Friday, January 3, 2014

Từ trên cao nhìn xuống

Từ trên cao nhìn xuống

Japan. 28/02/2009
Tặng Bách và chị Trang

Cuộc sống dưới những con mắt

Từ lâu rồi tôi đã quen với cảm giác có một ai đó ở trên cao quan sát, để ý đến từng hành động, từng cử chỉ, từng lời nói của mình. Cảm giác đó không đem lại một sự sợ sệt, dè chừng mà trái lại nó giúp tôi thận trọng trước mọi quyết định, giúp tôi thêm kiềm chế, thêm yêu thương, thêm cả phản kháng và giận dữ.

Khi tôi đem điều đó nói với một người bạn. Cậu ấy nói rằng không thích sống như thế. Không thích phải sống tốt vì sợ ai đó trừng phạt, không thích phải sống tốt vì hi vọng sau này mình sẽ được đền đáp, không thích phải gồng mình trong một vỏ bọc nào đó. Cậu ấy thích sống tốt theo tự do, theo bản chất, theo những gì thật nhất của con người - điều đó mới thực đáng trân trọng.

Nhiều khi tôi cũng băn khoăn vì có những vỏ bọc mình đã tạo ra, băn khoăn vì những phút giây giả dối, không thật như đúng bản chất của mình. Tôi cũng băn khoăn vì những gì bạn tôi nói, rằng có thật mình đang gò bó, có thật mình đang sợ sệt, có thật mình đang lo lắng cho tương lai, cho hậu quả của những hành động hôm nay.

Tôi biết có những giây phút mình như thế nhưng chưa bao giờ do lỗi của những con mắt từ trên cao cả. Đó không phải là con mắt của sự trừng phạt, giận dữ, càng không phải con mắt của vị Phật nào đó soi xét hành động kiếp này để ban cho một kết cục tốt đẹp kiếp sau. Đơn giản chỉ là những con mắt chờ đợi và hi vọng, trông mong một điều gì đó nơi tôi, trông mong một điều gì đó nơi tôi,...

Lúc nào tôi cũng khắc khoải vì những con mắt từ trên cao nhìn xuống!

Người trẻ tuổi

Có một cụm từ mà những người lớn tuổi hay nói "cái tôi của tuổi trẻ". Tất nhiên không phải tự dưng mà có cụm từ ấy, có lẽ từ lâu rồi, "tuổi trẻ" thường được gắn với sự thâu tóm thế giới trong một con người. Nó hình thành cái tôi cá nhân, - cái tôi đáng trân trọng và có những lúc đáng ghét mà Xuân Diệu từng thốt lên:

"Ta là một là riêng, là thứ nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta".

Người trẻ tuổi có lý khi tôn sùng cái "tôi" của mình, nếu không có cái "tôi" thì những khái niệm "trẻ" - "già" có lẽ chỉ dừng ở sự phân biệt tuổi tác. Người tuổi trẻ khao khát in dấu vết tất cả mọi thực tại vào tư tưởng của mình, đem vào trong tâm hồn mình những cội nguồn của hạnh phúc. Ước muốn của người tuổi trẻ đặt cơ thể yếu ớt và non nớt của họ vào trạng thái bình tĩnh vĩnh viễn nhưng cũng có thể thiêu đốt và hủy diệt chính họ. Người trẻ tuổi lao vào những cuộc đấu tranh nhưng không phải vì vinh quang rẻ rúng, đơn giản là người trẻ tuổi không cần đến nó. Người trẻ tuổi gắn đấu tranh với bản thân mình như một cách để duy trì sự sống.

Nếu như những người già thường ngước mắt sáng suốt nhìn lại dĩ vãng thì người trẻ tuổi lại dát ngọc cho hiện tại bằng quá khứ, thông thường họ nhiều ước mơ, hoài bão nhưng không thiếu những ảo tưởng, những ước vọng viển vông tựa hồ như đang leo lên một quả khí cầu mà không biết nó bay về đâu, không biết bao giờ nó rơi xuống. Vì thế người trẻ tuổi dễ lâm vào cảm giác tuyệt vọng, có khi chỉ đơn giản khi họ đứng trước một bức tường sừng sững, đi vào tận cùng con đường, vào những ngõ cụt cũng có thể gây ra một sự thất vọng, chán chường nào đó.

