Friday, January 3, 2014

Nghe kohai đánh đàn – luận bàn về âm nhạc của tôi

Một bài đã viết được 4 năm. Nay đem ra đọc lại. 2013.12.14

 Cái tựa đề này nghe giống như tựa đề một chương trong “Dế mèn phiêu lưu kí”, có một chút gì đó kì cục, ngang ngang làm người đọc cảm thấy tò mò, xen lẫn khó chịu. Thôi đành chấp nhận vậy, vì người viết đâu có muốn đếm xỉa gì đến ai sẽ đọc đâu, người ta rào đón, khen chê, bình phầm gì  (hoặc xảy ra trường hợp là chả “ma” nào thèm ngó đến) thì cũng mặc. Oh, no problem. Thì cố nhân cũng đã nói rồi, ai chả muốn khẳng định cái cá biệt của mình, tôi và phần còn lại của thế giới. Như Vũ Hoàng Chương viết “Tôi: thù nhân của số nhiều”, hay Trần Huyền Trân “Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân”, quen thuộc hơn nữa là Xuân Diệu “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, Huy Cận “Suốt một đời như núi đứng riêng tây”, rồi đến nhạc sĩ họ Trịnh “Bỏ lại ta buồn giữa cuộc vui”, ai cũng như ai, cũng “mâu thuẫn”, cũng “lớn lao và cô đơn” .

Lạ nhỉ, sao cứ những câu thơ “cô độc” như vậy ta lại nhớ dai đến vậy, dai dẳng đến nỗi vận vào bản thân làm ta phải gồng mình để đối phó, để che giấu, để lấp liếm nó. Ngàn năm qua, người cô độc thì đời nào chả có, cũng có 3 loại, người cô độc cao cả, người cô độc bình thường và người cô độc tầm thường. Ta có cả 3 trong 3 loại đấy.

Hay chưa, ta viết đến đây rồi mới nhận ra nó chẳng ăn nhập gì với “cái chủ đề” mà ta khúc khích cười thầm khi nghĩ ra, cũng chẳng ăn nhập gì với những gì đang diễn ra trong đầu của người đang đọc bài viết, như là phút ngẫu hứng, “điên” hay cố tình “làm hàng” đây. Đến ta cũng chẳng biết!

 Có lẽ cũng tại cái thằng kohai biết chơi piano, làm mất cả buổi trưa nghe hắn đánh đàn. Hắn chơi hay, tuy có nhiều lỗi và cũng chưa thật nhập tâm lắm trong một hai bài. Số còn lại thì vẫn có lỗi, vẫn có một chút lơ là nhưng lại dụ dỗ được ta. Than ôi, New Age, đó là lý do mà ta trở thành con người khác như bây giờ đây, không, ta về lại với chính mình chứ.

Cậu bé bốn tuổi và “khát vọng mùa xuân”

 Ta bắt đầu ý thức được giá trị của âm nhạc nhờ Mozart, đúng hơn là nhờ bản nhạc “Khát vọng mùa xuân”. Ngày ấy vào khoảng giữa 6h45 và 7:00 có một bản nhạc được phát đi phát lại cùng với màn hình chờ trên ti vi. Ngày nào cũng vậy ta háo hức chờ “Bông hoa nhỏ” phát sóng đến nỗi thuộc lòng  bản nhạc ấy. Hỏi bố thì bố bảo đó là “Khát vọng mùa xuân” của Mozart, được sáng tác khi ông 4 tuổi. Sau này ta mới biết đó chỉ là lời đồn đại ở VN, thực ra 5 tuổi Mozart mới bắt đầu soạn nhạc, và bản nhạc “Khát vọng mùa xuân” được viết trước khi ông mất chỉ 11 tháng (năm 1791). Thế nhưng, hồi ấy con số “4” gây một ấn tượng mạnh ghê gớm. Bốn tuổi, cái tuổi mà ta không biết tới một nốt nhạc, cái tuổi mà Mozart đã thông hiểu âm nhạc đến độ nổi tiếng khắp Salzburg, cái tuổi mà ta bắt đầu bi bô đọc, cái tuổi mà Mozart đã chơi được dương cầm. Đâu có ý so sánh với Mozart!

