Friday, January 3, 2014

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, tôi trọ ở đó


"Điều gì bạn muốn kể nhất về Hà Nội?" - Masami hỏi tôi. Thật là khó vì Masami đã từng đến Hà Nội nhiều lần, cô biết rõ những địa danh nổi tiếng, biết rõ lịch sử của thành phố nghìn năm tuổi, biết rõ cách qua đường giữa hàng chục làn xe máy ở Việt Nam, cô cũng đã từng mặc chiếc áo dài trắng thướt tha bên Hồ Gươm giữa mùa thu Hà Nội hay lang thang những quán cóc vỉa hè thưởng thức một văn hóa ẩm thực bên lề đường.

Masami kể với tôi về Tokyo - những góc khuất trong căn phòng tối của thủ đô hiện đại này. Lạnh lùng và rối ren như một cuốn tiểu thuyết của Murakami Haruki vậy. Masami thấy bình thường, tôi cũng thấy bình thường - có lẽ nhịp sống ở đây đã khiến chúng tôi quen với những góc khuất đó, như những người Nhật đọc "Rừng Na Uy" - họ sẽ gật gù :"chúng ta đã như thế và đang như thế", không giống những người Việt đọc "Rừng Na Uy" - họ lại chìm đắm trong một thế giới riêng mà họ tự tạo ra - thấy mình gần giống những nhân vật trong đó và xã hội này ở đâu cũng thấy giống nhau.

Không giống nhau đâu - tôi chẳng biết phải giải thích thế nào với Masami về những ý nghĩ trong đầu mình. Đã có lần tôi muốn viết về một "Vietnam genki" trong một đống hỗn độn, tối tăm, kiệt quệ và tuyệt vọng mà ta thấy nhan nhản ngòai đời.

Masami à, em có muốn biết về những ngõ nhỏ Hà Nội không?

1. Tôi gặp anh ở một con ngõ nhỏ như thế trong một dịp tình cờ: "đi tìm nhà trọ". "Em tìm nhà trọ phải không, nhưng bác chủ nhà đi vắng lát mới về. Em có đợi thì vào đây anh cho ngồi nhờ." - và thế là tôi bước vào nhà anh, điều mà tôi không thể tưởng tượng khi đến Hà Nội - được ai đó không quen biết mời vào trong nhà. Sau hôm đó, tôi trở thành hàng xóm của anh. Ngõ nhỏ có mấy mươi nhà nên tất cả đều biết nhau, người ta gọi anh là "Dân đàn", anh thì tự gọi mình là "Dân gàn" - anh tự nhận mình như thế vì cứ đến chập tối anh lại vác đàn ra đầu ngõ ngồi đánh những bản guitar xưa mặc kệ tiếng còi xe inh ỏi. Nhưng người trong ngõ bảo mỗi lần thằng Dân đàn không ra lại thấy thiếu vắng và bứt rứt trằn trọc không ngủ được.

Nhà anh là biệt thự xưa của Hà Nội, nghe đâu ngày xưa nó đẹp lắm ba mặt nhìn thẳng ra đường cái, rộng thênh thang nhưng bây giờ người tứ xứ ở đâu đến bịt kín cả con đường khiến ba mặt đường quay ra đụng chạm lô nhô toàn nhà là nhà chỉ để hở một lối đi chừng hơn 1m đủ cho xe máy đi vào. Bố mẹ anh nhớ lại ngày xưa thấy tiếc nhưng không trách những người đến đây ở, bố anh bảo: "có ai sống một mình ở đất này đâu, cái ngõ này đùm bọc nhau từ hồi đấy đến giờ". Bố mẹ anh hiếu khách, tôi còn nhớ có lần mình được mẹ anh chiêu đãi bát phở ngon nhất Hà Nội - bát phở mẹ nấu - như cách anh vẫn nịnh mẹ. Anh sống cùng bố mẹ và vợ chồng anh trai, căn nhà chỉ ngày càng cổ đi chứ không ọp ẹp và cũ kỹ. Anh trai anh muốn bố mẹ bán ngôi nhà này, chia đều cho hai anh em để được sống chỗ rộng rãi hơn - "tao không muốn sống trong cái hẻm tối tăm này với một thằng què" - có lần tôi ở nhà bên nghe thấy anh trai anh lớn tiếng. Đêm ấy mặc dù anh đàn đến rất khuya nhưng sao tôi vẫn trằn trọc không ngủ được.

