Wednesday, February 4, 2015

Hồn đình




 Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng có hai tuỳ bút rất hay về đình làng "Một mình làm cả cái đình" và "Yêu cái đình làng". Tiếc là không phải người con quê hương nào cũng đau đáu như những người bạn của nhà văn cũng như không phải nơi đâu cũng may mắn như đình làng Phan Long.Đình là nơi cất giữ hồn làng, biểu tượng của sợi dây văn hoá gắn kết cộng đồng làng xã, khi đình làng bị lãng quên cũng là lúc những nét làng, nét xóm ấy lụi tàn nhanh hơn bao giờ hết. Cũng giống như ở thành phố bạn sẽ nhớ mãi hàng cây toả bóng mát thưở đạp xe đến trường cùng bạn bè mà mỗi lần đi qua nó những kỷ niệm của thời quỷ tha ma bắt ấy hiện lên rõ mồn một. Bất chợt có một ngày hàng cây biến mất bạn sẽ nuối tiếc hẫng hụt như đánh rơi cả tháng năm tuổi trẻ, những mảng ký ức theo đó rụng dần cho dù sau này bạn có cố lục lại trí nhớ của mình sâu đến thế nào chăng nữa.

Những đứa trẻ ở quê lớn lên với thiên nhiên là đồng lúa, vườn cây, dòng sông nhưng chúng tiếp thu văn hoá của làng xã, của ông bà cha mẹ qua đình làng. Trưa hè hẹn nhau ra sân đình chơi ô quan đánh đáo, tối trung thu rước đèn ông sao hay những đêm tập văn nghệ mừng quốc khánh cãi nhau khóc lóc inh ỏi góc đình. Chúng sẽ nhớ khi nào hội đình, nhớ tích thành hoàng làng, nhớ đoàn chèo về diễn, nhớ vị bánh giày, bánh oản trên mâm cúng bà lấy phần về ngon tuyệt khác xa với đống bánh kẹo ê hề ngoài quán xá. Chúng sẽ nhớ tất cả những nét làng ấy để có dịp lên mặt kể với bọn trẻ thành phố há miệng nghe mắt tròn mắt dẹt.

Vậy mà trên khắp đất nước này đình làng không còn được coi trọng đúng với giá trị của nó. Không có một thống kê hoàn chỉnh nào nhưng dường như những đứa trẻ lớn lên từ thôn quê bắt đầu quen với việc không biết nơi mình sinh ra từng có một cái đình. Đình làng cứ thế, bị thời gian gặm nhấm, bị quăng quật vào nhịp mưu sinh của con người, để rồi thoáng qua người ta sẽ chép miệng: "Ôi chao, cuộc sống ấy mà!"

Quê ngoại tôi ở làng Phù Tinh có lẽ cũng từng có một ngôi đình chứa chan hồn làng. Đình được xây từ đời Trần, mẹ tôi kể hồi còn nhỏ mỗi lần đi qua cổng đình sừng sững có ông Thiện, ông Ác hai bên thường phải co rúm lại không dám nhìn vào ông Ác. Trong đình có nhiều phiến đá to như cái phản, trên có khắc chữ Nho, còn có một chuông đồng mỗi lần đánh vọng sang cả bên kia sông Gùa. Dân làng vẫn hay tụ tập ở đó mỗi khi có việc lớn của làng, hay chỉ đơn giản khi có đoàn chiếu bóng về qua, cũng từ đó nảy sinh mối tình anh thợ chiếu bóng với cô thôn nữ mà thi thoảng vẫn thấp thoáng đâu đó trên phim.  

Tiếc thay tôi chỉ có thể thấy cái hồn làng đang lay lắt mỗi lần về quê. Cuối những thập niên 70, cùng với hàng vạn chùa chiền trên khắp đất nước bị qui vào tội mê tín dị đoan, đình quê tôi cũng bị đập phá huỷ hoại không thương tiếc, những phiến đá hoặc bị đập cho vỡ vụn, hoặc bị bôi vôi, chiếc chuông đồng uy nghiêm từ đời Trần cũng lưu lạc đi đâu không ai rõ. Hồn làng vì thế cũng phiêu diêu.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đứng lại trước đình làng, cay đắng nhìn chiếc cổng làng còn đó nhưng dấu vết ông Thiện, ông Ác đã  mờ đi rất nhiều. Cái thời Thiện Ác chẳng còn phân tranh, chẳng còn gì để giữ gìn cho văn hoá, tất cả mọi thứ đều nhập nhèm nhạt nhoà. Sân đình có lẽ ngày xưa to đẹp lắm nhưng giờ bị cắt vụn bởi mấy gian nhà cấp bốn đề chữ hội trường uỷ ban rồi lại bị chèn lên "Nhà Văn Hoá", bờ tường bao lè tè rác từ chợ ùn lên từng đống. Thỉnh thoảng đoàn nọ đoàn kia về bắc loa om sòm sân đình, toàn là tiếp thị mang giấy giới thiệu của các tổ chức này nọ, cố lừa đảo nốt những túi tiền vốn đã ít ỏi của những người dân quê chân chất như ông bà tôi. Thời thế vậy, hỏi sao Thiện Ác đều phải bỏ đi?

Làng Phù Tinh tôi có một ông giám đốc công an tỉnh mới về hưu được mấy năm, con cái vương trưởng giàu có, cũng nhờ ông mà bao trai tráng trong làng theo đi làm công an, cả những người đã từng cạy cục ông ngoại tôi xin cho tốt nghiệp cấp 3 nhưng ông tôi nhất quyết không cho vì không thể biến không thành có. Thỉnh thoảng về quê, khi nhà của vị cựu giám đốc kia có việc, tôi lại thấy hàng dài xe công vụ xếp dọc từ đình làng vào ngõ. Có lẽ chẳng ai trong số các vị đương chức kia mảy may biết chỗ đất rác rưởi ngập ngụa kia đã từng là chốn uy nghi bến đậu cho hồn làng mấy trăm năm về trước. 

Giá như vị cựu giám đốc kia với địa vị của ông có thể giúp công lớn níu kéo hồn làng ở lại, giá như người ta không quên từng có một ngôi đình ở đó, giá như những đứa trẻ quê tôi không chỉ biết kể chuyện "Võ Lâm truyền kì" với bọn bạn thành phố của chúng, giá như...

Làng tôi lâu nay như cái xác không hồn, người ta nhởn nhơ sống nhưng để hồn làng phiêu diêu, không nhận ra chút ký ức ít ỏi trong mỗi người cũng đang hao mòn theo. Giữ được hồn làng cho con cháu muôn đời, cứu được nét làng ấy, dù có dốc cả vốn liếng cũng đáng để đóng chặt mảnh ký ức ấy vào tâm thức đương thời. 

Tokyo. 2015.02.02

Những gì còn sót lại của đình làng Phù Tinh
Cổng đình
Cổng trái


Cổng phải

Đình trở thành hội trường hay nhà văn hoá ?