  “Khát vọng mùa xuân” theo ta mấy năm liền khi ta vào cấp 1, nó làm cho ta bớt kiêu ngạo, bớt đứng một mình nhìn phần còn lại với con mắt khinh khỉnh, bớt cặm cụi, bớt lầm lì, và bớt cả ngủ gật nữa. Bản nhạc xuân ấy reo rắc trong tâm hồn ta những âm thanh tươi vui, những tiếng gọi nồng ấm, khiến ta cười, ta nhảy múa, ta chạy, ta hòa mình vào tất cả. Ta của ngày ấy lúc nào cũng thấy mùa xuân nở rộ hoa bên cạnh.

 Ta thích nhạc cổ điển từ dạo đó, không có băng đĩa, chỉ biết nghe qua chiếc đài con của bố. Fur Elise hay như tiếng Việt có tên là “Thư gửi Elise”,  Bốn mùa - “Four seasons” (sau này mới biết hồi ấy mới chỉ nghe có mỗi “Spring” thôi), hay quen thuộc với khán giả Việt Nam là vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga của Tchaicopvsky,… Đến khi vào cấp 3, những đồng tiền chắt chiu đôi khi được ta bấm bụng mua lấy một cái đĩa nhạc lậu. Lậu, đầy tạp âm và chưa chắc đã play được từ đầu đến cuối nhưng ta vẫn cứ bấm bụng chắt chiu vì cái thú vui đắt đỏ ấy. Chỗ ở cũng đâu có đài đóm gì, phải sang nhà bên cạnh nhờ bật hộ, thế rồi ở bên này ta ngồi nghe. Những đứa bạn của ta cũng nhanh chóng biết được thú vui ấy, thế rồi chiếc đĩa chuyền tay nhau. Đến năm lớp 10, ta vẫn chưa hề biết một nốt nhạc!

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”

 Hồi cấp 3 ta thích một cô bạn, cô bạn ấy lại thích nhạc Trịnh. À không “yêu” mới đúng, “yêu” đến độ nếu ông còn sống thì sẽ sẵn sàng lấy ông – như lời bạn ấy nói. Hồi ấy ta ngạc nhiên tròn mắt, sao lại có người hâm mộ đến mức như thế nhỉ, nhưng bây giờ thì ta thấy chuyện ấy không đến nỗi quá bất ngờ, người yêu nhạc Trịnh không phải là ít, trong số đó người sẵn sàng gửi tâm hồn mình cho nhạc sĩ cũng không phải là ít. Khoan nói nhiều về con người Trịnh Công Sơn, có lẽ nên hẹn dịp sau khi ta được làm bạn với ông. Hãy nói về nhạc Trịnh – nhờ cô bạn ấy mà ta nghe nhạc Trịnh nhiều hơn, thế rồi ta ép mình “không thích nhạc Trịnh”. Ai cũng bảo nhạc của ông buồn nhưng ta còn thấy trên cả nỗi buồn ấy là sự vô vọng. Ông hát lên “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” khiến ta càng chìm đắm trong “tuyệt vọng” hơn, ông tìm niềm vui mỗi ngày lại khiến nỗi buồn của ta mỗi ngày thêm nhiều lên, ông mơ thấy mình là thác đổ ta lại cảm thấy những vạt nước xối xả đè nặng, ông vẽ lên cơn mưa hồng ta lại thấy sau nó là những đám mây xám xịt. Ta không phải là người bi quan nhưng mỗi khi nghe nhạc Trịnh ta luôn cảm thấy bế tắc. Có lẽ nếu trong câu hát, ông gọi ta trở lại về với nguồn cội, về với những kí ức nhớ quên thì chắc chắn ta sẽ không quay trở lại mặc dù ta muốn. Chắc chắn ta sẽ ra đi xa hơn để những kí ức như thế mãi trong lòng ta, không bị hủy hoại, không bị chắp vá sửa sang mà chỉ để nhớ về.

 Ta đã nghe nhiều người hát nhạc Trịnh, nhưng đọng lại trong trí nhớ ta thì không nhiều. Ta thích cái “bất cần”, cái “dùng dằng”, “dửng dưng” khi Khánh Ly hát “Hạ Trắng”, ta thích sự “trong trắng” không vẩn đục, “cam chịu” nhưng xen cả hờn giận, trách móc khi Hồng Nhung hát “Đóa hoa vô thường”, ta thích đong đếm những nỗi buồn qua từng câu hát của em trong “Đêm thấy ta là thác đổ”. Ta cũng không thích khi em hát nhạc Trịnh quá tròn vạnh và trau chuốt, ta chỉ muốn nỗi buồn ấy một mình ta hiểu thôi.

