Friday, January 3, 2014

Chuyện nhỏ như con thỏ đang gặm...xương!!! (phần 2)

Nhân một ngày báo mạng hôi chuyện hôi của(*), và vì đại cục(**), mở máy tính viết tiếp phần hai của những truyện ngắn tũn...

1. Láp xe độp

Hồi mới lên Hà Nội, mặc dù được bố mẹ đầu tư cho con xe cào cào mới cứng nhưng chả hiểu sao nó cứ hỏng lên hỏng xuống, nhẩm tính lại thì số tiền sửa cũng phải suýt soát một nửa tiền mua xe. Đau nhất  là có lần bục săm ngay giữa ngã tư cầu vượt gần ĐHQG, thất thểu dắt bộ rồi bị "chém đẹp" 20 ngàn - số tiền bằng những hai ngày ăn của cậu sinh viên nghèo.

Ấy thế mà vẫn có lần đi dạy tối về đang bon bon trên đường Xuân Thủy đầu xe bỗng lắc lư rồi đánh rầm một cái ngã chỏng vó, bánh xe lăn theo một quỹ đạo khá đẹp rồi hạ cánh an toàn ở quán sửa xe ven đường. Tuy tiếp đất bằng hai tay và lộn một vòng nhưng cũng kịp nhủ thầm, sao ngã khéo chọn chỗ ghê.

Anh thợ sửa xe chạy vội đến đỡ, cũng chẳng hỏi mình ngã có sao không chỉ cười hềnh hệch và chỉ tay vào cái bánh xe: "Cái láp xe độp quay đẹp quá heng". Chưa kịp hoàn hồn về cú ngã nhưng nghe câu "láp xe độp" mình cũng phải bật cười. Hỏi ra thì biết anh thợ người Quảng Nôm, mới ra Hà Nội có 3 tháng, cả tiếng đồng hồ ngồi gõ gõ vặn vặn cho mình mà chỉ lấy có 7 ngàn.

Chết cha, lục cả túi mới chỉ còn 2 ngàn trong ví, chả biết nói sao đành chìa 2 ngàn ra bảo, em chỉ còn từng đây, anh đợi em về kí túc rồi lấy tiền gửi anh. Anh thợ lại cười hềnh hệch, thôi để 2 ngàn zề mà mua bánh mì, mai ra đây đưa anh cũng được, giờ anh cũng phải zề đây.

Hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau nữa nữa,... thằng sinh viên nghèo lượn qua lượn lại mà không thấy anh thợ Quảng Nôm đâu, 7 ngàn cộng 3 quả xoài xanh cứ để mãi trong cặp. Giờ chép miệng nghĩ bụng, cái hồi đấy nghèo nên chả có số điện thoại mà xin.

Tự nhiên nghĩ nếu bây giờ bị ngã giữa dòng xe máy nườm nượp, không biết cái "láp xe độp" sẽ lăn về đâu...!

2. Quán cơm

"Sáng 2 ngàn, trưa tối 5 ngàn" - công thức của sinh viên ở quán cơm bình dân. Quán nằm ngay dưới tầng 1 kí túc, vào gọi cũng chỉ dám gọi thịt băm hoặc mướp đắng xáo trứng vì nhiều, trộn lẫn với cơm  đánh vèo phát 5 phút rồi lại nghênh mõm ngồi hóng chuyện.

Chị chủ quán béo tốt, đẫy đà chả bù cho đám nhân viên đứa nào cũng bé tí, gầy như mấy thằng sinh viên. Thỉnh thoảng đang ăn lại nghe trong bếp la lối om sòm: "Mày làm ăn thế tao tống cổ mày về quê". Chép miệng, nuốt vội miếng cơm đánh ực một cái rồi nghĩ bụng "chuyện đời" -  thằng sinh viên mới 18 tuổi thở dài như cụ già.

Có lần cô bé lấy cơm cho mình, mắt hoe đỏ, chắc vừa bị chị chủ mắng, nhưng vẫn kịp lén gắp cho mình miếng thịt luộc - mình nhìn thấy chẳng cầm lòng được liền hỏi "Em có thích đọc truyện không nao anh cầm cho mượn mấy cuốn" - "Có có ạ, mai anh cho em mượn nhé" - mắt cô bé sáng lên, giọng còn khàn khàn có lẽ vì khóc nhiều quá.

Về kí túc, lục cả tủ sách, tự nhiên cáu làu bàu, " đ gì toàn mua sách khó hiểu", lựa mãi được ra 2 cuốn "Những tấm lòng cao cả" & "Những người thích đùa" là có vẻ dễ đọc đem cho cô bé. Cô bé thích lắm cảm ơn rối rít.

Tuần sau, đang ăn lại nghe trong bếp có tiếng xoảng một cái. Mấy thằng sinh viên nghe ngóng xem có "cơm chửi" không, ấy thế mà lạ đời, tiếng chị chủ quán nhẹ nhàng "Cô dặn con bao lần rồi, lần sau lau bát khô thì cầm không bị tuột tay". Thế rồi thôi, mấy thằng nhún vai cười bảo "Hôm nay chắc mưa, quên không mang ô".

Lát sau cô bé chạy ra cầm trả mình hai quyển truyện bảo, truyện anh đọc hay lắm, cô chủ cũng thích đọc lắm anh ạ. Anh lại cho em mượn truyện nữa nhé. Mình ớ người ra rồi gật đầu, đứng lên về nhà cất "Chiến tranh và Hòa bình" vào trong hòm khóa lại, đạp xe ra đường Láng săn mấy quyển sách mà cả cô bé và chị chủ quán có lẽ sẽ thích đọc. Gió thổi nhè nhẹ làm lọn tóc trước trán lơ phơ bay,  tự nhiên thấy yêu con "mọt sách" lạ lùng...!