Hồn làng nhìn bãi rác cũng đành ngậm ngùi ra đi

Thursday, August 28, 2014

Chỉ toàn là trẻ con

Mẹ đang lúi húi băm rau bèo chợt thấy Than đạp xe về, nước chảy ròng ròng từ áo xuống. "Ơ hay, mày bị làm sao thế." "Con bị ngã xuống mương" - Than trả lời. "Mày thay rồi đi học ngay cho tao. Con với cái, đi cái xe đạp cũng không xong". Bị mẹ mắng nhưng Than chỉ lặng lẽ đi vào nhà trong, miệng vẫn tủm tỉm cười. Chả là nó đạp xe đi học qua quán nước đầu làng, đi qua một đoạn nhưng vẫn nghe được mấy người chỉ trỏ: "Đấy thằng Than đấy, cả làng này không ai gặp được nhiều người nổi tiếng như nó đâu". Nghe xong mà sướng cái bụng, đang nhe răng cười thì thấy loạng choạng rồi ùm một cái cả người và xe đều phi xuống mương.

Nó sướng là phải, ở làng này nó cứ luôn phải so đo độ danh tiếng với thằng Đáy - chuyên gia leo trèo và đánh cắp những câu chuyện từ trên nóc nhà. Thằng Đáy thì suốt ngày chỉ quanh quẩn với cây cối, đỉnh nóc, còn nó, nó đã có biết bao lần được gặp những người nổi tiếng bằng da bằng thịt nên tự hào là phải. Tự hào kiểu như:

" Anh Than, hôm qua anh gặp ca sĩ Mỹ Linh hử?"
" Ờ thì sao, cả Hồng Nhung với Huy Tuấn nữa !"
" Trông ở ngoài thế nào anh. "
" Thì cũng thường thôi, tao đi ngang qua Nhà Hát Lớn thì thấy cái ô tô xịch trước cổng, rồi Huy Tuấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung bước xuống. Mỹ Linh, Hồng Nhung trông bé như cái kẹo, còn Huy Tuấn trông đầu gấu phết. Tao định chào câu nhưng có việc nên phải đi ngay."
" Thế mà anh không bắt tay một cái. "
" Hơi đâu, rỗi việc chắc."
" Anh Than thích thật, còn đi công tác ở Nhà Hát Lớn nữa."

Đấy, kiểu như thế, nhưng tuyệt nhiên không có một chút hư cấu. Nó lên Hà Nội chơi với chị Thơm, tối đi mua sách rồi tình cờ gặp, bận đến nỗi còn không kịp chào ba người ấy.

Và cái duyên với người nổi tiếng của nó cũng thật li kỳ. Lần đầu tiên nó gặp một người nổi tiếng là năm 7 tuổi, trường cấp 3 huyện mời nhà thơ Trần Đăng Khoa về nói chuyện, nó theo đuôi mấy anh chị học cấp 3 cùng làng đến xem. 7 tuổi, nó nhớ lắm mấy câu "Sao không về hở chó, Vàng ơi là Vàng ơi", vì nó cũng có một con chó Vàng bị bọn trộm bắt mất. Cái thời ông Trần Đăng Khoa, chắc người ta cũng thích ăn thịt chó, thời nào cũng vậy nhỉ, chỉ tội cho mấy đứa trẻ cứ phải chờ vàng mắt thổn thức "Sao không về hở chó..." mà thôi.

Lúc nhìn thấy Trần Đăng Khoa nó cũng phải dụi mắt vài cái. Nhà thơ nổi tiếng, thần đồng đây sao, trông chả khác nào bác Nông cạnh nhà nó chuyên đi cất vó, da đen sạm, thấp và phần thân thì to bè ra. Nhưng nhà thơ nói chuyện có khác, nó chẳng hiểu gì, chỉ biết cả một sân trường gần nghìn học sinh im phăng phắc, nhà thơ vừa dứt lời, tiếng vỗ tay rần rần nổi lên, các thầy cô giáo mặt đỏ tưng bừng, có cô giáo trẻ còn lấy khăn mùi xoa lau lau nước mắt. Cuối buổi nhà thơ ra câu đố, đố em học sinh nào đọc được bài thơ 2 khổ mà mỗi khổ nằm trong một bài thơ khác nhau của một tác giả khác nhau, em nào đọc được nhà thơ sẽ thưởng cho hai trăm đô la Mĩ. Hồi đó nó bảo với mấy chị ngồi cạnh, đô la mà cũng thưởng, em đi đánh thắng bọn nó đầy nhà đây này. Mấy chị cười rũ rượi "Than ơi là than, không phải đô la giấy đâu. Một đô la Mỹ mua được 20 quyển vở cho em cơ." Ơ, hay nhỉ, lần đầu tiên nó biết làm nhà thơ cũng không nghèo lắm, đọc thơ cũng có tiền, và thế là từ đấy nhờ người nổi tiếng - tức nhà thơ Trần Đăng Khoa, thằng Than cũng bắt đầu tập toẹ làm thơ.

Kiểu như
" Trai tài đánh dậm đùi đen kít
 Gái đảm mò cua háng mốc meo  "

"Toàn mấy câu nhố nhăng bậy bạ" - đó là câu cửa miệng của mẹ nó mỗi khi nó nổi hứng đọc thơ.

Sau lần đó, duyên của nó bắt đầu phát, lúc thì gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo  thăm bạn cũ, lúc thì gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, lúc gặp anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ, ca sĩ Quang Linh,..và có lần còn được bắt tay cả bộ trưởng nữa, ghê không?

Đó là lần nó lên nhận thưởng ở tỉnh, giải to lắm, to đến nỗi bố nó phải đi khao cả xóm. Trước hôm đi mấy hôm, mẹ dẫn nó lên phố huyện may cho cái áo mới trắng tinh, sắm một đôi dép tổ ong cũng trắng tinh còn thơm mùi nhựa. Nó chẳng dám mặc, thỉnh thoảng đem ra gấp rồi vuốt ve chờ ngày diện lên người lĩnh thưởng. Và ngày ấy cũng đến, lúc lên nhận giải, nó rút từ trong cặp ra đôi dép mới rồi xỏ vào thay đôi cũ, nó tự hào lắm, áo trắng tinh, dép tổ ong cũng trắng tinh, chỉ có khăn quàng là đỏ thắm. Người ta gọi tên, nó bước lên trước, ông bộ trưởng chậm rãi bước sau, rồi bắt tay, rồi trao bằng, hồ hởi mặt sáng bừng. Đột nhiên nó cúi đầu xuống nhìn đôi dép tổ ong, một vệt đen quệt lên viền dép trắng, đứng bên cạnh là đôi giày đen bóng của ông bộ trưởng đang vỗ tay cười tươi. Nó nhìn xuống dưới thấy ở đây có rất nhiều người lớn đang vỗ tay, đang cười, ai cũng đi giày đen bóng chả thấy có ai đi dép tổ ong cả. Nó buồn lắm và nghĩ, cả làng mình ai cũng đi dép tổ ong, vậy sẽ chẳng có ai thành người nổi tiếng sao?

Mà thôi, nhắc chuyện dép tổ ong và đôi giày của ông bộ trưởng làm gì, chuyện đó đã rất lâu rồi. Hôm nay mẹ thằng Than còn thấy chuyện lạ hơn. Than đi học về nhà chìa ra cho mẹ xem tấm ảnh hỏi:

" Mẹ có biết ai đây không?"
" Ai, thầy giáo cắm bản với bọn trẻ con chứ ai?"
" Không, giáo sư Ngô Bảo Châu đấy mẹ ạ"
" Ông Ngô Bảo Châu đạt giải gì to lắm mà bố mày mua bia về đãi hàng xóm đấy hử?"
" Vâng!"
" Thế ông ấy làm gì ở trên miền núi"
" Mẹ thì biết sao được."