 Khúc nhạc Trịnh miên man trên những con đường bụi đỏ ta đi, ta thấy ông giương cặp kính cũ kĩ dõi theo những vết chân thầm lặng trên cõi đi về, ta thấy bàn tay gầy ấy run run nâng chén rượu, môi mấp máy câu hát. Lúc nào nghĩ về ông, ta cũng thấy ông say nhưng tuyệt nhiên không thấy ông thôi hi vọng. Không giống như khi ta nghe nhạc của ông. Ta còn nhớ ông đã từng viết “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Ta đồng ý với ông nhưng có lẽ ông viết vẫn chưa đủ, ông thấy tuyệt vọng đẹp như một bông hoa nhưng ông cũng thấy hi vọng đẹp như ánh nắng lấp lánh tỏa xuống. Ông có nó, chỉ có điều ông giấu nó đi. Vì sao thì chỉ ông biết được, có lẽ để những thị phi trên đời này không giáng xuống ông chăng. Than ôi có lẽ ông nhầm rồi! Những thị phi đâu có phải vì thế mà biến mất cũng giống như ông, đâu có thể dễ dàng sụp đổ trong trái tim bao người. Ông chỉ cần rong chơi, chỉ cần du ngoạn chốn bình yên nào đó, những chuyện thế gian thì hãy để lại cho thế gian.

 Ta đã ép mình “không thích nhạc Trịnh”, có lẽ đã thành công một nửa. Nửa còn lại ta phải nhờ Phú Quang và Trần Tiến.

Ông “tiểu tư sản” và những góc phố

 Phú Quang - tiểu tư sản của nhạc Việt. Buồn cười thay khi chính ta có lẽ cũng không hiểu rõ cái từ “tiểu tư sản” có ý nghĩa là gì, bản thân ta cũng ghét từ đó. Nhưng ta cứ dùng nó, vì ta thấy Phú Quang thật giống một “tiểu tư sản” mà theo cách giải thích mập mờ của ta là lãng mạn, thanh tao đôi khi viển vông, hư không nhưng ta thích sự viển vông nghệ sĩ ấy.

 Bài hát nổi tiếng nhất của Phú Quang mà ai cũng biết đó là “Em ơi Hà Nội phố”. Chỉ riêng bài thơ của Phan Vũ thôi đã là một câu chuyện dài lãng mạn và cảm động, đủ khiến ta gắn mình với Hà Nội. Nếu như người nghệ sĩ trong thơ Phan Vũ đi dạo khắp ngóc ngách của Hà Nội, vẽ lên từng hàng gạch, từng gốc cây, từng mái ngói những bóng hình, những vết chân, những dấu tích ngàn năm thì Phú Quang lại thổi hồn vào những ngóc ngách ấy để chúng có thể biết níu kéo, biết thở than, biết lưu luyến. Người nghệ sĩ của Phan Vũ đóng vai trò hồi tưởng thì người nghệ sĩ của Phú Quang lại gào thét, sà vào những ngóc ngách để rồi nhớ thương, để rồi quên tất cả, để rồi khiến ký ức chợt nhòa chợt hiện. Phú Quang đã gửi gắm những cảm xúc ấy vào rất nhiều bài hát khác về Hà Nội trong đó có “Hà Nội ngày trở về”. “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, vội vã trở về khi lòng mình xác xơ, muốn tìm lại sự bồi hồi, rung động, muốn tìm lại dáng đứng em nơi quán nhỏ, muốn tìm lại mùa thu nhẹ nhàng như cầm trên tay. Mùa thu hết và lòng ta bình yên. Để rồi, vội vã ra đi khi sự bình yên ấy đang được bao bọc, được níu kéo, có chăng ta đột ngột quá làm ký ức không kịp trở tay?

 Một số người cho rằng nhạc Phú Quang dễ đi vào luẩn quẩn, lặp lại và đôi khi quá dễ dãi trong cảm xúc. Ta thì không nghĩ như thế. Phú Quang là một trong những nhạc sĩ hợp tác tốt nhất với các nhà thơ mà ta từng biết. Dường như ông có mặt tại mọi nơi nhà thơ đi qua, có mặt để đón chờ mọi ngôn từ sắp được tạo thành, ông hiển hiện trong quá trình ấy, để rồi khi nhà thơ từ khi thai nghén đến khi hoàn thành tác phẩm ông đều hiểu rõ. Vì thế, sao có thể nói ông luẩn quẩn và dễ dãi, ông đang đắm chìm trong những cảm xúc vốn có của nhà thơ và sẽ thật có tội nếu bẻ cong hay bóp méo nó. Trong “Khúc mùa thu” thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang ta dễ dàng nhận ra sự hợp tác hoàn hảo ấy.