3. Mồng tám tháng 3

Mồng tám tháng 3 vừa rồi, lặn lội từ quê lên Hà Nội, từ Gia Lâm đi xe buýt vào trung tâm thành phố chơi với "nàng", thấy xe buýt Hà Nội dạo này "văn minh" quá, đã được đi xe rồi còn được nghe VOV giao thông. Qua Gia Lâm một đoạn một cậu thanh niên cầm bó hoa to tướng nhảy lên làm cả xe nhìn hiếu kỳ. Anh phụ xe ra thu tiền mua vé nháy mắt, "Hoa tặng nàng to nhỉ?", anh thanh niên thở dài, "Chả biết có lên cơm cháo gì không? Sinh nhật mới tuần trước chứ mấy". Mấy bác ngồi cạnh nói vọng sang, "Phải đầu tư thì mới thắng lợi chứ!".

Bác gái ngồi dưới ngó lên, "Hoa đẹp và thơm thế, thế này không chết mới lạ". Anh thanh niên quay xuống hỏi "Bác đi đâu thế ạ?" "Bác đi khám mắt, mờ một bên rồi, từ quê lên lần thứ mười rồi đấy, tốn kém quá mà chả biết có đỡ không". "Vâng, chắc khỏi thôi ạ" - anh thanh niên ngần ngừ quay lên.

Đến gần viện mắt, anh thanh niên bỗng đứng phắt dậy, đặt bó qua vào tay bác gái nọ rồi bảo: "Chúc mừng 8-3 bác, chúc bác sớm khỏi bệnh" rồi chưa kịp cho ai nói gì anh lao vội ra cửa, đám đông lại xô đẩy leo lên.

Xe tiếp tục chạy, có cụ già ngồi cạnh lẩm bẩm "Tiên sư cái thằng, mang hoa vào bệnh viện làm gì". Bác gái nọ chẳng nói gì, chỉ cười, hai bàn tay nhăn nheo ôm chặt lấy bó hoa. Đến viện mắt anh phụ xe, chạy ra đỡ bác gái xuống xe rồi bảo: "Viện mắt đây rồi, bác nhớ qua đường cẩn thận nhé". Xe lại tiếp tục chạy, VOV giao thông đang phát bài hát "Từ một ngã tư đường phố..." - chợt nhận ra dễ đến chục năm mới nghe lại bài hát này.


4. Cô nuôi dạy trẻ

Hôm nọ thằng bạn chí cốt nhắn tin: "Cô Tâm sắp đi lấy chồng" - mình ớ người ra, "Cô Tâm là ai hở mày". "Là cô giáo dạy mẫu giáo tao!" - uh, cô nuôi dạy trẻ đi lấy chồng.

Mặc dù không đi nhà trẻ hay mẫu giáo ngày nào nhưng tôi biết cô Tâm vì mẹ cô bán bánh đa ngon nổi tiếng trong làng, thỉnh thoảng hồi còn nhỏ, bố vẫn bảo tôi đi mua bánh về nhắm rượu. Cô cũng là một trong mấy cố giáo dạy trẻ hiếm hoi của xã, tính đến nay có lẽ cũng đã hơn 20 năm trong nghề, ngót nghét trên bốn chục, đầu hai thứ tóc và có lẽ cũng có hàng trăm đứa trẻ đã được cô chăm sóc, thay tã, rửa ráy hay chỉ đơn giản là ngăn chúng nó không đánh nhau sứt đầu mẻ trán.

Ấy thế mà hiếm có ai như thằng bạn tôi nhớ đến cô như những thầy cô giáo cấp 1, cấp 2, cấp 3 khác. Cũng phải thôi, trách gì bọn trẻ con ngây thơ chưa có ý thức được ai đang chăm chút giữ gìn chúng, bây giờ ăn lên làm ra, đạo mạo cũng chả ai muốn nhắc lại cái thời trẻ trâu ấu trĩ ấy. Tôi nhớ có lần một anh bạn mặt đỏ tía tai khi về thăm quê đi ngang qua quán bị cô Tâm gọi lại vào bảo: "Giờ lớn đẹp giai thế này rồi cơ à, ngày xưa cô vẫn phải rửa đít cho mày suốt đó". Thế rồi từ đó anh bạn ấy chọn cách đi đường vòng mà không bị giáp mặt cô.

Thế đó, người ta quên hay giả vờ quên thì cũng chẳng rõ, nhưng có sự thật là những đứa trẻ hồn nhiên vẫn được cô che chở, có dỗ dành, có quát nạt, có tét mông và cô thì chẳng quên đứa nào. Đám cưới cô không biết học sinh có bao nhiêu người về dự, hay chỉ bọn lít nhít trong xóm trong làng, tay bốc thịt lấm lem và người thì hôi rình vì tè dầm.

Chả biết nên buồn nên vui khi thằng bạn lại nhắn tiếp, "Bây giờ thì có lẽ cô có thể chăm sóc cho đứa trẻ của riêng mình".

Chạnh lòng nhỉ,...đúng là chuyện nhỏ như con thỏ đang gặm ...xương!

Viết đến chuyện thứ tư thì dừng, quay lại kiếm tiền để có xương còn gặm tiếp...!

Hà Phương. Tokyo. 2013.12.11


(*): Vụ hôi bia ở Đồng Nai
(**): trích từ câu nói "kinh điển" của một giám đốc sở tỉnh Hà Giang
http://danviet.vn/thoi-su/khong-khoi-to-vu-tham-o-tien-cho-tre-tan-tat-la-vi-dai-cuc/20131210022052938p1c24.htm

No comments:

Post a Comment