lên giấy là:

TRỜI SINH RA TRƯỚC NHẤT
CHỈ TOÀN LÀ TRẺ CON...

Và đây là nguồn gốc bức ảnh mà thằng Than lên tận phố huyện in về cho mẹ xem
https://www.facebook.com/comcothit

Tokyo. 2014.08.28







Truyện ngắn tũn (3)

Viết những câu chuyện dài rất khó vì phải viết sao cho logic, cho thật nhất. Ngược lại viết những câu chuyện ngắn "tũn" dễ hơn vì ta thường thấy hàng ngày, có khi chỉ là một cái cười ý nhị, một cái quắc mắt, một chiếc quang gánh ... cũng thành câu chuyện. Và luyện thói quen viết càng ngắn càng tốt càng dễ đọc và nhớ lâu...

1. Vàng ơi là Vàng ơi...

"Lão Hạc đứng nhìn con Vàng bị người ta tóm lấy hai cẳng và dốc ngược lên. Vàng khôn lắm, nó cứ nằm im và ư ử như trách lão, như cam chịu cho số phận của mình. Trong xã hội thực dân phong kiến đó, những người như lão Hạc đã bị dồn xuống đáy của xã hội, bị cướp đi phần hồn của một con người. Ta xót thương cho thân phận lão Hạc, xót thương cho thân phận Vàng - con vật trung thành với con người ngay cả khi sinh mệnh của nó bị đe doạ".

Cô vừa dứt lời thì tiếng trống điểm tiết học kết thúc. Cho học sinh ra về, cô cũng vội vã bước nhanh ra khỏi lớp. Dưới sân trường đã thấy vài thầy cô khác đứng đợi sẵn ở đó. Chả là hôm qua đại hội công đoàn nhưng về muộn quá cả trường chưa kịp liên hoan. Vừa nhìn thấy thầy hiệu trưởng cô vồn vã: "Hôm nay sếp cho đi liên hoan ở quán anh Tư là chuẩn nhất đấy ạ. Trời mát thế này ăn thịt chó là hợp nhất rồi." Nói rồi cô cười rất tươi, chẳng để ý đến đám học sinh gần đó đang quay lại nhìn...

2. Ở chùa

Sư thầy về chùa xã đã được hơn 5 năm. Trong 5 năm ấy, nghe đâu sư thầy vận động được nhiều người giàu có máu mặt đồ tiền vào công đức nên diện mạo của chùa thay đổi chóng mặt, khang trang, hoành tráng hơn hẳn. Hồi mới về sư thầy chỉ có con wave tàu, nay đã có ô tô và lái xe riêng cho nhà chùa. Thỉnh thoảng sư thầy bảo lái xe chở về quê, lúc thì đám cưới em trai, lúc thì giỗ họ, khánh thành nhà thờ, trọng vọng lắm.

Có lần thằng Than vào xin bát hương của ông nó, thấy sư thầy đang ngồi ăn cơm với một thằng bé lạ hoắc khoảng 7-8 tuổi. Than đánh bạo hỏi "Đứa bé này là ai vậy thầy?". Sư thầy bảo: "Đây là chú tiểu nhỏ của chùa ta".

Từ đó Than thấy thằng bé thường xuyên hơn, sư thầy đã xin chính quyền cho nó được ở chùa và học tiếp. Sáng nào nó cũng dậy sớm quét lá, thỉnh thoảng đọc to mấy câu kinh, sư thầy thấy thế thì mừng lắm cho là thằng bé đã "giác ngộ”.

Đột nhiên có một hôm có ba bốn anh công an vào đưa thầy đi đâu đó, một tháng sau người ta lại đưa một sư thầy khác về làm trụ trì. Dân trong xã bắt đầu xì xào, sư cũng tham ô, tham ô thế này thì Phật quật cho chết. Sư thầy mới ban đầu đi dream nhưng nghe xì xào về trụ trì cũ đành đổi sang wave tàu đi cho thanh bạch. Chùa lại đông đúc phật tử máu mặt như xưa.

Có điều không ai biết thằng bé kia đã đi đâu, thằng Than đành dò hỏi bà cụ đun nước trong chùa. Cụ bảo hôm bị đưa đi, sư thầy chỉ xoa đầu thằng bé và gật đầu. Đêm đó bà cụ nghe trong điện lầm rầm có tiếng đọc kinh, sáng ra thì không thấy thằng bé đâu nữa.

Dân trong xã còn ối việc để bàn tán huống chi chỉ là một thằng bé quét lá trong chùa nên chả ai để ý đến. Riêng Than, nó chỉ nhớ mãi lần nhìn thấy sư thầy và thằng bé ngồi thiền, ánh chiều vàng phủ xuống kỳ quái. Trong đầu Than chợt vẳng lên tiếng sư thầy “Đây là chú tiểu nhỏ của chùa ta”.

Có ai biết ở đâu có còn ngôi chùa cho chú tiểu nhỏ nương nhờ cửa Phật hay không?