 Ai yêu thơ mà lại không biết đến Hồng Thanh Quang, đến những câu thơ như “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”  hay “Phơ phất tơ lòng lam khói bay”, đến cả giọng nói khiến người ta nhăn mặt lại khi lần đầu nghe trong những chương trình bình thơ, nhưng nghe quen rồi thì nghiện. Lại xin hẹn câu chuyện về Hồng Thanh Quang vào dịp khác mà hãy nhắc đến sự hợp tác của ông với Phú Quang. Thơ Hồng Thanh Quang như thế rồi, cảm xúc đã ở đó rồi và Phú Quang có mặt biến cái cảm xúc ấy không phải chỉ là của riêng Hồng Thanh Quang nữa mà trở thành của ta, của những ai “quên mình chỉ để nghĩ về em”. Dẫu biết rằng em giấu đêm vào trong tóc, dẫu biết rằng em mải miết đi tìm những hư không ta không hề biết, dẫu biết rằng ta bất lực trước những cô đơn vằng vặc, vậy mà ta vẫn yêu, vẫn thương ai ở mãi cung hằng, vẫn yêu như chết là hạnh phúc. Đây chính là chất lãng mạn anh hùng rơm mà cả Hồng Thanh Quang và Phú Quang đều có. Uh thì anh hùng rơm, nhưng có ai yêu mà không như vậy. Phú Quang biến những điều khó diễn tả thành những cảm xúc rất thật, thật đến mức có thể xé lòng người ta, có thể đẩy người ta vào sự cô đơn muôn kiếp. Nhưng khác với nhạc Trịnh, ta tìm thấy nụ cười, đôi khi là cả hạnh phúc trong sự cô đơn ấy.

 Đến với Phú Quang ta phải quen dần với sự hư ảo, quen với sự không chính xác, lệch lạc, quen với nốt nhạc ở những câu từ có gì đó ngô nghê như “Trời không mưa và anh không đến. Em còn biết làm gì”. Ông luôn phán đoán “Dường như ai đi ngang cửa” để rồi “Chút lá thu vàng đã rụng. Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Ông gieo những nốt nhạc của mình ở những phán đoán đó, ông tự hỏi mình và đôi khi vờ vĩnh ở những câu trả lời. Vậy mà ta lại thấy sự vờ vĩnh ấy rất “thật”!

Người du ca du tình

Có một người còn “thật” hơn cả Phú Quang. Đó là Trần Tiến. Ta hát nhạc của ông từ hồi quần đùi thủng đáy, tay cầm ống cuộn chỉ lang thang khắp xóm biểu diễn “Sao em nỡ vội lấy chồng”, hay lớn lên một chút là mộng mơ những cánh buồm khát vọng với “Mặt trời bé con”. Ta ước gì nhà bên là anh lính để ta có thể trèo cây ngó vào, mắt xoe tròn lắng nghe. Ta cũng là đứa trẻ lẽo đẽo theo vết chân tròn trên cát, háo hức ngồi nhìn anh, thấy mình như đàn chim én bay qua những ngọn núi xa vời, thấy mình là đồng lúa, là giàn hoa, là dòng sông, là ánh lửa hồng, là cao nguyên đầy gió.