Nói rồi Than lặng lẽ vào trong buồng ngồi bên bàn học, nó nhìn mãi bức ảnh ông giáo sư toán học dạy đếm cho mấy đứa lít nhít chỉ mong mỗi bữa cơm có một miếng thịt. Điều đặc biệt hơn, ông giáo sư ấy không giống như ông bộ trưởng với đôi giày đen bóng kia, ông giáo sư đi đôi dép tổ ong trắng tinh, như thằng Than ngày nào. Thế rồi, nó ngồi viết câu chuyện này nước mắt lã chã rơi, câu đầu tiên mà nó viết lên giấy là:

TRỜI SINH RA TRƯỚC NHẤT
CHỈ TOÀN LÀ TRẺ CON...

Và đây là nguồn gốc bức ảnh mà thằng Than lên tận phố huyện in về cho mẹ xem
https://www.facebook.com/comcothit

Tokyo. 2014.08.28







Truyện ngắn tũn (3)

Viết những câu chuyện dài rất khó vì phải viết sao cho logic, cho thật nhất. Ngược lại viết những câu chuyện ngắn "tũn" dễ hơn vì ta thường thấy hàng ngày, có khi chỉ là một cái cười ý nhị, một cái quắc mắt, một chiếc quang gánh ... cũng thành câu chuyện. Và luyện thói quen viết càng ngắn càng tốt càng dễ đọc và nhớ lâu...

1. Vàng ơi là Vàng ơi...

"Lão Hạc đứng nhìn con Vàng bị người ta tóm lấy hai cẳng và dốc ngược lên. Vàng khôn lắm, nó cứ nằm im và ư ử như trách lão, như cam chịu cho số phận của mình. Trong xã hội thực dân phong kiến đó, những người như lão Hạc đã bị dồn xuống đáy của xã hội, bị cướp đi phần hồn của một con người. Ta xót thương cho thân phận lão Hạc, xót thương cho thân phận Vàng - con vật trung thành với con người ngay cả khi sinh mệnh của nó bị đe doạ".

Cô vừa dứt lời thì tiếng trống điểm tiết học kết thúc. Cho học sinh ra về, cô cũng vội vã bước nhanh ra khỏi lớp. Dưới sân trường đã thấy vài thầy cô khác đứng đợi sẵn ở đó. Chả là hôm qua đại hội công đoàn nhưng về muộn quá cả trường chưa kịp liên hoan. Vừa nhìn thấy thầy hiệu trưởng cô vồn vã: "Hôm nay sếp cho đi liên hoan ở quán anh Tư là chuẩn nhất đấy ạ. Trời mát thế này ăn thịt chó là hợp nhất rồi." Nói rồi cô cười rất tươi, chẳng để ý đến đám học sinh gần đó đang quay lại nhìn...

2. Ở chùa

Sư thầy về chùa xã đã được hơn 5 năm. Trong 5 năm ấy, nghe đâu sư thầy vận động được nhiều người giàu có máu mặt đồ tiền vào công đức nên diện mạo của chùa thay đổi chóng mặt, khang trang, hoành tráng hơn hẳn. Hồi mới về sư thầy chỉ có con wave tàu, nay đã có ô tô và lái xe riêng cho nhà chùa. Thỉnh thoảng sư thầy bảo lái xe chở về quê, lúc thì đám cưới em trai, lúc thì giỗ họ, khánh thành nhà thờ, trọng vọng lắm.

Có lần thằng Than vào xin bát hương của ông nó, thấy sư thầy đang ngồi ăn cơm với một thằng bé lạ hoắc khoảng 7-8 tuổi. Than đánh bạo hỏi "Đứa bé này là ai vậy thầy?". Sư thầy bảo: "Đây là chú tiểu nhỏ của chùa ta".

Từ đó Than thấy thằng bé thường xuyên hơn, sư thầy đã xin chính quyền cho nó được ở chùa và học tiếp. Sáng nào nó cũng dậy sớm quét lá, thỉnh thoảng đọc to mấy câu kinh, sư thầy thấy thế thì mừng lắm cho là thằng bé đã "giác ngộ”.

Đột nhiên có một hôm có ba bốn anh công an vào đưa thầy đi đâu đó, một tháng sau người ta lại đưa một sư thầy khác về làm trụ trì. Dân trong xã bắt đầu xì xào, sư cũng tham ô, tham ô thế này thì Phật quật cho chết. Sư thầy mới ban đầu đi dream nhưng nghe xì xào về trụ trì cũ đành đổi sang wave tàu đi cho thanh bạch. Chùa lại đông đúc phật tử máu mặt như xưa.

Có điều không ai biết thằng bé kia đã đi đâu, thằng Than đành dò hỏi bà cụ đun nước trong chùa. Cụ bảo hôm bị đưa đi, sư thầy chỉ xoa đầu thằng bé và gật đầu. Đêm đó bà cụ nghe trong điện lầm rầm có tiếng đọc kinh, sáng ra thì không thấy thằng bé đâu nữa.

Dân trong xã còn ối việc để bàn tán huống chi chỉ là một thằng bé quét lá trong chùa nên chả ai để ý đến. Riêng Than, nó chỉ nhớ mãi lần nhìn thấy sư thầy và thằng bé ngồi thiền, ánh chiều vàng phủ xuống kỳ quái. Trong đầu Than chợt vẳng lên tiếng sư thầy “Đây là chú tiểu nhỏ của chùa ta”.

Có ai biết ở đâu có còn ngôi chùa cho chú tiểu nhỏ nương nhờ cửa Phật hay không?

3. Làm anh

“Mày làm anh mà còn ngu thế hả Tít. Mày đâu rồi về ngay đây” - Tít nghe tiếng mẹ vội chạy vội ra nấp ở đống rạ sau vườn. Khổ thật, từ khi có đứa em nó bị mắng cũng nhiều hơn. Lúc nào bố mẹ cũng lôi lý do “lớn rồi, làm anh không được thế” mà bắt tội nó. Ở trường cũng vậy, cô giáo  bắt quả tang nó quay bài cái Hạ ngồi cạnh cũng bắt nó viết bản kiểm điểm và mắng nó có em rồi mà không gương mẫu trong học tập. Tự nhiên nó thấy cái ông gì viết bài “Làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa” sao đúng thế. Tít tự thấy mình làm anh thật thiệt thòi, làm anh thật chết tiệt.

Thế rồi Tít mang đủ cái thiệt thòi và chết tiệt đó lên cấp 2, cấp 3, rồi vào đại học. Thỉnh thoảng Tít phải chạy đôn chạy đáo vì việc đứa em, và vì bố mẹ bảo “Mày lớn rồi phải lo cho em” là nó lại lầm bầm: “Làm anh thật chết tiệt”.

Tít ra trường, đi làm rồi lấy vợ, lên chức, cũng lâu rồi người ta không gọi nó là “thằng Tít” nữa, mà luôn là “anh” rất ngọt và nhẹ. Có lần đối tác làm ăn chiêu đãi nó ở nhà hàng rất sang, bắt tay nó rất chặt với phong bì dày cộp kèm theo câu nói “nhờ cả vào anh". Nó tần ngần rồi cầm cái phong bì ném xoẹt xuống bàn, buông ra một câu hằn học  “Anh cái chết tiệt nhà ông”. Rồi nó đùng đùng bỏ về, để lại đối tác ngẩn tò te chẳng hiểu đã xưng hô phạm huý gì.