3. Làm anh

“Mày làm anh mà còn ngu thế hả Tít. Mày đâu rồi về ngay đây” - Tít nghe tiếng mẹ vội chạy vội ra nấp ở đống rạ sau vườn. Khổ thật, từ khi có đứa em nó bị mắng cũng nhiều hơn. Lúc nào bố mẹ cũng lôi lý do “lớn rồi, làm anh không được thế” mà bắt tội nó. Ở trường cũng vậy, cô giáo  bắt quả tang nó quay bài cái Hạ ngồi cạnh cũng bắt nó viết bản kiểm điểm và mắng nó có em rồi mà không gương mẫu trong học tập. Tự nhiên nó thấy cái ông gì viết bài “Làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa” sao đúng thế. Tít tự thấy mình làm anh thật thiệt thòi, làm anh thật chết tiệt.

Thế rồi Tít mang đủ cái thiệt thòi và chết tiệt đó lên cấp 2, cấp 3, rồi vào đại học. Thỉnh thoảng Tít phải chạy đôn chạy đáo vì việc đứa em, và vì bố mẹ bảo “Mày lớn rồi phải lo cho em” là nó lại lầm bầm: “Làm anh thật chết tiệt”.

Tít ra trường, đi làm rồi lấy vợ, lên chức, cũng lâu rồi người ta không gọi nó là “thằng Tít” nữa, mà luôn là “anh” rất ngọt và nhẹ. Có lần đối tác làm ăn chiêu đãi nó ở nhà hàng rất sang, bắt tay nó rất chặt với phong bì dày cộp kèm theo câu nói “nhờ cả vào anh". Nó tần ngần rồi cầm cái phong bì ném xoẹt xuống bàn, buông ra một câu hằn học  “Anh cái chết tiệt nhà ông”. Rồi nó đùng đùng bỏ về, để lại đối tác ngẩn tò te chẳng hiểu đã xưng hô phạm huý gì.

Trên đường về Tít nghĩ bụng không biết kể chuyện này có bị mẹ nó mắng “mày làm anh mà còn ngu thế hả Tít” không. Rồi nó cười, “Làm anh thật khó, nhưng mà thật vui…”. Chả biết nó nói "làm anh” nào…!

4. Kịch đời

Trong phim Hoa cỏ may có đoạn cô con dâu có chồng chết, bà mẹ chồng ngày thường cay nghiệt nhưng nhìn cảnh con dâu vò võ cũng mủi lòng. Bà đành bịa ra câu chuyện từng có ý định trốn khỏi nhà chồng để cô con dâu thêm dũng cảm mà bỏ đi với người cô yêu.

Tóm tắt là như vậy, và các khán giả đều khen bà mẹ già biết hi sinh, ai cũng cầu chúc cho cô con dâu được hạnh phúc như là cái kết có hậu của một câu chuyện nhân văn. Nhưng tiếc thay, phim thì vẫn chưa hết, đoạn sau đó là cảnh hai bà cháu rau cháo nuôi nhau, thằng con dáo dác đi tìm mẹ, bà nội già đổ bệnh, dân làng xì xào hắt hủi nhà có đứa theo giai, làm nó phải bươn chải lên thành phố kiếm sống.

Vẫn biết chỉ là trên phim người ta cố tạo dựng cái tình huống cay nghiệt như vậy để tăng tính hấp dẫn nhưng trong cuộc sống người ta cũng rất hay chọn những tình huống hấp dẫn để dựng phim cuộc đời mình.

Nhưng giả dụ như đoạn phim kia người xem có ca tụng và thấy hấp dẫn đi chăng nữa thì những nhân vật trong bộ phim đó sẽ nghĩ gì. Cô con dâu bỏ đi rồi liệu có sống yên ổn mà không canh cánh về đứa con và bà mẹ chồng cô bỏ lại. Bà mẹ chồng già kia liệu có thấy an lòng khi để con dâu của bà ra đi, bỏ mặc đứa cháu bà bơ vơ không mẹ. Và đứa con, khi lớn lên nó sẽ nghĩ thế nào về mẹ nó, người đã bỏ nó lại, coi thường thứ mà bà ta vẫn luôn nói là quý giá nhất trong đời.

Nếu bạn đã từng nghe ai nói cuộc sống là một vở kịch, một bộ phim thì bạn có thể thẳng thừng mà bác lại “Không, cuộc sống của tôi không phải để cho ai xem, tôi không phải cố tạo ra tình huống hấp dẫn nào đó để cho người ta ca ngợi”.

Nếu trả lời như vậy thì có lẽ tôi sẽ rất vui mừng gửi cho bạn những câu chuyện “ngắn tũn” như thế này. Và bạn cũng có thể như tôi, có thể viết những câu chuyện “ngắn tũn” cho mình chứ không phải cho ai khác.

Hà Phương
Tokyo. 2014/8/12