Friday, January 3, 2014

Trên nóc nhà có tiếng chân người (phần 1)

Mở đầu: Tôi thích những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư vì ngòi bút thật, chân thành,  nhưng vẫn sắc nhọn của chị, đến nỗi gập cuốn truyện lại rồi vẫn thấy gì đó dai dẳng, nửa đau nửa hi vọng, thôi thúc cồn cào ta phải nghĩ, phải bắt tay vào làm. Tôi không muốn mình bắt chước cách viết nào đó, nhưng có điều gì đó khiến tôi đặt bút viết trong một căn phòng cao ốc với máy tính với những con số nhảy múa xung quanh.

Chỉ để viết tiếp câu chuyện đầu tay thời thơ ấu còn dang dở. Những câu chuyện về tình yêu thương mà tôi ấp ủ bấy lâu.  Bạn đừng vội phán xét nhé, đó chỉ là một cuộc hành trình của một cậu nhóc mà thôi. Hành trình đó mang tên: "Trên nóc nhà có tiếng chân người".

Hà Phương. 2013-08-09

Kỳ 1:  Người lái tàu và những lời nói dối


Tôi là một thằng nhóc thích độ cao, thích đến nỗi tôi mong muốn cái tên của mình cũng phải thể hiện sự yêu thích đó kiểu như: Đỉnh, Vươn, Nhất, hay đại loại là cái gì đó cao hơn những thứ khác. Vậy mà tên cúng cơm của tôi lại đi ngược lại hoàn toàn với những yêu thích đó: "Đáy".

Mẹ tôi kể rằng hồi mẹ mang thai tôi đúng mùa mưa bão, bố đi bộ đội xa, nhà chỉ có bà nội và mẹ. Năm ấy căn nhà có tuổi thọ mấy chục năm mà các cụ để lại gồng mình lên chống đỡ những trận mưa rào nặng hạt, những trận bão gió quật không thương tiếc như muốn thổi bay tất cả. Sau cơn bão, nóc nhà nào nhà nấy tơi tả, mẹ tôi là người xốc vác càng không thể để căn nhà chất đấy xô chậu hứng nước mưa rơi lộp độp,và dù cho mang thai tháng thứ chín, mẹ vẫn trèo lên lợp lại những viên ngói vỡ mặc cho bà can ngăn hết lời.

Và mẹ đau đẻ tôi ngay trên nóc nhà mình. Mẹ kể khoảnh khắc đó chỉ muốn xuống thật nhanh, lo cho mẹ thì ít mà lo cho tôi có thể chui ra bất cứ lúc nào ngay trên nóc nhà ấy. Và để minh chứng cho cái sự lo lắng đó, bố mẹ đã đặt tên tôi là "Đáy" - đối lập với nơi tôi định nhao ra - "nóc".

Thằng Đáy sinh ra, lớn lên theo đúng mong ước của nó lúc mới chào đời. Địa điểm đóng quân của tôi luôn là một nơi có độ cao đặc biệt, đặc biệt đến mức bà nội hay mắng yêu tôi: "muốn tìm được thằng Đáy lúc nào cũng phải ngửa mặt lên trời, mỏi hết cả cổ". Đúng vậy, vừa thấy tôi trên đỉnh đồi, thoáng một cái đã leo chót vót lên ngọn cây dừa, hay chồm hỗm trên nóc nhà ai đó nhai nhồm nhoàm mấy quả xoài xanh vặt trộm.

Làng tôi nghèo, cái sự nghèo dở dở ương ương - kiểu như trẻ em vẫn có dép nhựa để đi nhưng cả làng không có nhà nào hai tầng cũng chả có ai có công nông. Và thế là nóc nhà thành nơi lý tưởng với một đứa thích độ cao như tôi. Tôi thích cái cảm giác đứng trên nóc nhà chông chênh, dụi dụi chân vào mái ngói toàn rêu trơn tuột. Tôi cũng thích cả cảm giác nằm ép mình xuống trụ giữa giữ thăng bằng, hai chân quàng ra hai bên mái và lim dim ngủ, chỉ có mình, trời và cái nóc ấy, đến cơn gió cũng không nỡ vô tình thổi mạnh làm ngã.