Trên đường về Tít nghĩ bụng không biết kể chuyện này có bị mẹ nó mắng “mày làm anh mà còn ngu thế hả Tít” không. Rồi nó cười, “Làm anh thật khó, nhưng mà thật vui…”. Chả biết nó nói "làm anh” nào…!

4. Kịch đời

Trong phim Hoa cỏ may có đoạn cô con dâu có chồng chết, bà mẹ chồng ngày thường cay nghiệt nhưng nhìn cảnh con dâu vò võ cũng mủi lòng. Bà đành bịa ra câu chuyện từng có ý định trốn khỏi nhà chồng để cô con dâu thêm dũng cảm mà bỏ đi với người cô yêu.

Tóm tắt là như vậy, và các khán giả đều khen bà mẹ già biết hi sinh, ai cũng cầu chúc cho cô con dâu được hạnh phúc như là cái kết có hậu của một câu chuyện nhân văn. Nhưng tiếc thay, phim thì vẫn chưa hết, đoạn sau đó là cảnh hai bà cháu rau cháo nuôi nhau, thằng con dáo dác đi tìm mẹ, bà nội già đổ bệnh, dân làng xì xào hắt hủi nhà có đứa theo giai, làm nó phải bươn chải lên thành phố kiếm sống.

Vẫn biết chỉ là trên phim người ta cố tạo dựng cái tình huống cay nghiệt như vậy để tăng tính hấp dẫn nhưng trong cuộc sống người ta cũng rất hay chọn những tình huống hấp dẫn để dựng phim cuộc đời mình.

Nhưng giả dụ như đoạn phim kia người xem có ca tụng và thấy hấp dẫn đi chăng nữa thì những nhân vật trong bộ phim đó sẽ nghĩ gì. Cô con dâu bỏ đi rồi liệu có sống yên ổn mà không canh cánh về đứa con và bà mẹ chồng cô bỏ lại. Bà mẹ chồng già kia liệu có thấy an lòng khi để con dâu của bà ra đi, bỏ mặc đứa cháu bà bơ vơ không mẹ. Và đứa con, khi lớn lên nó sẽ nghĩ thế nào về mẹ nó, người đã bỏ nó lại, coi thường thứ mà bà ta vẫn luôn nói là quý giá nhất trong đời.

Nếu bạn đã từng nghe ai nói cuộc sống là một vở kịch, một bộ phim thì bạn có thể thẳng thừng mà bác lại “Không, cuộc sống của tôi không phải để cho ai xem, tôi không phải cố tạo ra tình huống hấp dẫn nào đó để cho người ta ca ngợi”.

Nếu trả lời như vậy thì có lẽ tôi sẽ rất vui mừng gửi cho bạn những câu chuyện “ngắn tũn” như thế này. Và bạn cũng có thể như tôi, có thể viết những câu chuyện “ngắn tũn” cho mình chứ không phải cho ai khác.

Hà Phương
Tokyo. 2014/8/12 

Monday, May 12, 2014

Đất nước những năm không còn buồn?

Trong tuần vừa qua cả dân tộc hướng về biển Đông, nơi đầu sóng ngọn gió với chủ quyền dân tộc thiêng liêng đang bị xâm phạm. Có thể nói Việt Nam đang bị mắc kẹt trong mưu mô xảo quyệt của Trung Quốc. Kế hoạch gặm nhấm hao mòn đang chuyển sang bước ngoặt mới đánh dấu một thời điểm nhạy cảm cho không chỉ vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà là sự thay đổi tự thân bên trong lòng đất nước ta. Vậy lối thoát nào cho chúng ta ? 

Việt Nam đang bị lâm vào thế yếu?

Trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc hiện nay chúng ta đều đang lâm vào thế bị động, thế yếu. Kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (thương mại với Trung Quốc chiếm gần 1/5 tổng thương mại của Việt Nam) trong khi Việt Nam chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 1%) trong  số gần 4 nghìn tỉ đô thương mại của Trung Quốc. Những con số đó đã nói lên một điều, bất kỳ một biện pháp nào về kinh tế nhằm ngăn chặn Trung Quốc thì bên chịu thiệt sẽ là Việt Nam.

Kinh tế là vậy, về mặt quân sự đã tỏ ra quá chênh lệch. Hãy nhìn chiếc tàu 12 tỉ mới bàn giao cho cảnh sát biển VN, có lẽ chỉ bẳng khoảng 1/3 so với tàu coast guard của Trung Quốc. Thời đại bây giờ không giống như cách đây 35 năm trong cuộc chiến tranh biên giới khi chúng ta dùng sức người để chặn bước xâm lược của Trung Quốc, giờ là thời đại của sức mạnh quân sự hạng nặng, cuộc chiến không cân sức này sẽ còn đem lại tổn hại nặng nề hơn cả cuộc chiến tranh biên giới xưa kia. Còn đàm phán ư? Chúng ta liệu có gì để hấp dẫn Trung Quốc hơn biển Đông?

Cộng đồng thế giới có thật sự ủng hộ Việt Nam?

Trước sự căng thẳng ở biển Đông, cộng đồng thế giới ít nhiều đã có những lên phát biểu quan trọng trực diện vào tình hình hiện nay. Tuy nhiên duy nhất chỉ có Nhật Bản là lên án mạnh mẽ nhất hành động trắng trợn của Trung Quốc (có lẽ do họ cũng lâm vào cảnh giống ta), Nga và EU thì im lặng (họ còn đang đau đầu với Ukraine) , Hàn Quốc vào hùa với Trung Quốc, Mĩ và LHQ thì bày tỏ "quan ngại sâu sắc" nhưng những phát biểu của họ chỉ vừa đủ để không làm "phật lòng" Trung Quốc. Còn Asean thì sao, ngoại trừ Philipine đang trực tiếp xung đột với Trung Quốc thì không một nước nào "dại dột" gây mếch lòng "anh bạn lớn" đấy cả. Thậm chí ngay khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, Trung Quốc còn hứa hẹn giúp đỡ hiện đại hoá quân đội Campuchia - đất nước ngay sát nách Việt Nam đang chuyển sang nương nhờ "anh bạn lớn".

Nếu nói VN được sự ủng hộ, có lẽ sự ủng hộ lớn nhất đó đến từ nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, lên án trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó không đem lại một sức ép đáng kể nào tới Trung Quốc.

Nếu cần một thế lực có thể tương trợ Việt Nam, trong thời điểm này chỉ có thể là Nga hoặc Mĩ. Nhưng hãy nhìn cách mà Nga im lặng trong bối cảnh cần sự ủng hộ và "lơ" đi của Trung Quốc tại Ukraine, hay sự "quan ngại sâu sắc" và những tiếng nói không mấy trọng lượng của các nghị sĩ Mĩ. Rõ ràng tuy Việt Nam là con bài chiến lược của Mĩ trong sự ổn định và lãnh đạo châu Á nhưng chưa đủ để hy sinh mối lợi ích và thăng bằng với Trung Quốc.

Tại sao Việt Nam đang bị cô lập ?

Chúng ta đang bị cô lập vì hai lý do. Lý do thứ nhất đến từ những phản ứng của Việt Nam với các xung đột trong khu vực liên quan đến Trung Quốc. Bãi cạn Scarborough, quần đảo Senkaku, ... những phản ứng chỉ dừng ở mức độ "kêu gọi các bên kiềm chế" hay "quan ngại sâu sắc" mà chưa kịp tính đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ nhận được các phản ứng tương tự như thế khi vấn đề nổi lên ở biển Đông.