Nếu ai đã từng đọc "Chiến tranh và hòa bình" có lẽ không quên hình ảnh một Pie ngơ ngác ở Petecbua, một Andrei với những thất vọng tràn trề. Đó là những người trẻ tuổi. Không, đó là những người trẻ tuổi không có những con mắt từ trên cao nhìn xuống.

Những câu hỏi

Từ khi những con mắt trên cao chưa đến, tôi là một người trẻ tuổi cô đơn. Đầy hoài bão, đầy ước mơ, đầy yêu thương nhưng những thứ đó phần lớn từ trong sách vở, lúc nào cũng canh cánh một điều to tác, lúc nào cũng nhìn những người xung quanh mình với một thái độ đối lập, nghĩ rằng họ khác mình, họ không hiểu được những gì mình suy nghĩ.

Người trẻ tuổi đi đâu cũng vậy, đi đâu cũng có cụm từ "tôi và phần còn lại của thế giới". Người trẻ tuổi không biết một điều đơn giản là những người khác cũng như vậy. Một anh chàng mọt sách, một cô nàng son phấn đỏng đảnh, một cậu công tử đàn đúm ăn chơi,...ai cũng nghĩ mình thật khác biệt, ai cũng nghĩ rằng chẳng hai hiểu mình. Và cảm giác ấy làm người trẻ tuổi dễ lâm vào hố sâu của sự thất vọng.

Tôi đi hỏi những vị đã thành đạt, hỏi về tuổi trẻ của họ, hỏi về điều gì khiến họ có thể vượt qua những giây phút lung lay nhất của tuổi trẻ và nhận được những câu trả lời như bao cuộc phỏng vấn khác: đam mê, lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Chẳng có điều gì khác người tuổi trẻ chúng tôi cả.

Và vẫn như thế, không có câu trả lời, đâu đó ở những góc phố vẫn có người trẻ tuổi đập đầu vào tường, đâu đó trên sân thượng vẫn có người trẻ tuổi gào thét, đâu đó trong những ngôi nhà vẫn có người trẻ tuổi lăn lộn bên những trang sách, bên những dòng chữ "sống" - "chết", đâu đó trên những con đường vẫn có những người trẻ tuổi lao mình vào cuộc sống vội vàng, chơi vội vàng, học cũng vội vàng, suy nghĩ cũng vội vàng.

Người trẻ tuổi có những quãng thời gian sống giống nhau!
  Người trẻ tuổi tìm câu trả lời cho những câu hỏi giống nhau!


Những con mắt từ trên cao

 Một buổi chiều tối đầu tháng 4 năm 2006, tôi có mặt trên chuyến tàu đến Đà Nẵng tham dự một kì thi cùng thầy giáo và các anh chị sinh viên khác của trường. Lần đầu tiên đi tàu, lần đầu tiên đi một quãng đường xa như thế, lần đầu tiên có cảm giác của một cuộc hành trình thực thụ thoát khỏi thế giới nhỏ, điều này làm tôi rất háo hức, không phải vì kì thi, mà là vì những cuộc gặp gỡ, những đối thoại, những cảnh sắc mà bấu lâu tôi mong chờ giây phúc được tai nghe mắt thấy.

Phòng tôi có 4 người, tôi, thầy Hoàng, một thầy giáo ở Vinh, một chị quê Hà Nội nhưng làm việc cho Viettel ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng toàn người lớn nên cũng ít rôm rả, chẳng bù cho phòng bên cạnh, vừa giải quyết xong bữa tối đã bắt đầu khai trương chiếu bài. Cảnh tượng như bao cảnh khác chơi bời của sinh viên, hai chị con gái ngồi túm tụm lại với nhau, mắt nhìn chằm chằm vào chồng bài trước mặt, mặt đăm đăm không biết nên đánh quân nào đi, một anh khác vừa đọc sách vừa đợi đối phương ra tín hiệu, thằng bạn tôi cận nặng thì dí sát mặt vào mấy quân bài khiến tôi có cảm tưởng những quân bài ấy được dán sẵn vào mặt nó. Một thằng bạn khác thì ư ử đoạn nhạc trong bản giao hưởng số 9, lúc ồn ào rộ lên, lúc thều thào, phù phù vì hết hơi. Tôi làm quân sư cho thằng bạn này, có lẽ vì thích Beethoven nên tôi chọn làm quân sư cho nó, và cũng có thể chẳng vì lý do gì cả. Chỉ là một cuộc chơi, một chỗ ngồi - ngồi đâu mà chả được.