Bố mẹ anh không muốn bán nhà, cả cái ngõ này cũng không muốn. Mọi người bảo khi nào còn nhà anh thì còn một Hà Nội xưa để ngắm nghía và hổi tưởng. Anh trai anh nghe thấy vậy cũng ghét lây cả ngõ chả muốn nói chuyện với ai, bố mẹ anh chỉ buồn thêm. Nghe đâu bố mẹ anh cũng xuôi và nhờ người đánh tiếng bán nhà. Ngõ nhỏ lại phải trằn trọc vì vắng tiếng đàn.

Tháng ấy tôi về quê, anh cho tôi cây đàn cũ, tôi dặn nếu anh đi nhớ gọi em lên, em sẽ tặng anh một món quà. Tôi định sẽ dùng tiền dạy gia sư mua tặng anh một cây đàn mới nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực. Tháng sau tôi gửi lại anh cây đàn cũ, anh nhận lấy cười và bảo: "Dân gàn vẫn hoàn Dân đàn". Nghe đâu anh trai anh đi uống rượu về bị ngã xe máy trúng gió ở đầu ngõ, người ta xúm lại, mỗi người một tay, người đưa anh vào nhà, người nấu cho bát cháo, người xức dầu cạo gió, người đem xe đi sửa - mấy hôm sau khỏe dậy, chính anh trai anh là người bảo nhất quyết không được bán nhà, nhất quyết không đi đâu cả. Độ ấy, thỉnh thoảng tôi còn thấy hai anh em ngồi uống chè ở đầu ngõ, em đàn, anh hát - những bài hát Hà Nội xưa.

2. Thỉnh thoảng đi học về tôi hay lai bà cụ, tôi nhìn thấy tất cả những cụ già đều giống như ông, như bà của mình. "Bà ơi, lên xe cháu chở một đoạn". - "Ừ,không bận thì cho bà đi nhờ". Bà hay bảo "Giá thằng cháu bà được như cháu, nó cũng đi học đại học mà suốt ngày chơi bời có mấy khi ló mặt về nhà". Tôi cũng được nghe người ta kể về ông cháu "phá gia chi tử" với những chiến tích chơi bời ấy. Nó tên là Sơn, bằng tuổi tôi nhưng hễ chạm mặt là thấy nó lầm lỳ phóng xe vọt qua chả nói năng câu nào. Nhiều lúc nghĩ chỉ thương bà cụ thôi!

Đầu ngõ có hàng bánh mỳ, người trong ngõ gọi là "hàng bánh mỳ của hai cô Kiều". Lần nào đi dạy về tôi cũng cố nán lại đó viện cớ mua bánh để nói chuyện với hai chị em. Cô chị học cùng trường với tôi, chắc cũng trạc tuổi tôi còn cô em thì đang học cấp 3. Sống ở đất Hà Nội giành giật xô bồ là thế mà hai chị em lúc nào cũng nhẹ nhàng, bánh mỳ bán cũng mềm mại và vừa miệng - ngon thật đấy, chẳng phải vì hai cô bán bánh mỳ xinh đâu.

Rồi có một ngày chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi nhìn thấy thằng Sơn lai bà đi chợ, thỉnh thoảng tôi thấy nó đi qua tôi và gật đầu chào. Dạo này nó ở nhà nhiều hơn, cười nói nhiều hơn và đi cùng bà nó nhiều hơn. Điều gì khiến nó thay đổi tâm tính như vậy, cho đến ngày ra khỏi ngõ nhỏ tôi vẫn chưa nghĩ ra. Trước hôm tôi chuyển đi nó có đến cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ bà trong thời gian qua, nó cũng xin cả email để có gì trao đổi. Tôi cũng chẳng hỏi thêm nó điều gì, chỉ thấy dự cảm điều gì đó, một điều gì hạnh phúc đang đến với bà.

Mới hôm qua thôi Masami à, anh nhận được một email rất lạ. Từ Sơn, nó bảo nó vừa cưới vợ: "Vợ mình chính là cô bán bánh mỳ đầu ngõ đó. Hôm cưới mọi người cứ đùa là từ nay thằng Sơn được ăn bánh mỳ miễn phí rồi. Bọn mình yêu nhau được 6 năm rồi, bà khỏe và vui lắm, thỉnh thoảng vẫn nhắc đến cậu. Hôm nào về nhớ qua ngõ nhỏ nhé!"

Ra là vậy Masami à, có lẽ hôm nào mình cũng phải đi khám phá những ngõ nhỏ, những con hẻm ở đây thôi. Để anh biết không có nơi đâu như ngõ nhỏ ấy. Sơn cũng nói rằng, cô em vợ nó cũng ra trường và chưa có người yêu, vẫn đang ở ngõ nhỏ chờ ai đó về. Em có cho anh đi không Masami, ngõ nhỏ phố nhỏ, nơi anh từng ở đó. Xách ba lô và đi...!

No comments:

Post a Comment