Lý do thứ hai, đó là chúng ta "đã, đang và vẫn" được coi là "đồng minh" của Trung Quốc. Mĩ, EU
và Nhật không bao giờ coi Việt Nam là đồng minh khi còn những mâu thuẫn về vấn đề nhân quyền, sự khác biệt về thể chế chính chị và ý thức hệ. Nó giống như chuyện dân trong một ngôi làng đánh nhau, dân làng khác ngó vào và xuýt xoa nhưng họ không can thiệp vì đó không phải là chuyện làng mình. Buộc phải chung ý thức hệ và tư tưởng với Trung Quốc vô hình chung khiến Việt Nam đang bị cô lập với thế giới.

Trung Quốc "muốn" và "sợ" gì ở Việt Nam?

Với sự phát triển mạnh về công nghiệp và quá trình đô thị hoá nhanh chóng, Trung Quốc đang đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng, nhất là khí đốt. Để có thể cân bằng với nguồn khí đốt dồi dào của Nga và Mĩ, Trung Quốc buộc phải tìm mọi cách khai thác và mở rộng lãnh thổ mình một cách triệt để. Và rõ ràng Việt Nam không nằm ngoài mà là quan trọng bậc nhất trong kế hoạch bành trướng đó.

Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định về kinh tế nhưng phải là một cậu em ngoan biết phục tùng và nghe lời. Trị được Việt Nam đồng nghĩa với việc cả Đông Nam Á sẽ nằm trong tay cờ của Trung Quốc. Trung Quốc không muốn Việt Nam trở thành "sân sau" của một nước lớn khác cho nên sẽ không bao giờ làm quá tay. Thủ đoạn của Trung Quốc là khiến Việt Nam phải mệt mỏi đối phó mà buông biển Đông. 

Vậy Trung Quốc đang "sợ" gì ở Việt Nam? Thứ nhất Trung Quốc đang sợ một cuộc chiến, dù đó là một cuộc chiến không cân sức nhưng nó sẽ góp phần đẩy Việt Nam ra xa Trung Quốc, gây sự bất ổn trong khu vực và nội địa, sẽ làm giảm sút vị thế của Trung Quốc tại thế giới. Tuy nhiên có lẽ nỗi sợ này chỉ dừng ở mức độ "e ngại" mà thôi.

Thứ hai, Trung Quốc đang sợ Việt Nam thay đổi về thể chế. Một khi Việt Nam thay đổi thế chế chính trị và cơ chế quản lý, đó sẽ là tiền đề đề Việt Nam thoát khỏi thế cô lập, có thêm đồng minh trên thế giới và trực tiếp gây nguy hiểm đến ý thức hệ mà Trung Quốc đang cố gắng mở rộng. 

Lối thoát nào cho chúng ta?

Hãy tạm lắng xuống một quá khứ hào hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bởi vì bắt đầu một cuộc chiến thì luôn dễ dàng hơn kết thúc nó (điều đó không có nghĩa chúng ta không sử dụng biện pháp cuối cùng này). Nhưng điều quan trọng hơn bây giờ là tăng cường nội lực để đủ sức chống chọi với bất kỳ thế lực nào. Những tấm gương về sự tự thân vận động tăng cường nội lực như Nhật Bản (cải cách Minh Trị), Israel ( thời kỳ phục quốc sau thế chiến ) có lẽ sẽ đem lại bài học lớn cho chúng ta. Hãy xem cái cách cả thế giới Ả rập phải dè chừng Isarel, hay sự tự do tự tại của Nhật ở châu Á, đó mới chính là đích đến của một nhà nước Việt Nam vững mạnh.

Để đạt được điều đó, trước hết thể chế và cơ chế quản lý phải thay đổi. Không còn những con người rệu rã ăn bám vào cơ chế, không còn sự bòn rút ăn bớt chỗ này chỗ kia, không còn cảnh ụ nổi mua về ngâm cho han gỉ mà cảnh sát biển không có tàu tuần tra, cũng không có những bài thơ của quan chức được đọc trong tù nhưng vẫn được tán dương mà không có một chút xấu hổ.

Đó sẽ là một đất nước mà buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường thấy mọi người tươi vui không sợ tai hoạ trên "trời" giáng xuống, trẻ em đến trường không làm cho tâm hồn thêm vẩn đục, vào bênh viện không phải nằm ra sàn, bộ trưởng không phải rơi nước mắt năm lần bảy lượt, nhà khoa học không phải kiện nhau vì miếng cơm manh áo. Sức mạnh của đất nước không nằm ở vị thế giả tạo hão huyền, nó nằm trong nội lực về kinh tế, sự chân thành trong các mối quan hệ,  sự chia sẻ của cộng động và nỗ lực của từng cá nhân.

Đã sinh ra là người Việt Nam, chịu sự o ép của ngoại bang thì phải biết cách nỗ lực gấp 3, gấp 5 các dân tộc khác. Để đến đời con cháu chúng ta sống một cuộc đời ung dung tự tại, ngước mắt tin yêu mọi người và những giọt nước mắt nhỏ xuống vì hạnh phúc chứ không phải vì xấu hổ!!!

Đất nước những năm không còn buồn

Đất nước những năm không còn buồn
Nửa đêm thức dậy
Ngày mai sẽ là một ngày mai tốt lành
Mỉm cười nhớ con cá hanh ngày nào bơi trên sông vắng
Nay đã gặp một đàn cá hanh khác
Không còn bơi trong vội vàng và sợ hãi
Chợt nhớ mùa đông không còn hoa sữa
Nhưng những ngọn lửa vô hình chưa kịp đặt tên
Chưa bao giờ biết nhạt phai

Em có yêu chốn này không
Ngã tư xà cừ rụng lá
Gió thổi xào xạc trong rặng tre
Con gà gáy hiên ngang ban sớm
Em hứng những giọt sương
Gánh hàng hoa ra giữa chợ
Bỏ đông lại bơ vơ
Có cô bé nhỏ nhà bên
Thương mùa đông loáng ánh nhìn

Ngủ đi ta
Đêm mơ những giấc mơ an lành
Những vết thương liền da
Những ban mai xanh biếc
Dắt con đi trên cánh đồng cổ tích 
Đến chân trời hôm nay mới biết
Thơm ngát hương lúa
Hương biển
Phù sa
Đàn cò trắng bay về trong hoàng hôn tối sẫm
Tiếng ai đùa, ai hát và khói bay
À ơi mẹ gọi ta về
Ngủ đi con
Ngày mai
Đất nước mình
Không còn buồn như ngày hôm qua...

Hà Phương. Tokyo. 2014.05.13

Saturday, March 15, 2014

Ngày xưa trong mắt ai

Trường xưa
Người ta không thể có mọi thứ…

Có một câu chuyện đọc trên blog, trong đó kể một chàng trai và cô gái vô tình lạc đến một thác nước thật đẹp. Chàng trai muốn tắm ở thác nước đó, còn cô gái thì muốn tìm về khách sạn, mau chóng về nhà. Cô nói cô còn bận ôn thi đại học, một trường đại học rất nổi tiếng ai cũng muốn thi vào. Và chàng trai  nói với cô: “Cậu có biết một năm có bao nhiêu người thi đỗ vào trường đó không? Nhiều, nhiều lắm. Nhưng nhìn thấy cái thác nước này bây giờ thì chỉ có hai chúng ta mà thôi.”