Một lát thầy giáo tôi cũng sang, chiếu bài thêm phần rôm rả, có lẽ phần lớn bởi những câu chuyện của thầy. Những câu chuyện về tuổi trẻ nơi xứ người, về những ngày dạy học ở Vinh, về những ngày bôn ba nơi đất Hà Nội, về những điều chưa biết ở đại học của chúng tôi. Cả câu chuyện thầy đi dạy thêm tiếng Anh, dạy thêm Văn, những bí kíp khi thi đại học, cách làm một bài Văn thế nào để được điểm cao, cách kiểm tra bài tiếng Anh như thế nào cho kĩ lưỡng, cách làm thế nào để sống khi trong túi không một có một xu, về sự thật cuộc đại chiến chống 20 vạn quân Thanh của Nguyễn Huệ, rất nhiều rất nhiều .... có những thứ hài hước ngây ngô ở thời đại hiện nay, nhưng có những thứ sâu sắc triết lý chỉ người từng trải mới có thể quan sát và nhận định được. Tôi không phủ nhận rằng đó là những câu chuyện rất hay, rất bổ ích nhưng không hiểu sao nó lại khiến tôi buồn ngủ,  nhất là khi không khí rôm rả ở những câu chuyện đầu tiên đã trùng xuống. Tôi quay sang nhìn thằng bạn mình, cặp kính cận không che được ánh mắt lờ đờ, hai chị con gái thì mắt nhắm mắt mở, gật gù, dựa vào nhau thỉnh thoảng lại giật thót lên nếu nghe thấy một tiếng động mạnh nào đó.

Thầy tôi vẫn kể chuyện!

Cơn buồn ngủ ngày càng dày vò tôi hơn nhưng rõ ràng là tôi muốn nghe những câu chuyện đó và rõ ràng là thầy cũng muốn kể cho ai nghe những câu chuyện đó. Tôi căng mắt, cố gắng ngồi cho vững để nghe đến hết câu chuyện, và cuối cùng nó cũng kết thúc với câu chuyện về một người thầy của thầy tôi. Mọi người lục tục thu dọn, tôi và thầy trở lại phòng, ai nấy đều đã tắt điện đi ngủ từ bao giờ. Chúc thầy ngủ ngon, tôi trèo lên giường tầng 2, nhăn mũi vì mùi chăn chiếu lạ, đặt mình nằm xuống thấy thật dễ chịu và thoải mái khi được nghỉ ngơi. Tiếng tàu lăn bánh xình xịch trên đường ray là âm thanh duy nhất còn tồn tại nơi đây, vậy mà nó không hề gây một cảm giác khó chịu hay ồn ào nào, thậm chí nếu không có nó sẽ chẳng có cảm giác đi tàu nữa. Ngay từ lần đầu tiên tôi đã yêu tiếng tàu chạy, không phải tiếng tàu điện êm ru thần tốc ở Nhật, mà nhất định phải là tiếng tàu hỏa Việt, tiếng tàu hỏa chạy chát chát, xình xịch trong đêm tĩnh mịch.

Tôi nhìn ra cửa sổ những mong một dấu vết cho biết mình đang ở đâu. Chỉ có bóng tối, bóng tối tràn vào căn phòng từ lúc nhìn ra cửa sổ ấy, cảm nhận hương vị của bóng tối, cảm nhận cảm giác căng mắt nhìn, một màu đen tuyền, hư vô, trống trải, bế tắc.

Chợt nghe có tiếng thở dài! Không phải tiếng thở dài của tôi!