 Có thể nói rằng, so sánh với Trịnh Công Sơn hay Phú Quang thì rõ ràng Trần Tiến nhanh nhẹn và gần gũi hơn rất nhiều. Người ta có thể thấy Trịnh Công Sơn chậm rãi xa xăm về những “con đường”, những “cõi”, những “chiếc lá phai”, những “cánh buồm xa”. Người ta cũng có thể thấy Phú Quang bên chiếc dương cầm quen thuộc, hay ông đang ngồi ở góc vecni nhỏ nào đó với li cà phê, nhấm nháp và tận hường một “Hà Nội phố”, tận hưởng “mưa” và đợi chờ “mùa đông” . Có lẽ Trần Tiến lúc đấy đang chui rúc ở xó xỉnh nào đó, hoặc đang lướt bay bay trên đường, hoặc đang ngật ngưỡng dzo dzo giữa bàn nhậu xô bồ. Tuổi thơ nghèo khó và chuỗi nợ đời đeo đuổi ông dai dẳng, nhưng cũng tạo cho ông cơ hội để hóm hỉnh hơn nhiều người, phong trần hơn nhiều người, và cũng đau khổ hơn nhiều người. Vì thế, Trần Tiến là người nghệ sĩ hội tụ được rất nhiều dòng nhạc và phong cách khác nhau. Nghe đâu, vào năm ta sinh ra ông đã lập một ban nhạc rock lấy tên là Đen Trắng lưu diễn dọc đất nước. Nghe đâu người ta gọi ông là “người du ca”, ta thêm vào chữ “du tình” liệu có thất lễ chăng?

 Mùa đông ông hay quàng một chiếc khăn quanh cổ. Khi hát ông rất hay nhắm mắt, ông cười thật hiền nhưng mời mọc ta lên cùng ông, “phiêu du” cùng ông. “Tùy hứng lý qua cầu”, “Tùy hứng lý ngựa ô”, “Ngẫu hứng sông Hồng” hay “Giấc mơ Champi” khiến ta đâu thể ngồi yên được. Ta đã bị xáo động, xáo động vì những câu hò đối đáp, những điệu lý, những vó ngựa, những tiếng vọng núi rừng. Ta muốn chạy đi ngay đón người con gái ta yêu, rước nàng về, vó ngựa rộn rã, ta muốn cùng nàng tự do, tĩnh tại, sống cuộc đời núi non.

 Không có người nhạc sĩ nào hóm hỉnh được như Trần Tiến. Ông tủm tỉm cười khi thấy “Cụ già ngồi trong công viên. Ngắm bà già nhớ tuổi thanh niên” những câu hát quá thật nhưng không hề có chút gì thô tục. Ông châm chọc “Em đi đâu về, mà tóc đầy me. Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế. Mà cười một mình”, ông cũng khiến mình lăn cùng trái bóng, hò hét cùng lũ trẻ con trên phố. Có cô gái nào không thẹn thùng trước những lời châm chọc của ông, có đứa trẻ nào không háo hức xem ông bày trò, có cụ già nào không lẩm bẩm mắng cái ông mắc dịch nhưng hài hước lắm tài. Ta thấy ông bên điếu thuốc lào rít xòng xọc, thấy ông đang bị các cô, các chị vây quanh, thấy ông cầm đầu cả một lũ trẻ nghịch ngợm đi quậy phá, thấy ông dầu máy đầy tay nháy mắt tủm tỉm cười.

 Nỗi buồn của ông cũng thật khác với nhạc sĩ họ Trịnh và Phú Quang. Nó không lẫn với sự hư ảo của Trịnh Công Sơn, không nhầm với một chút sách vở của Phú Quang, nó là đời thường, là những thực tế do ai đó tính toán mà ông là nạn nhân. Nghe Trần Tiến hát về những nỗi buồn, ta không còn muốn giữ mãi trong lòng như khi nghe Trịnh Công Sơn và Phú Quang nữa. Ta muốn trở về, ta muốn tìm lại người con gái chiều mưa năm ấy, dù con thuyền có trôi, dù đóa hoa có lặng lẽ ta vẫn không thể để tóc gió thêm một lần thôi bay. Nghe Trần Tiến hát, ta muốn chạy về bên gia đình nhỏ của ta, ôm chầm lấy mẹ, nắn từng bờ vai gầy ấy, pha trà để cùng cha đàm đạo, những ngọn đèn le lói bớt quạnh hiu. Ta muốn được bên chị ngày chị đi lấy chồng, ta muốn thấy những giọt nước mắt chị rơi vì hạnh phúc hay xa cách. Ta cũng muốn nhìn thấy cô hàng xóm e ấp, mắt đen chờ ta những tháng ngày mỏi mòn. Mối tình long đong ta vẫn một mình.

 Nỗi buồn của ta gần với ai hơn, Trịnh Công Sơn, Phú Quang hay Trần Tiến.

