Friday, January 3, 2014

Làng tôi, phố nhỏ, câu chuyện kể năm xưa

Khi có điều gì đó gợn lên trong tâm hồn tôi thường lôi những kỉ niệm cũ kỹ ra lau chùi lại. Và thông thường những kỉ niệm đó sẽ phải không liên quan gì đến những mảng trái tim gàn dở đang cồn cào kia – tôi gọi đó là những chắp vá của một thời đã xa.

Khi tôi sinh ra, làng tôi đã mang một cái tên kỳ lạ.-"Kỳ". Sau này tôi càng thấy cái tên này kỳ vì chưa bao giờ tôi cảm nhận được điều gì kỳ lạ từ nơi mình sinh ra và lớn lên. Những người xung quanh thân quen, ngày ngày chạm mặt, cả lũ bạn chăn trâu nghịch ngợm đủ trò bậy bạ cũng chưa bao giờ trở nên kỳ lạ và xa cách với tôi. Bọn bạn hay bảo tôi – "mày mới là thằng kỳ lạ nhất cái làng này". Tôi đi theo chúng nó, học tất cả những trò quỷ quái, lặn trong bùn, đá bóng ở những bãi lầy, dùng súng cao su bắn dây mơ vào mông trâu cho nó lồng lên mà chạy rông khắp đồng, hay ngồi xâu lá xà cừ thành một tràng dài hàng chục mét mà chẳng để làm gì. Chả mấy chốc tôi được bọn nó tin cậy và luôn cho làm vị trí dẫn đầu, có lẽ vì nguyên tắc "trung thực - không chửi bậy" của mình.

Làng tôi nằm giáp bên con phố nhỏ duy nhất của huyện nghèo dọc con đường độc đạo duy nhất chạy dài lên tỉnh, dân phố đua nhau lao ra mặt đường mở hàng quán, xây nhà. Những buổi chiều về dọc một con phố chỉ thấy người với người xếp ghế hóng mặt ra nhìn xe đi qua đi lại. Dân nơi khác gọi đó là "phố cò trắng", ngụ ý dân xứ này chỉ biết phất phơ ngồi xỉa răng, đi ra đi vào mà vô tích sự chẳng được việc gì. Mỗi năm khi có dịp hội hè đình đám, con đường vốn tồi tàn, con phố vốn hẹp lại thêm chật chội, dân ở đâu kéo về, ồn ào, la lối, "phố cò trắng" lại được dịp phát huy cái ưu thế vốn có – nhao ra đường, lấn thêm một tí, tụ tập khoe cái này khoe cái kia, chào mời và bán buôn tất cả những cái gì có thể.

Tôi không thích đi qua con phố ấy chút nào, có chăng chỉ lưu lại ánh nhìn tại những nhà của bạn bè tôi. Nhà thằng bạn thân tôi trên phố, hay nhảy vào nhà nó đọc truyện tranh, rủ nó đi đá bóng và thỉnh thoảng nhỡ mồm đứng trước cửa sắt giữa buổi trưa nheo nhéo gọi "Dũng Mỳ ơi!" – vì tiếng gọi ấy mà có lần tôi bị cô Mỳ - mẹ thằng bạn, ra mở cửa mắng cho một trận.

Không thích đi qua con phố nhưng tôi thích đi đến trường cấp hai của mình. Trường tôi nằm gần sông Hương, bé xíu và cũ rích, đến nỗi cả trường ai cũng quen nhau. Nhiều hôm đi học về nhẩn nha quay ngược đường đạp xe ra sông đi qua phà, đứng nhìn đám lục bình lững thững trôi và nghĩ cách làm cho cô bạn có đôi mắt to đen láy ngồi sau lưng hết giận mà thôi cốc thước vào đầu mình. Lục bình trôi trên sông khác hẳn với khi được mẹ vớt về hàng quang gánh rồi ngồi băm ra nấu cám. Tôi thường nghĩ, có nhà thơ nào khi viết về hoa lục bình tưởng tượng ra cảnh băm bèo không nhỉ? Chắc là không, có chăng chỉ có mình mà thôi. Tự nhận mình từ bé đã là nhà thơ.


Phố nhỏ nhiều người điên, hoặc đó là người điên từ nơi khác kéo đến. Trong số những người điên rẻo bước trên phố có một người đi ra từ ngôi làng nhỏ của tôi – chú Kỳ. Tên của chú đặt theo tên làng, nhưng rồi người trên phố thêm vào chữ "điên". Làng tôi chả ai gọi chú bằng chữ ấy.