Chẳng thể ước mình đi hết thế gian, càng không thể ước mình có mọi thứ. Có những đêm giật mình tỉnh giấc, nhớ lại ký ức thời áo trắng, những khuôn mặt xưa cũ và mọi chuyện tưởng như mới hôm qua.  Cái thời mắt còn long lanh, chỉ biết nói chuyện trong giờ, trêu bọn con gái và đá bóng. Thật may là mình và lũ bạn không ai bị biến thành con mọt sách, nếu không bây giờ sẽ lại ngồi ước ao đủ thứ cho những tháng năm xưa. 

Cãi nhau rồi lại làm lành đến chục lần chẳng ít, bị nó tát cho, đánh cho suốt, mắng đến phát khóc đến mức cô giáo cũng không dỗ được. Nghĩ lại cũng thấy buồn cười, ấy vậy mà chẳng bao giờ giận nó được lúc nào. Lại còn vẫn phải gọi bằng "chị". Cũng vì cô chị này mà mình bị hút dí dị vào cục nam châm trong góc. Ba năm cấp 3, ngồi cạnh tớ, nam châm có thấy chán không?

A dua với bọn kí túc, nào là đi bắt cá, đi chơi cơ, uống bia còn rủ thầy vào uống, ăn xong mới bảo là: "thầy ơi, cá này bọn em bắt trộm đó". Thầy chỉ đưa tiền đi mua thêm bia. 

Chả hiểu anh em từ đâu sáng lập một hội còn giả vờ cắt máu ăn thề, mục đích chỉ là đóng quỹ hội ăn kem với nhau, tên rõ kêu, lại còn có cương lĩnh có họp hành đàng hoàng. Bây giờ mỗi thằng một phương, cũng chưa thằng nào leo Phan Xi Păng thì phải.

Đua xe đạp chán chê với nó, đánh nhau cãi nhau với nó mà cứ ngỡ đang nói chuyện với một thằng con trai. Ấy vậy mà bây giờ nó cũng có con rồi, ai đó khen nó xinh, mình thì mãi vẫn chỉ nghĩ nó là một đứa bạn trai...của riêng mình thôi.

Là thằng bạn đầu têu những lần trốn ngủ trưa đi đá bóng, cũng là hắn dụ dỗ mình Q&S, thay vào đó mình phải làm quân sư cho những mối tình đơn phương của hắn, có lẽ vì thế nên hắn không bao giờ thành công chăng?

Lại còn cái trò nhận chồng vợ loạn hết cả lên, mình cũng có cô vợ lần nào về cũng đòi ôm nhưng toàn bị mình xua đuổi, cũng muốn ôm lắm nhưng sợ ôm rồi về lại nhớ thêm. Thêm cô bạn ngồi đằng sau, suốt ngày tên hai đứa bị ghi vào sổ đầu bài vì tội nói chuyện riêng, hắn luôn nhận mình là "xinh gái" và bị anh em xì cho một tiếng. Bây giờ biết chăng đã là gái xinh của một thằng nào đấy rồi. Tội nghiệp hắn ta heng!

Cậu bạn cao như cái sào của mình, sao cậu lại có thể nghe tất cả những lời tớ ba hoa và tốt với tớ như vậy. Tớ chả làm gì được cho cậu, ngoại trừ cái lần hai đứa lai nhau ra nghĩa trang chơi, tớ vẫn ba hoa và cậu như mọi khi nghe tất cả mọi điều tớ nói. 

Hai cô bạn ngồi bàn đầu, sao mỗi lần nhìn ra cửa sổ các bạn nhìn tớ với con mắt lạ thế, bộ tớ là người điên hử. Còn hai thằng bạn cùng quê nữa chứ, mỗi thằng một tính, nhưng chả hiểu sao ở bên cạnh bọn mày tao thấy chả phải nghĩ ngợi gì nhiều - giống gia đình ấy.

Và cảm hứng của mình, cho một thời sổ thơ được ưu tiên hơn sổ toán, cho cái sự điên điên dở dở được nhân đôi nhân ba và cũng được thăng hoa, tô hồng lên vào thời học sinh trong sáng. Bao giờ bạn ấy lấy chồng đây, không biết mình phải cho vào phong bì bao nhiêu thì vừa nhỉ? Tặng bạn cả sự lãng mạn thời cấp 3 nhé! Sau này bạn tặng lại con mình…! 

Những phút giận hờn, những khi ôm bụng cười như nắc nẻ, những biệt danh “Khoa Nở, Trung Bô, Trung Trạc, Đức Khèo, Dưỡng Bí, Mai Ghẻ, Thanh Lác, Mai Mèo, Chuyên Tưởi, Khang Thiếu gia, Đạt Baby, Linh Cuồng, Hưng Cao, chị Dũng, Phương Thanh, Oanh B, Quân Râu, Hoàn Lại, Huy Hoàng…” là những ngày xưa trong mắt tớ. Tớ đã có những ngày xưa trong mắt mình, nên không còn cần có tất cả mọi thứ nữa, chỉ mong một lần được ngồi ba hoa, được nhìn các bạn qua con mắt long lanh ngày nào...

Rồi mùa hè đã qua, trở lại mái trường xưa

Nhìn lên phía hàng cây, xanh bao la nhớ nhung...

Thursday, February 6, 2014

Đau đầu

Tản mạn một ngày đầu năm 2011 (Chuyện của ông bạn Noa Tharn)

Cả nhà mình đau đầu, ông đau đầu vì việc làm gia phả, bà đau đầu vì gió mùa lạnh, mẹ đau đầu vì cái Tết sắp tới, chị Thơm đau đầu vì thi cử, còn bố, đau đầu vì kí ức của những người bạn không trở về. Ngày còn bé mình hay được bố đọc cho bài thơ của Trần Lê Văn:

Gió rét buốt dọc đường mưa bụi
Trường Sơn xa cây đã đâm chồi
Không gặp được bạn ơi xa ngái
Mời bạn về bạn lặng lẽ thôi

Con đường cũ ngày ta đi học
Cây xanh hơn và sông nước trong hơn
Gió vẫn hát về mùa màng mơ ước
Cánh đồng làng vắng những bàn chân

Thôi bạn ạ thêm một xuân xa vắng
Thêm một xuân bạn chẳng thể về
Không có pháo chỉ có thơ và rượu
Hoa cuối vườn hương gửi người xa

Còn một khổ nữa nhưng viết ra sợ ai đọc lại kêu là dài, ai thấy hay thì họ tự đi tìm hiểu. Đấy là chuyện đau đầu của bố cũng chẳng liên quan gì đến chuyện đau đầu của mình gì cả. Chiều nay thấy đau đầu ghê gớm, đúng hơn là cảm tưởng như cái đầu không còn chỉ đạo được gì, nói ngắn gọn là "đơ".

Ông bảo học trò nghèo ngày xưa có chí lắm, ăn mắm nằm rơm nhưng cũng phấn đấu thi cử để ra làm quan. Mình thì mình nghĩ, thằng nào giỏi cũng mong được đi làm quan thì lấy ai làm dân. Tuy nhiên, việc học cũng không phải cái làm mình đau đầu. Dù sao mức độ quan tâm của mình cũng không cao lắm.