Beethoven bên chiếc đàn bầu

 Đầu năm thứ hai đại học ta đã có một quyết định mà những người xung quanh cho là ngông cuồng “học đàn bầu”. 4 tháng ròng gia sư vừa đủ cho tậu chiếc đàn có giá đỡ, thêm cả cái loa to đùng hệt như một phường kèn trống thực thụ. Ta học đàn không giỏi, kém là đằng khác, theo ai đó nói là “a dua” cũng đúng, cũng là một kiểu tự đánh bóng mình. Điều đó phần nào không sai khi ta làm loạn cả kí túc với loa đàn bầu, rồi cồng kềnh vác đi, gò lưng đạp hơn 10 cây số đi học mà vẫn không đánh được bài nào ra hồn. Đổ lỗi cho thẩm âm, rồi có quá nhiều việc phải làm không thể dành một ngày 2-3 tiếng luyện đàn được. Trước khi đi, đàn bầu bị ta bọc lại ở một góc nhà. Ít ai biết ta học đàn bầu vì cái gì!

 Ta học đàn bầu vì Beethoven của ta, vì người anh, người thầy của ta. Anh dạy ta cách cảm nhận khi con người không thể nhìn thấy, anh dạy ta làm thế nào để hiểu được Beethoven, anh dạy ta biết hòa mình vào quan họ, vào đàn bầu, sáo, nhị - những nhạc cụ dân gian gần gũi muôn đời nay. Anh không nhìn thấy ta, cũng không nhìn thấy nhiều thứ khác nhưng những điều anh dạy ta còn hơn gấp nhiều lần những gì nhiều người sáng mắt đang sa sả nói hàng ngày.

 Ta thích nhạc cổ điển từ lâu nhưng chỉ biết nghe mà thôi, ta thích cách người ta phối hợp những nhạc cụ để tạo thành âm thanh hòa tấu tuyệt vời như vậy. Anh là người đầu tiên dạy ta rằng, mỗi bản nhạc cổ điển là một câu chuyện. Câu chuyện đó do ta tạo ra, ta kể lại chúng trong mỗi bản nhạc ta nghe. Anh cũng dạy ta thế nào là thuyết bình quân luật, để ta biết nhận ra những bản nhạc của Bach miên man như những dòng suối. Ta không thích sự đơn điệu và quá dàn trải vì thế với Bach ta thích những Cello Suite hơn. Anh cũng dạy ta thế nào là symphony, sonata, concerto, prelude, thế nào là sự tranh đấu giữa hai chủ đề trong một bản giao hưởng, thế nào là sự đối thoại giữa một nhạc cụ độc tấu và phần còn lại trong một concerto. Nhờ thế mà trong giao hưởng số 5 “Định mệnh” ta nhìn thấy thần chết đã gõ cửa dồn đập như thế nào, ta cũng thấy Beethoven tranh đấu ngoan cường ra sao, ta đã thấy một cuộc chiến mà vũ khí của Beethoven là những nỗi đau quá khứ và hi vọng cho tương lai. Để rồi ta nhìn thấy đồng quê yên bình, ta nghe thấy tiếng gió êm đềm thổi ở bản giao hưởng số 6 (bản giao hưởng duy nhất có 5 chương của Beethoven), ta thấy vó ngựa mình tung bay, thấy mình xông pha khi giao hưởng số 7 được vang lên. Ta cũng hiểu Beethoven khi ông đề tặng Napoleon ở giao hưởng số 3 “Anh hùng”, ông ngưỡng mộ Napoleon vì đã tiêu diệt chế độ phong kiến bảo thủ đè nặng châu Âu, nhưng cũng xé bỏ lời đề tặng đó tức khắc ngay sau khi vị độc tài tuyên bố lên ngôi hoàng đế. Ta hiểu ông chứ, hiểu cả những ước vọng hòa bình ông gửi gắm vào những bản nhạc, hiểu cả những gánh nặng cuối đời của những kẻ vây quanh ông tạo ra, hiểu nét mặt cương nghị và mái tóc bờm xờm của ông, hiểu rằng ông không tha thứ cho những hời hợt. Ta hiểu lịch sử nhân loại được ông tái hiện, những quằn quại, huy hoàng được ông phơi bày, ta bất ngờ khi lần đầu tiên một ode được đưa vào một bản nhạc. Bản giao hưởng số 9, bản giao hưởng được gửi ra ngoài vũ trụ và ode “Ode to Joy” (Hướng tới niềm vui)  nơi “tất cả mọi người đều là anh em” (Alle Menschen werden Brüder). Ta biết ta mềm yếu như ánh trăng để cần một sonata cho ta chảy mạnh mẽ, cho ta phủ lên tất cả vật cản để ta tràn qua. Ta cũng biết mình hay vương vấn, hay lang thang những đỉnh núi vời vợi sợ ngày trở về. Appassionata cuốn theo cả những dè dặt, những vương vấn, những phiền muộn để tiếp sức mạnh cho ta.