Chú là học sinh cũ của trường cấp 3 nơi bố tôi dạy. Nghe đâu ngày xưa chú học giỏi lắm, nổi tiếng cả tỉnh, bạn bè trong lớp ngưỡng mộ, cũng khối cô thầm yêu trộm nhớ nhưng khổ nỗi tính chú vô tư đôi khi ngốc nghếch trong chuyện tình cảm. Cô bạn nọ tặng ảnh chú đem trả lại với lý do: "nhà tớ chỉ treo ảnh thờ thôi". Lại có cô bạn thức cả đêm thêu đôi chim cắn mỏ vào khăn mùi xoa với hai chữ: P&K tặng chú. Tặng hôm trước thì hôm sau thằng bạn bị cảm thò lò nước mũi, chú thấy thương quá liền đưa chiếc khăn mùi xoa chim đôi ấy cho cậu bạn bảo: dùng cái này cho đỡ mất vệ sinh. Cô bạn nọ khóc òa lên nghỉ học mấy hôm.

Chú tốt tính lại hay giúp đỡ mọi người nên chuyện về chú người làng tôi đồn đại nhiều lắm, ngày chú đỗ thủ khoa đại học, rồi được đi học nước ngoài – nghe đâu cả làng đến tiễn chú, các cô sụt sùi, các bà các mẹ chạy lại dúi cho cân ruốc, khoanh giò. Cả làng mở mày mở mặt, đó là người đầu tiên của xã tôi được đi du học.

Vậy mà mấy năm sau người ta thấy chú lê bước trên con phố kia, quần áo xộc xệch,mặt mũi nhem nhuốc, chả ai biết nguồn cơn làm sao chỉ biết chú không còn nhận ra ai cả. Nhìn ai cũng một ánh nhìn bàng bạc, vô hồn, thỉnh thoảng lại rú lên những tràng cười. Những người hâm mộ chú khi xưa chuyển sang bàn tán, lũ trẻ con có người để chọc ghẹo. Chú đáp trả những điều đó bằng cái nhếch mép, đôi khi lẩm bẩm rổi lại lê dép đi. Tôi hay gặp chú trước cổng trường cấp 3, thấy chú cứ ngồi mãi nhìn vào sân trường, đợi bọn học sinh ra về - chú cất tiếng hỏi "Có bài về nhà không?". Lũ học trò ngạc nhiên đưa thử bài ra, chú ngồi nghĩ ngợi một lúc rồi viết lời giải đưa cho bọn chúng. Từ đó chú cứ ngồi trước cổng trường làm bài tập hộ lũ học trò – bác bảo vệ thấy thế không nỡ đuổi đi.

Từ khi đó, người ta đỡ ác cảm về chú hơn. Rồi người ta kháo nhau, chú học nhiều quá bị điên. Lũ trẻ con rất thích thú với tin này vì điều đó đồng nghĩa với việc chúng sẽ tìm ra cái cớ để cãi bay cãi biến với bố mẹ mỗi khi trốn học đi chơi: "Con mà học nhiều thì lại như ông Kỳ điên à!". Thỉnh thoảng tôi hay đến gần chú, chả nói gì cả, chỉ ngồi quan sát xem có lúc nào đôi mắt kia không vô hồn không.  Chú cũng quen với sự có mặt của tôi và không nói gì. Tôi nhận ra những ngày mồng một đầu tháng đôi mắt ấy không còn vô hồn nữa nhưng đau đáu như mang tội. Đó là ngày chú không cười. Có một lần tôi đánh bạo hỏi: "Sao hôm nay chú không cười!". "Đời người cười mãi được sao" – chú trả lời. "Sao chú lại về!" – tôi đánh bạo hỏi tiếp. Chú gục đầu xuống, miệng lẩm bẩm: "Cháy cháy cháy hết rồi".

Đó cũng là cách mà chú Kỳ của làng tôi ra đi! Nghe đâu người làng tôi bảo, câu cuối cùng người ta nghe thấy chú nói là "cháy cháy cháy hết rồi". Bí mật của chú bị chôn vùi, lũ học trò mất đi một người giải bài không công, bọn trẻ con cũng dần lãng quên cái lý do để khỏi phải học nhiều. Riêng tôi cảm thấy sự trống trải khi đi qua trường cấp 3 mà không có chú Kỳ ngồi ở cổng, ngày rằm và ánh mắt chú cứ ám ảnh tôi mỗi khi qua đó. Nhờ chú tôi cũng đỡ ác cảm về phố nhỏ và những người điên hơn. Sau này khi xem phim "Hoa trạng nguyên" về một ông viện sĩ hóa điên, tự nhiên tôi lại thấy nhớ chú. Có thể khi chết đi tâm hồn chú sẽ được thứ tha và gột rửa cho tất cả những ám ảnh bấy lâu chú lưu giữ trong đôi mắt sập cửa vô hồn ấy. Có thể chú sẽ thành một bông hoa trạng nguyên.

Làng tôi – phố nhỏ - câu chuyện năm xưa qua đi, câu chuyện nào đang chờ đợi tôi. Không hiểu sao khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến anh bạn "viện sĩ Xuân Bách" đang đi du học của mình. Anh bạn à, học vừa thôi, phố nhỏ hết người điên rồi!

Ha Duong!

No comments:

Post a Comment