Làng tôi chỉ cách đường tàu có vài chục mét, thế nên lũ trẻ chúng tôi nghe tiếng còi tàu để thức dậy, để về ăn cơm trưa, hay để kết thúc cho một ngày lấm lem lăn lộn ngoài đồi. Nếu bạn là người yêu thích những con tàu, và nếu bạn có thói quen nhìn qua cửa sổ ngắm những vùng đất bạn đang đi qua, có khi nào bạn bật cười khi nhìn thấy một lũ trẻ ngồi trên lưng trâu tay cầm đống cỏ lau phất phất và hò reo ầm ĩ, có khi nào bạn để ý đến một cậu bé đứng trên nóc nhà, người gầy nhẳng, hai tay giơ cao hươ loạn xạ và rú lên như điện dại khi tiếng còi tàu nổi lên. Nếu chỉ một lần thôi bạn nhìn thấy những cảnh tượng đó, biết đâu bạn đã đi qua ngôi làng của tôi.

Lũ trẻ chúng tôi ngưỡng mộ những con tàu, và vì thế thần tượng những người lái tàu, đồng nghĩa với việc yêu quí anh em thằng Tí. Bố Tí - chú Dân - một người lái tàu vĩ đại đáng mến, là thần tượng của bọn trẻ trong làng chúng tôi. Mỗi lần chú về làng, bọn trẻ con lại có quà, mỗi lần một khác đến nỗi chúng tôi không còn nhớ mùi vị các loại bánh kẹo như thế nào nữa. Câu quen thuộc của chú khi gặp trẻ con là "Ngoan nhé, lớn lên chú cho theo đi tàu!"

"Lớn lên được đi tàu" - ước mơ cao cả đó mà bây giờ nói ra có lẽ sẽ bị bọn trẻ con hếch mũi lên cười, ít ai biết với chúng tôi đó là mục tiêu, là chuẩn mực của việc "lớn lên", đến nỗi chúng tôi hay đe nhau "mày còn thế tao bảo chú Dân không cho mày đi tàu đâu". Và như lẽ đương nhiên, chúng tôi và cả làng yêu quí, nâng niu anh em thằng Tí hết mực. Tí 5 tuổi, và cái Là em nó mới có 3 tuổi, hai anh em nó dễ thương đến nỗi ngay cả không phải chú Dân là lái tàu cũng chả ai nỡ bắt nạt bọn nó. Đánh trận giả bên nào cũng tranh giành thằng Tí cái Là về bên mình, có lần trận giả chưa đánh mà vì giành anh em Tí bọn tôi đã tương nhau sứt đầu mẻ trán.

Trong những nóc nhà, tôi thích được leo lên nhóc nhà thằng Tí nhất, vì đó là nóc nhà của "người lái tàu vĩ đại". Nhưng một hôm, từ khi khám phá ra "bí mật" của người lái tàu vĩ đại, tôi đã từ bỏ địa điểm yêu thích đó.

Hôm ấy, như thường lệ đang nằm thiu thiu ngủ trên nóc nhà Tí, tôi chợt nghe thấy tiếng Tí nói chuyện với mẹ:
- Mẹ ơi, hôm nay anh Tèo con bác Hoan mang cho con mang cho con 10 cuốn vở. Anh ấy bảo để con tập viết chữ đi học.
- Chết! Cô Hoa - mẹ Tí ngạc nhiên, sao không bảo mẹ sớm, để mai mẹ gửi tiền bác ấy.
- Nhưng anh ấy bảo bố gửi tiền rồi. Hôm nọ, ra chợ bác Hiền cũng bảo từ nay sáng cứ ra chỗ bác ăn quà sáng, bố gửi tiền cả rồi. Sao bố tài thế hở mẹ, ở tít xa mà vẫn gửi được tiền về.
- Ừ, tiếng cô Hoa ngập ngừng, bố thương hai đứa lắm, giờ hai đứa ngủ sớm đi kẻo bố giận nhé.
- Vâng ạ!

- Hoa ơi, ngủ chưa em! tiếng ai như tiếng bác Lanh làm máy xát trong làng.
- Dạ chị Lanh ạ, em chưa, chị đợi em lát.
- Để bọn trẻ ngủ, ra đây chị bảo.
- Vâng, có việc gì đấy chị.