 Beethoven là cầu nối cho thời kỳ cổ điển và thời kỳ lãng mạn để Schubert tiếp bước. Ta muốn nói về Schubert, về bản giao hưởng dang dở, về chiếc áo đuôi tôm và sự tự ái của người nghệ sĩ. Ta cũng muốn kể câu chuyện của Chopin giữa đêm khuya, của Dvorak với “tân thế giới”, của “anh thợ cạo” Rossini. Ta cũng muốn kể câu chuyện về bản giao hưởng 20 năm của Brahms, những concerto nặng nề của Rachmaninov, hay hòn đảo thiên thần của Debussy,... và còn rất nhiều rất nhiều những câu chuyện nữa nhưng episode về classical music sẽ phải dừng tại đây hẹn một dịp khác thích hợp hơn.

 Ngày ấy anh dặn ta mỗi ngày phải nghe một bản nhạc dân gian mà anh giới thiệu, nghe đi nghe lại nhiều lần rồi viết lại cảm tưởng về bản nhạc ấy. Ta cũng như ai, nhớ như in những câu hát mẹ ru ,cánh cò và nhịp võng đưa, cũng thuộc đôi làn quan họ bà hát, nhưng đâu biết rằng trong quan họ ẩn chứa cả nỗi thống khổ, sự ích kỷ và bao dung. Người quan họ ngày xưa đã trót đối đáp thì không được nên duyên với nhau vì thế chữ “duyên” ấy được tô vẽ lên thật đẹp. “Còn duyên là duyên kẻ đón đón người đưa, hết duyên là duyên đi sớm để về trưa ớ trưa mặc lòng”, rồi “Đừng thấy em lắm bạn mà ngờ, tuy rằng là em lắm bạn nhưng em vẫn chờ là chờ người ngoan”, ấy thế mà cô gái ấy cũng sẵn sàng hy sinh người mình yêu thương “Ai hơn mình lấy, ai bằng mình đợi em”. Phải chăng đó là sự bao dung, nỗi khổ đau hay trách móc?

 Ta còn nhớ khi đạp xe trên đường Trường Chinh, bản nhạc ta hay nghe nhất là “Kể chuyện ngày mùa”, một bản hòa tấu của nhị, đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, tam thập lục. Ta thích nhất đoạn nhạc độc tấu của đàn nhị, một đoạn đối thoại buổi sáng sớm, giữa tiếng chim cu gáy kêu, tiếng gà gáy và những âm thanh rộn ràng của những người nông dân ra đồng sớm. Ta cũng thích cái cách những nốt nhạc được dồn lại, thích cái cảnh chiếu chèo được tái hiện, thích cả một buổi chiều quê yên bình nơi ta thấy ông ngồi phe phẩy chiếc quạt mo, bà đang nhai trầu, còn ta nằm khểnh giữa sân ngẩng mặt dõi theo cánh diều vi vu tiếng sáo.

 Từ những bản nhạc ấy, anh đã dạy ta làm thế nào để đưa chất liệu dân gian vào một bản nhạc, anh dạy ta motip quen thuộc khi chơi những nốt nhạc liên tiếp nhau, điều mà sau này ta thấy lại trong “The Butterfly Lovers' Violin Concerto”, anh cũng dạy ta trước khi bắt đầu vào học bất cứ thể loại nhạc nào, trước hết phải yêu chính âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

 Ta thích nghe những câu chuyện qua những chuyến lưu diễn của anh, thích cách anh cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai. Ta cũng đã hứa rất nhiều nhưng chưa làm được điều gì cả. Khi ta bước đi khỏi căn nhà vào buổi học cuối cùng ta vẫn nghe thấy Moon light sonata bên tai mình. Phải chăng anh là Beethoven bên chiếc đàn bầu!