Đêm ấy có lẽ vì mệt nên tôi ngủ rất ngon.

Tôi thức dậy từ rất sớm, có lẽ vì lạnh. Tháng Tư bắt đầu một chu kì thời gian mới: ngày kéo dài hơn đêm. Tháng Tư, trong cái oi nồng của thời khắc chuẩn bị sang hè, mọi người sẽ được hưởng những ngày duyên dáng, dịu dàng hiếm hoi nhất trong năm. Tháng Tư, 5h, trời đã sáng, với những cô, những bác đi chợ là bắt đầu một ngày với cả núi công việc, với những bông loa kèn là bắt đầu của một ngày rong ruổi trên những chiếc xe, mang theo sự trong trắng tinh khiết tràn ùa về trên phố phường. Tháng Tư, lẫn trong ngàn chiếc lá nõn nà, những nụ bằng lăng căng mọng, chờ ngày bừng nở trên các ngả đường. Tháng Tư, lắng nghe tiếng chim ríu rít chuyền cành, đậu trên cành cây trước hiên nhà buổi sớm. Tháng Tư với hàng ngàn bướm trắng về bên những nhụy hoa khoe sắc, trên những cánh đồng cỏ xanh mướt trải dài vô tận.

Đấy là những gì tôi đọc về tháng Tư. Đến hôm ấy tôi chưa bao giờ cảm nhận được một tháng Tư như trong sách vở viết. Chỉ có điều tôi thích cái se lạnh của buổi sáng sớm, cũng có thể đó là một trong những điều duyên dáng nhất xuân ban tặng cho tháng Tư. Nhìn ra ngoài cửa kính, đoán mình đang ở Hà Tĩnh, chẳng có lý do gì cả chỉ vì cảm nhận mình đang ở Hà Tĩnh. Không thấy những "cánh đồng muối trắng", càng chẳng thấy "con đò mái cắm sào đứng đợi", bầu trời và những cánh đồng chẳng khác quê mình là mấy, có chăng chỉ một khung cảnh nhạt nhòa qua những giọt sương đọng trên mặt kính, có chăng chỉ là một bầu không khí trong lành, mặn mòi khác hẳn với những gì ngột ngạt, hỗn tạp nơi Hà thành xô bồ.

7h, mọi người trên tàu có lẽ đã dậy gần hết. Nhiều người lục tục xuống ga Đồng Hới, phòng tôi thì chẳng ai xuống. Bữa sáng bắt đầu với những câu hỏi xã giao đêm qua có ngủ ngon không. Thầy giáo ở Vinh chiêu đãi cả phòng món cơm ống tre, chị Viettel mang ra mấy hộp bánh cốm, thầy Hoàng có một chai rượu nhỏ làm bữa sáng thêm giàu hương vị và màu sắc. Trời sáng tôi mới có dịp quan sát đầy đủ hai người cùng phòng với mình. Thầy giáo ở Vinh nước da ngăm đen, đôi mắt sáng, lông mày rậm mở đầu câu chuyện về đại học Vinh với thầy Hoàng. Chị Viettel trên giường tầng 2, tóc dài, cao ráo, khuôn mặt không có vẻ gì đặc trưng lắm, giọng Bắc nhưng không phải là giọng Hà Nội như người ta thường ca ngợi. Có lẽ chị khoảng 28 tuổi, cũng chẳng phải vì tôi nhìn thấy dấu hiệu nào của tuổi 28 - đơn giản vì tôi cảm nhận như thế. Câu chuyện của chị Viettel nối tiếp câu chuyện của hai thầy giáo, về cuộc sống, làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Những câu chuyện của 3 người cứ nối tiếp nhau, không có sự liên kết nhưng vẫn cứ nối tiếp như vậy, lan man dàn trải.

