Wednesday, February 4, 2015

Hồn đình




 Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng có hai tuỳ bút rất hay về đình làng "Một mình làm cả cái đình" và "Yêu cái đình làng". Tiếc là không phải người con quê hương nào cũng đau đáu như những người bạn của nhà văn cũng như không phải nơi đâu cũng may mắn như đình làng Phan Long.Đình là nơi cất giữ hồn làng, biểu tượng của sợi dây văn hoá gắn kết cộng đồng làng xã, khi đình làng bị lãng quên cũng là lúc những nét làng, nét xóm ấy lụi tàn nhanh hơn bao giờ hết. Cũng giống như ở thành phố bạn sẽ nhớ mãi hàng cây toả bóng mát thưở đạp xe đến trường cùng bạn bè mà mỗi lần đi qua nó những kỷ niệm của thời quỷ tha ma bắt ấy hiện lên rõ mồn một. Bất chợt có một ngày hàng cây biến mất bạn sẽ nuối tiếc hẫng hụt như đánh rơi cả tháng năm tuổi trẻ, những mảng ký ức theo đó rụng dần cho dù sau này bạn có cố lục lại trí nhớ của mình sâu đến thế nào chăng nữa.

Những đứa trẻ ở quê lớn lên với thiên nhiên là đồng lúa, vườn cây, dòng sông nhưng chúng tiếp thu văn hoá của làng xã, của ông bà cha mẹ qua đình làng. Trưa hè hẹn nhau ra sân đình chơi ô quan đánh đáo, tối trung thu rước đèn ông sao hay những đêm tập văn nghệ mừng quốc khánh cãi nhau khóc lóc inh ỏi góc đình. Chúng sẽ nhớ khi nào hội đình, nhớ tích thành hoàng làng, nhớ đoàn chèo về diễn, nhớ vị bánh giày, bánh oản trên mâm cúng bà lấy phần về ngon tuyệt khác xa với đống bánh kẹo ê hề ngoài quán xá. Chúng sẽ nhớ tất cả những nét làng ấy để có dịp lên mặt kể với bọn trẻ thành phố há miệng nghe mắt tròn mắt dẹt.

Vậy mà trên khắp đất nước này đình làng không còn được coi trọng đúng với giá trị của nó. Không có một thống kê hoàn chỉnh nào nhưng dường như những đứa trẻ lớn lên từ thôn quê bắt đầu quen với việc không biết nơi mình sinh ra từng có một cái đình. Đình làng cứ thế, bị thời gian gặm nhấm, bị quăng quật vào nhịp mưu sinh của con người, để rồi thoáng qua người ta sẽ chép miệng: "Ôi chao, cuộc sống ấy mà!"

Quê ngoại tôi ở làng Phù Tinh có lẽ cũng từng có một ngôi đình chứa chan hồn làng. Đình được xây từ đời Trần, mẹ tôi kể hồi còn nhỏ mỗi lần đi qua cổng đình sừng sững có ông Thiện, ông Ác hai bên thường phải co rúm lại không dám nhìn vào ông Ác. Trong đình có nhiều phiến đá to như cái phản, trên có khắc chữ Nho, còn có một chuông đồng mỗi lần đánh vọng sang cả bên kia sông Gùa. Dân làng vẫn hay tụ tập ở đó mỗi khi có việc lớn của làng, hay chỉ đơn giản khi có đoàn chiếu bóng về qua, cũng từ đó nảy sinh mối tình anh thợ chiếu bóng với cô thôn nữ mà thi thoảng vẫn thấp thoáng đâu đó trên phim.  

Tiếc thay tôi chỉ có thể thấy cái hồn làng đang lay lắt mỗi lần về quê. Cuối những thập niên 70, cùng với hàng vạn chùa chiền trên khắp đất nước bị qui vào tội mê tín dị đoan, đình quê tôi cũng bị đập phá huỷ hoại không thương tiếc, những phiến đá hoặc bị đập cho vỡ vụn, hoặc bị bôi vôi, chiếc chuông đồng uy nghiêm từ đời Trần cũng lưu lạc đi đâu không ai rõ. Hồn làng vì thế cũng phiêu diêu.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đứng lại trước đình làng, cay đắng nhìn chiếc cổng làng còn đó nhưng dấu vết ông Thiện, ông Ác đã  mờ đi rất nhiều. Cái thời Thiện Ác chẳng còn phân tranh, chẳng còn gì để giữ gìn cho văn hoá, tất cả mọi thứ đều nhập nhèm nhạt nhoà. Sân đình có lẽ ngày xưa to đẹp lắm nhưng giờ bị cắt vụn bởi mấy gian nhà cấp bốn đề chữ hội trường uỷ ban rồi lại bị chèn lên "Nhà Văn Hoá", bờ tường bao lè tè rác từ chợ ùn lên từng đống. Thỉnh thoảng đoàn nọ đoàn kia về bắc loa om sòm sân đình, toàn là tiếp thị mang giấy giới thiệu của các tổ chức này nọ, cố lừa đảo nốt những túi tiền vốn đã ít ỏi của những người dân quê chân chất như ông bà tôi. Thời thế vậy, hỏi sao Thiện Ác đều phải bỏ đi?

Làng Phù Tinh tôi có một ông giám đốc công an tỉnh mới về hưu được mấy năm, con cái vương trưởng giàu có, cũng nhờ ông mà bao trai tráng trong làng theo đi làm công an, cả những người đã từng cạy cục ông ngoại tôi xin cho tốt nghiệp cấp 3 nhưng ông tôi nhất quyết không cho vì không thể biến không thành có. Thỉnh thoảng về quê, khi nhà của vị cựu giám đốc kia có việc, tôi lại thấy hàng dài xe công vụ xếp dọc từ đình làng vào ngõ. Có lẽ chẳng ai trong số các vị đương chức kia mảy may biết chỗ đất rác rưởi ngập ngụa kia đã từng là chốn uy nghi bến đậu cho hồn làng mấy trăm năm về trước. 

Giá như vị cựu giám đốc kia với địa vị của ông có thể giúp công lớn níu kéo hồn làng ở lại, giá như người ta không quên từng có một ngôi đình ở đó, giá như những đứa trẻ quê tôi không chỉ biết kể chuyện "Võ Lâm truyền kì" với bọn bạn thành phố của chúng, giá như...

Làng tôi lâu nay như cái xác không hồn, người ta nhởn nhơ sống nhưng để hồn làng phiêu diêu, không nhận ra chút ký ức ít ỏi trong mỗi người cũng đang hao mòn theo. Giữ được hồn làng cho con cháu muôn đời, cứu được nét làng ấy, dù có dốc cả vốn liếng cũng đáng để đóng chặt mảnh ký ức ấy vào tâm thức đương thời. 

Tokyo. 2015.02.02

Những gì còn sót lại của đình làng Phù Tinh
Cổng đình
Cổng trái


Cổng phải

Đình trở thành hội trường hay nhà văn hoá ?

Hồn làng nhìn bãi rác cũng đành ngậm ngùi ra đi