Nổi loạn

 Thật sự bây giờ sẽ hơi vội vàng khi nói về New Age vì ta nghe New Age không nhiều. Có thời gian ta gọi nó là healing music, đó là thời kỳ ta bật Ernesto Cortazar suốt cả ngày khiến mấy anh cùng phòng phải kêu lêu “Sao cái thứ nhạc đều đều thế này em nghe mãi không chán à?”. Ta đã nói rồi, ta không thích những bản nhạc quá dàn trải và miên man nhưng vì là healing nên ta cần những bản nhạc như thế cho ngọn sóng trong lòng bớt hung dữ.

Ông bạn họ Lưu ở Hòa Bình có lần bảo ta “Dạo này tôi chỉ có New Age”. Hồi đấy vẫn nghe “Beethoven’s Silence” hàng đêm nhưng đâu biết New Age là cái gì, ta gọi nó là “Healing Music” mà. Sau này thì đọc đâu đó thấy cái định nghĩa về New Age khá lằng nhằng, bao gồm nhiều lĩnh vực và bộ phận, chỉ nhớ được có mấy chủ đề về không gian và vũ trụ, môi trường và thiên nhiên, tính chân – thiện – mĩ, những giấc mơ, tâm linh và cuộc hành trình của tinh thần.

 Secret Garden là một ban nhạc của New Age mà nhiều người biết. Trong đó “Song from Secret Garden” là bản nhạc nổi tiếng nhất của họ. Đó là cuộc hành trình của tâm linh vào khu vườn bí mật, mỗi lần như vậy ta lại thấy mơ hồ giữa những âm thanh day dứt miên man. Tiếng piano chậm rãi như những chiếc lá vàng rơi xuống, tiếng violon da diết ngân nỗi buồn đến cực điểm, thế rồi bất chợt lại trở về những tiếng khẽ khàng, những bước chân thật nhẹ ở một khu vườn nào đó xa xôi.

 Ta vẫn bình thường cho đến khi nghe “Until the last moment” và “Marching Season” của nhà soạn nhạc tài ba người Hi Lạp Yanni. Nhạc của Yanni hoành tráng và kiêu sa, ông biết cách khai thác tối đa những tinh hoa của những nhạc cụ cổ Hi Lạp, điển hình là Santorini được biểu diễn trong lễ diễu hành ở Olympic Alanta 1996 hay “Acroyali”, “Within attraction” và “Marching Season”. Mặc dù “Until the last moment” và “Marching Season” là hòa tấu nhưng lần đầu ta nghe chỉ với cây đàn piano. Đó cũng là lúc ta nổi loạn, nổi loạn ngay từ “Until the last moment”. Ta cũng không hiểu tại sao, chỉ biết rằng cái tôi trong ta được đẩy lên, ta kiêu sa và thấy mình khác biệt với nhiều người khác. Ta không hề chán nản cuộc sống mà ngược lại ta yêu quí cuộc sống này. Cảm xúc này khiến ta sống với chính ta, với hò hét, vội vã, nóng vội, đôi khi ta trân trọng chị quét rác hàng ngày trò chuyện hơn là một vị tiến sĩ bệ vệ kênh kiệu nhưng rỗng tuếch. Ta trở nên ghét những thú vui tầm thường, ta cao sang nên muốn giấu mình nhưng lại căm phẫn khi thấy những giá trị giả dối được tuyên dương. Ta đã thề sẽ mặc kệ những tầm thường quanh mình nhưng ngược lại ta lại muốn đứng lên quét sạch chúng. Ta căm ghét cả chính ta, vì bản thân ta trong những tầm thường ấy, bản thân ta cũng rỗng tuếch như thế. New Age đã cho ta sự nổi loạn như thế.

Trở về

 Và bây giờ sau 11 tiếng từ lúc nghe kohai đánh đàn ta đã hoàn thành bài viết này. Sự nổi loạn đã nguội đi mấy phần. Ta bỗng nhận ra mình bé nhỏ, gù gật, xấu xí. Ta cũng nhận ra trời rất lạnh và bên ngoài mưa chưa dứt, bụng ta đói meo. Ta cũng nhận ra những án treo lơ lửng trước mặt cho sự lười biếng bấy lâu. Ta cũng nhận ra thật sự mình chẳng hiểu một cái gì cho nên hồn cả. Ta cố biến mình giống Howard Roark mà không nhận ra ta đâu đáng để so sánh với anh.

 Mệt rồi. Luận bàn cũng kết thúc. Ta cũng viết đủ dài để không ai có thể đọc được hết.
 Ngày mai, ngày kia, và sau này nữa ta vẫn sống.
 Như ta mà thôi,…

No comments:

Post a Comment