Bà bảo tầm tuổi mày ông mày nhìn thấy bà là đỏ hết mặt lên chứ đâu như bọn trẻ con bây giờ, sao chúng nó bạo thế. Lại nhớ đến chuyện trưa qua, ra bờ đê nằm dưới lũy tre hưởng gió Bấc phơi phới lòng đang hí hửng rằng chẳng có thằng nào ngông như ông, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy mấy cặp đang ưỡn ẹo cách đó không xa. Ô nhiễm cả bụi tre làng!

Mẹ bảo Tết này giá cả lên cao quá, nhà có khi phải tính kế làm ăn khác chứ cứ trông mãi vào cây, con, củ thì qua một mùa thất bát cũng đủ để cả nhà lao đao. Đi học qua phố huyện, nhà nhà nhao ra đường giành giật, chặt chém, nông dân như bố mẹ mình có lên sắm Tết thì cũng lại tần ngần đứng nhìn. Khổ!

Chị bảo đang bận ôn thi lắm! Cũng chẳng biết có phải không, thấy gọi điện về bảo đi chơi Noel cũng vui, rồi có khi phải đi học thêm tiếng Anh cho đỡ tụt hậu. Mình lạ gì, lại dạy thêm đến rộc người ra, lần nào về bố mẹ cho tiền cũng bớt lại một nửa.Lúc nào cũng bảo, bố mẹ phải giữ lại cho thằng Than.

Xem ra đau đầu không phải do lỗi của ai cả, đau đầu vì mình nghĩ là đau đầu.
Làm thằng con trai mà, thỉnh thoảng cũng phải đau đầu cho nó người lớn.

Saturday, January 4, 2014

Trên nóc nhà có tiếng chân người (phần 2) - Bao giờ cho đến tháng Mười

Tôi có thói quen viết những câu chuyện lúc mình bận rộn nhất. Cơm áo gạo tiền, học hành, việc này việc nọ, thôi thì tạm dẹp sang một bên. Đã bao lần vì viện cớ không có thời gian mà những câu chuyện cứ lần lượt đến rồi lại đi trong đầu. Viết cho ai, viết để làm gì, viết lúc nào - mà thời buổi này những câu chuyện đó sẽ tồn tại được bao lâu, thây kệ. Viết để cho thấy rằng trong đầu mình và trên đời này vẫn còn có những điều tốt đẹp. Không, đúng hơn là vẫn còn có nhiều điều tốt đẹp...

Hà Phương. 2013.11.19

Có lẽ bạn vẫn nhớ tôi là một cậu bé thích trèo lên nóc nhà người khác. Nếu nói tôi là tên trộm thì cũng đúng một phần, tôi trộm những câu chuyện của người khác để thành ký ức của mình. Và phần lớn những mảng ký ức ấy đều đến từ ngôi làng nhỏ xíu của tôi.

Có ai đó nói với tôi rằng: "Một ngôi làng là một đất nước thu nhỏ", tôi vặc lại "Không, đúng hơn đất nước là một cái làng phóng to". Làng nước - làng là khái niệm xuất hiện trước, có trải nghiệm những năm tháng ở cái đơn vị nhỏ bé, ngày ngày chạm mặt nhau ấy ta mới hiểu sự gắn bó nhiều khi không đến từ máu mủ ruột rà. Ai đó than "Phép vua thua lệ làng", ai đó hét lên "Tao phải đi khỏi cái làng này", ai đó lắc đầu "Cái làng mê muội lạc hậu" có lẽ cũng chỉ biểu hiện của sự "đau đáu" mà thôi. Trên đời này mấy khi người ta đau đáu về những cái to lớn đâu, người ta đau đáu về những cái nhỏ xíu bên cạnh mình, ngày ngày gặm nhấm mình.

Và chủ đề đau đáu của làng tôi dạo ấy là "chị Năm". Đó là một người phụ nữ "đẹp", các bà các chị trong làng thêm vào hai từ "lẳng lơ", “phò". Tôi là một đứa trẻ, sao hiểu được thế nào là "lẳng lơ" nhưng tôi biết từ còn lại, đó là một điều gì đó rất xấu xa với một người đàn bà, tôi nghe mẹ nói vậy. 

Ừ thì xấu xa nhưng chẳng ai có thể phủ nhận được chị Năm đẹp, cái đẹp mềm mại nhẫn nhịn và cam chịu. Nhà chị ở đầu làng, trồng hoa và cứ đến cuối tuần chị lại mang hoa lên thị trấn bán. Chị không có bà con thân thích ở làng tôi, và hình như chị là người miền Nam. Nói hình như là vì chẳng có ai biết rõ nguồn gốc của chị, chỉ biết chị đến làng ở, giọng nói nhẹ nhàng và ngọt ngào khác hẳn với những người phụ nữ quê tôi quanh năm chạy đôn chạy đáo làng trên xóm dưới cho nên giọng nói cũng đanh quánh và ráo hoảnh. Sau này gặp nhiều người con gái miền Nam, tôi biết chẳng phải họ không lo toan, chẳng phải họ không chạy đôn chạy đáo, chính sự mênh mông dàn trải của miệt vườn, của sông nước đã cho họ sự điềm tĩnh, ngọt ngào đến như vậy.

Bà tôi gọi đó là "sự ngọt ngào chết người”. Đáng chết người lắm, vì đàn ông trong làng cũng bị hút theo cái sự chết chóc ấy. Rồi chòng ghẹo, rồi lời ra tiếng vào, rồi vợ chồng hục hặc, rồi người ta xúi giục những đứa trẻ con như bọn tôi gieo rắc những lời độc địa và còn chết chóc hơn cả sự ngọt ngào. Mà trẻ con thì ham vui, chúng nó hò reo và cười nắc nẻ khi chế giễu người khác đâu cần biết nguyên nhân. 

Có lần chị bắt gặp tôi trong đám trẻ hát đồng dao ấy, chị chỉ nhìn tôi và nhẹ nhàng “Sao Đáy nỡ nói chị thế!” - câu nói ấy làm tôi rùng mình đến tận bây giờ khi nghĩ lại cái dáng người mảnh mai, đôi mắt cụp xuống, môi mấp máy và cổ họng như uất nghẹn khi gọi tên tôi. Trong đám trẻ con trong xóm chị biết tôi vì chị và mẹ hay nói chuyện ngoài chợ. Cũng có lẽ vì bố đi bộ đội xa nên mẹ mới “vô tư” mà nói chuyện với chị, vô tư mà bỏ qua bao con mắt dè bỉu của bao người đàn bà khác.

Có lần tôi thấy người ta lôi xềnh xệch chị ngoài chợ, mấy người đàn bà họ xúm vào cấu xé, còn chị  thì khóc lóc van xin. Mẹ tôi phải dùng đến hai cái đòn gánh mới dẹp được đám đông hỗn loạn ấy. Người mẹ mạnh mẽ của tôi đưa chị về nhà, lau rửa những vết thương, xếp lại đống hoa bị dập nát. Chị chỉ khóc, bà tôi ngồi cạnh chép miệng “Đàn bà đẹp khổ lắm con ơi!” 

Dần dần những người đàn ông trong làng cũng thôi không chòng ghẹo chị nữa, duy chỉ có một người hay qua lại ngôi nhà của chị. Đó là chú Phong, chú là thương binh của cuộc chiến tranh Tây Nam, và nếu như theo cách gọi của các chú bên xã thì đó là “phần tử bất trị”. Bất trị theo nghĩa chú ghét phải nói về chiến tranh, ghét phải tham gia kỷ niệm những ngày chiến thắng, ghét phải tham gia bất cứ tổ chức nào. Chú bảo với người khác, chiến tranh bản thân nó đã là tội ác, các ông đừng bắt tôi lôi nỗi đau của minh ra để tự hào.