Tàu đến Quảng Trị, thầy tôi bảo thế. Tôi không nhìn thấy dấu vết của những năm tháng chiến tranh ác liệt, với những người trẻ tuổi như chúng tôi, ấn tượng qua phim ảnh không sâu sắc đến nỗi nhận ra ngay được những dấu vết sau mấy chục năm. Chỉ có một điều, những cồn cát đập vào mắt, cát trắng xóa, lấp đầy những bụi cây thưa thớt, cả những mái nhà cũng thưa thớt như thế. Thầy tôi nói: "Cát như thế chẳng cây to nào mọc lên được, có chăng chỉ những bụi rậm và con người mới tồn tại được thôi. Đất cằn cỗi nên đứa trẻ nào lớn lên cũng mơ ước thoát khỏi vùng đất ấy.". Tôi và chị Viettel quay ra nhìn nhau, thầy ở Vinh cũng nhìn qua cửa sổ, mắt thầy tôi rưng rưng.

Tôi đã được nghe kể về một câu chuyện 3 chị em mồ côi cha mẹ nơi cồn cát, được một nhà báo đón về Hà Nội nhờ những tổ chức từ thiện giúp đỡ và cả 3 người hiện nay đều đã thành đạt. Người đi nước ngoài, người ở lại Hà Nội làm việc cho một công ty lớn, người định cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Cả 3 người đều là học sinh thầy tôi, hơn nữa thầy biết họ từ khi họ ra Hà Nội. Thầy kể về ý chí, về lòng ham học, về cả sự hoang dã, lạ lẫm ban đầu nơi thành phố, nhưng lúc nào cũng quyết tâm vượt lên của 3 chị em. Họ thực sự muốn thoát khỏi vùng đất đó, nhưng vì sao, họ vẫn có thể tồn tại như bố mẹ, ông bà bao đời nay của họ, họ cũng có thể buông xuôi bỏ mặc như bao con người khác trên những miền đất khác của tổ quốc. Thẩy tôi bảo rằng, người chị không thể đành lòng khi nhìn thấy những đứa em mình chịu khổ, người em không thể rời bỏ ước mơ của bố mẹ, rời bỏ ước mơ của bao người khác nơi mảnh đất cằn cỗi. Họ ra đi là để quay về thỏa nguyện những ước mơ ấy.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Có một đôi mắt đang nhìn tôi. Một bé gái trên nóc nhà đang nhìn tôi. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao em lại ở trên nóc nhà, và tại sao tôi không thể nhớ được hình ảnh em nhưng lại chẳng thể quên được đôi mắt của em dù cách xa hàng chục mét. Sau này khi có dịp nhớ lại tôi còn đặt ra giả thuyết đó là ảo ảnh, không thể có chuyện nhìn rõ đôi mắt với một khoảng cách như thế được. Nhưng cảm giác đôi mắt ấy nhìn là một cảm giác thật, đôi mắt ấy nhìn trông mong, chờ đợi, hi vọng....

Chúng tôi chia tay thầy giáo Vinh ở Huế, rồi chẳng mấy lâu sau đến đèo Hải Vân. Hồi bấy giờ, chưa có hầm Hải Vân nên vẫn còn được thưởng thức cái thú "qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi". Cả lũ sinh viên chúng tôi đổ xô ra xem, chị Viettel cũng đứng cạnh tôi. "Giá có một lần nhảy từ đỉnh đèo xuống nhỉ?". Tôi quay sang há hốc mồm vì ngạc nhiên. Chị Viettel cười, quay trở lại phòng leo lên chiếc giường tầng hai và đọc sách. Một lát sau tôi cũng bước vào, câu đầu tiên tôi hỏi là "Tại sao chị không làm việc ở Hà Nội mà lại đến tận thành phố Hồ Chí Minh" - "Vì có người cần chị ở đó nhóc ạ!". Chị gấp quyển sách lại, quay mặt nhìn tôi, cái nhìn khiến tôi rùng mình, cái nhìn như chứa đựng sự chất vấn - "chả lẽ không có ai cần em hay sao?".

Có ai cần tôi không nhỉ?