- Bọn trẻ ngủ chưa, bác Lanh thì thầm.
- Rồi chị ạ, cả ngày chạy nhảy, tối đặt lưng xuống là ngủ luôn.
- Vậy à, này chị có hai bộ quần áo này cho thằng Tí với cái Là, hôm nay may cho hai đứa nhà chị, tiện công may cho hai cháu nhà cô luôn. Cô cầm lấy cho chúng nó mặc, không phải tiền nong gì đâu.
- Không, em không nhận đâu, bác may cho cháu thì để em gửi tiền.
- Yên, cho bọn trẻ ngủ, tiền nong gì ở đây. Chú Dân tốt với cả làng, làng không tốt được với vợ con chú ấy hay sao.
- Vâng, nhưng..
- Không nhưng gì cả, cầm lấy không mai tôi không cho nhà cô xát thóc đâu. Thế cô không định đưa chú ấy về à, còn giấu bọn trẻ đến bao giờ.
- Vâng, nhưng bọn trẻ còn bé quá chị ạ.
- Rõ khổ, bác Lanh thở dài. Chú ấy cứu cả đoàn tàu còn mình thì không cứu được. Người như chú ấy sao lại đi sớm thế chứ. Mà này, sao trên nóc nhà nghe như có tiếng chân người nhỉ?

Nghe đến đây, tôi bàng hoàng chợt hiểu ra tất cả. Thì ra đã nửa năm nay chú Dân không về nhà là vì điều đó, tôi cũng loáng thoáng nghe mẹ nói về vụ tai nạn tàu ở đâu đó nhưng không thể ngờ được người đó lại là chú Dân. Trong đầu tôi là một mớ hỗn độn, không để ai phát hiện, tôi từ từ trườn xuống rồi lặng lẽ đi về nhà. Chú Dân mất đi, nếu biết chuyện anh em thằng Tí sẽ ra sao, bọn trẻ trong làng sẽ ra sao. Tôi cũng lờ mờ nhận ra ý nghĩa của câu "bố gửi tiền về rồi" và những điều yêu thương cay xè nước mắt mà những người lớn đang dành cho anh em Tí. "Bọn trẻ còn bé quá!" - tôi nhớ lại lời cô Hoa, và sau đêm đó quyết định chôn chặt "bí mật" mà mình phát hiện. Sáng tinh mơ, mắt còn sưng vù vì một đêm không ngủ, tôi chạy sang nhà Tí đưa cho nó tất cả các chiến lợi phẩm mà từ trước tới nay tôi có được. "Bố em gửi về đấy?" - tôi nói vội một câu rồi chạy về, không nhận ra thằng bé đứng như trời trồng do mới ngủ dậy hay quá đỗi ngạc nhiên như một điều kỳ lạ từ trên nóc nhà rơi xuống.

Sau này, khi "lớn lên" thực thụ, khi lần đầu tiên được đi tàu hỏa, tôi đã kể câu chuyện đêm đó cho thằng Long - một trong những chiến hữu của mình hồi nhỏ, cũng cùng trên chuyến tàu với tôi. Nghe xong, nó trầm ngâm và bảo: "Hồi đó tao cũng nghe lén được bố mẹ tao nói chuyện với nhau, cũng đau lắm nhưng tao cũng quyết định như mày, không nói với ai. Tao cũng bắt chước người lớn, lén đem tiền mừng tuổi mua cho thằng Tí cái cặp rồi bảo là chú Dân gửi về. Tao vẫn còn nhớ lúc nó nhảy cẫng lên vì sướng, còn tao thì rớt nước mắt."

"Uh, bây giờ thì ai cũng lớn và cũng biết hết chuyện rồi. Có điều, người lớn làng mình đểu quá, toàn nói dối trẻ con"
"Uh," Long khẽ cười như khẳng định. "Làng mình đểu thật đất mày nhỉ!"

Không ai bảo ai, tôi với nó đều nhìn ra cửa sổ, chợt nhận ra con tàu đang đi qua ngôi làng của mình.
"U u u....."

Kìa, trên nóc nhà có tiếng chân người...

Tokyo. 2013-11-06

No comments:

Post a Comment