Vậy mà chú Phong không ghét chị Năm, chí ít là không ghét đến nhà của chị, cuốc xới mấy luống hoa, sửa lại hàng rào, bậu cửa. Có lần về khuya tôi trèo lên nóc nhà chị, nghe thấy giọng nói của chú: “Năm hát cho anh nghe đi!”. 

“...Đường dù say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu…"

Tôi đoán không chỉ có tôi nghe thấy giọng hát của chị Năm. Mấy hôm sau người ta gọi chú Phong ra xã, kêu mất lập trường, chú đập bàn kêu “Lập trường cái m. các ông, cứ giỏi thì xông vào, các ông không để cho Năm yên đừng trách tôi.” Đấy là tôi nghe thằng Long kể lại vì bố nó làm bảo vệ ở xã, nó thêu dệt hay không tôi cũng chịu.

Nhưng có một điều hoàn toàn không thêu dệt là bụng chị Năm ngày càng to lên, tiếng bàn tán ngày càng nhiều. Chú Năm cũng không thấy qua nhà chị nữa. Làng tôi lại râm ran câu chuyện ai là bố đứa trẻ, những tiếng cãi vã và đập phá lại nổi lên, vài người hiền hơn thì nghe ngóng chờ đợi đứa trẻ ra đời sẽ giống ai.

Đứa trẻ ấy ra đời chỉ có bà, mẹ, tôi và chú Phong chào đón nó. Tôi không còn nhớ rõ cảm giác bế trên tay một sinh linh bé bỏng mới chào đời, vì tôi quá bất ngờ, bất ngờ vì đứa trẻ, bất ngờ vì ở bên chú Phong gục trên vai mẹ tôi mà khóc. Hệt như cái đêm chị Năm hát mấy câu lạ lùng.

Lạ lùng hôm nữa là vài hôm sau ở nhà chị Năm xuất hiện đám người lạ, họ đi xe con đời mới, có cả bác sĩ lẫn y tá mặc áo blouse trắng, có cả đám đông bặm trợn mà thằng Long bấm tay tôi “Xã hội đen đấy mày đừng đụng vào”. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy có một người đàn bà ăn mặc sang trọng, dúi vào tay chị một bọc gì lớn lắm, rồi giằng đứa bé đưa cho cô y tá. Chị tần ngần rồi quẳng bọc đó đi, gào thét điên dại giành lại đứa bé. Chẳng mất mấy công sức người ta có thể đẩy chị ra, nhưng tiếng thét của chị khiến người trong làng đổ đến rất nhanh mặc dù không ai dám vào can ngăn vì cái đám đông bặm trợn ấy đang án ngữ ở sân. 

Tôi chạy đi gọi chú Phong, chú nghe tin nhảy bổ ra xông thẳng vào kêu lên “Bỏ con tao ra ngay”. Đám đông bặm trợn xông vào, chú đá văng từng thằng một. Duy có tên đầu sỏ râu quai nón nãy giờ đứng ngoài quan sát giờ mới nhảy ra, hắn ém người lại hai bàn tay chụm lại như giống hổ vồ mồi đi vòng quanh. Chú Phong vén tay áo lên để lộ vết sẹo sâu hoắm nơi bả vai chuẩn bị thủ thế thì đột nhiên đối phương của chú khựng lại: “Trời ơi, anh Phong, em Tư bèm đây” - hắn kêu lên bằng giọng miền Tây đặc sệt. Chú Phong cũng lắp bắp: “Tư bèm, sao..sao… mày ở đây”. “Em sẽ kể sau, em đã đành, sao anh giờ cũng đến nông nỗi này, em đã ngờ ngợ nhưng nếu không có vết sẹo em đã bị anh đánh chết rồi”. Dân làng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Tư bèm - tên đầu sỏ vội ngoắc tay ra hiệu đàn em rút lui, quay lại gằn giọng với người đàn bà sang trọng kia “Tui không làm việc này đâu, để lại đứa trẻ và về ngay không thì đừng trách thằng Tư này”.

Đám đông vội kéo đi nhanh như họ đến, và cũng chỉ còn lại bà, mẹ, tôi và chú Phong ở nhà chị Năm. Chị Năm ôm đứa trẻ khóc, chú Phong ngồi bậu cửa ưu tư, mẹ tôi chửi đổng quân mất dạy nào đó, còn bà tôi chép miệng: “Đàn bà đẹp khổ lắm con ơi!”

Đêm đó tôi lại leo lên nóc nhà chị, thấy ánh đèn le lói và chú Phong ngồi như hoá đá ở giữa nhà. 

- Phải đi thôi Năm
- Nhưng đi đâu bây giờ anh Phong.
- Đi vào trong kia, chỗ nào có thể nuôi được đứa trẻ.

Sự im lặng đáng sợ bao trùm một lúc lâu. Chợt chị Năm nói nhỏ: “Anh có nghe thấy trên nóc nhà có tiếng chi không? “ - “Ừ có, nghe như có tiếng chân người”

Bị phát hiện, tôi trườn xuống và chạy một mạch về nhà đắp chăn ngủ dù trong đầu còn một mớ hỗn độn. Sau đêm đó tôi bị sốt li bì, trong cơn mê thấy có ai như chị Năm rờ tay lên đầu, bàn tay mát lạnh. Chú Phong đứng cạnh cười, mẹ tôi ôm đứa trẻ sụt sịt, bà tôi thì cầm tay chị chép miệng “Tay lạnh thì ấm lòng”. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe thấy tiếng của chị Năm và chú Phong. Khi ốm dậy mẹ tôi bảo chú Phong và chị Năm đã đi từ tối hôm đầu tiên tôi đổ bệnh.

…......

Những năm về sau khi đã là một chàng trai trưởng thành,  vào Sài Gòn tôi tình cờ gặp lại chú Tư “bèm”, mà cái sự tình cờ với cuộc đời của chú cũng là một câu chuyện dài. Tôi hỏi có biết gì về chú Phong và chị Năm không. Chú bảo biết rõ, rất rõ là đằng khác. Đứa trẻ cũng sắp thành thiếu nữ rồi, đẹp y mẹ nó. Tôi đánh bạo hỏi có giống chú Phong không. Chú nhìn tôi và hỏi lại “Vậy cả làng mi không biết chiến tranh lấy đi của anh Phong cái gì sao.” Vậy sao, tôi nhờ chú nhắn cho chú Phong và chị Năm, rằng hãy liên lạc với thằng Đáy này, rằng hãy một lần về thăm quê, rằng làng mình khác xưa rồi, rằng bà và mẹ vẫn mong 3 người như xưa, rằng ngày xưa thăng Đáy thường nghe trộm “Dạ cổ Hoài Lang” của chị Năm mà đến giờ nó mới biết dư chừng như thế.

Rằng còn nhiều chuyện trên nóc nhà lắm…!

…….

Hôm nọ tôi nhận được thư của chú Phong, trong đó có câu thơ như thế này, mạn phép chú lấy làm tựa đề cho câu chuyện của tôi:

Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão

Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát hi sinh, khổ đau, chịu đựng


Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu…

Chẳng biết thơ của chú hay của ai nữa.

Tokyo. 2014. 01. 04