Bốn ngày sau, vào một buổi tối, tôi lại có mặt trên một con tàu trở về Hà Nội. Lần này trong phòng chỉ có tôi, Bách và Hùng. Mọi người đã sang hết phòng bên với những chiếu bài. Có các bạn Bách khoa đi cùng nên rôm rả hơn rất nhiều, Hùng và Bách cũng là những người bạn tôi mới quen ở Bách Khoa. Hùng - với thân hình bệ vệ của nó, chấp nhận từ bỏ chiếu bài để dành thời gian gọi điện cho một cô bạn. Chán chê với cái điện thoại cộng thêm với việc đè nén, chèn ép tôi vào một góc, nó cũng đứng dậy đi theo tiếng gọi của cờ bạc. Chỉ còn lại tôi và Bách.

Bách có nụ cười khiến người ta mến ngay từ lần gặp đầu tiên, cộng thêm tình yêu toán và nhạc cổ điển, lối nói chuyện nhẹ nhàng như con gái. Những điều đó đủ để khiến chúng tôi trở thành một đôi bạn thân chỉ sau mấy ngày. Những câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những chủ đề toán học, những nhà phát minh, những nhạc sĩ, những bản nhạc cổ điển, những câu chuyện lịch sử,.... Chúng tôi bàn luận về định lý không hoàn hảo của Godel, về bản nhạc Beethoven đề tặng Napoleon, về bài thơ Hà Nội phố của Phan Vũ,...tuyệt nhiên không có một câu chuyện về việc sau này sẽ làm gì, tương lai sẽ ra sao, không có một câu chuyện về những thắc mắc, những câu hỏi trăn trở thường thấy của người trẻ tuổi. Tôi không muốn hỏi Bách những câu hỏi như thế và dường như ngược lại, chúng tôi đang tìm câu trả lời cho bản thân mà không cần đặt câu hỏi.

"Bố tớ bị ung thư, Hoàn ạ".
Tôi im lặng, Bách mân mê cây sáo, mắt nhìn ra cửa sổ: "Nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu, tớ cũng vậy!".

Bách quay lại nhìn tôi, cũng là một điều kì lạ, trong ánh đèn ngủ mờ ảo tôi vẫn nhìn rõ đôi mắt Bách, trìu mến, thân thương, ánh lên những tia hi vọng, chờ đợi,....Bạn tôi cất tiếng hát trong đêm, bài đầu tiên chúng tôi hát là "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", bên núi Hồng Lĩnh, dòng sông La, đường Đồng Lộc, ....chúng tôi trở về "Hà Nội phố", ngắm nhìn "những ánh sao đêm", đón mùa xuân "làng lúa làng hoa",.....Đêm tĩnh mịch, tiếng tàu chạy đều đều, hai thằng con trai ngồi hát đối diện với nhau, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

Đêm đen tuyền, hư vô, trống trải nhưng không bế tắc.

Vĩ thanh

Buổi sáng khi đặt chân đến Hà Nội, lần đấu tiên trong đời tôi cảm nhận có những đôi mắt phía trên cao đang nhìn mình, cũng là lần đầu tiên những câu hỏi của người trẻ tuổi không còn làm tôi trăn trở. Những đôi mắt của thầy tôi, của bé gái nọ, của chị Viettel, của Bách, và có lẽ của cả bố mẹ, bạn bè, của rất nhiều người tôi chưa gặp trên mọi miền tổ quốc này đã cho tôi câu trả lời. Ở đâu đó, có đôi mắt chờ đợi hi vọng, có đôi mắt đang cần tôi, không phải hoải bão, đam mê, lý tưởng mà chính những đôi mắt nhiều góc độ ấy đã thôi thúc tôi sống tốt hơn mỗi ngày, thôi thúc tôi trở thành một người trẻ tuổi không tuyệt vọng, thôi thúc tôi biết quan tâm, sẻ chia, biết học được lòng bao dung từ sự ích kỷ, biết cố gắng mỗi ngày, biết khát vọng gắn với thực tế, biết nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

.....
Tháng 7 năm 2006, bố bạn tôi mất. Bạn tôi nói với tôi rằng: "Lúc nào cũng cảm thấy có bố đang nhìn mình".
 ......

Đã bao giờ bạn ngước nhìn lên và bắt gặp một đôi mắt đang nhìn bạn chưa?


4h sáng 01/03/2009


No comments:

Post a Comment